Bế mạc Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII... là những sự kiện nổi bật ngày 9.10.
TRONG NƯỚC
Ngày 9.10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 12 đến Hội nghị lần thứ 13; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2019; xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Y tế. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị. Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc, nêu rõ một số vấn đề cần thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Trong ảnh: Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng; nhiều khu vực bị chia cắt, sạt lở đất, có nơi bị cô lập hoàn toàn; nước trên các sông Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại đã vượt báo động 3. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 9 giờ ngày 9.10, tỉnh Quảng Bình có 12.600 ngôi nhà bị ngập; trong đó huyện Lệ Thủy có trên 7.600 nhà, huyện Quảng Ninh có trên 4.300 nhà. Tại "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có 550 ngôi nhà bị ngập sâu tới 2,5 m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao. Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được. Trong ảnh: Nhiều ngôi nhà tại xã Minh Hóa bị ngập đến tận nóc nhà. Ảnh: Văn Tý – TTXVN
Sáng 9.10, tại Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp cùng Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng hệ thống sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Quang cảnh Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Liên minh Quốc tế Kết nối Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô giữa Thành đoàn Hà Nội - Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Công ty CP VietChallenge. Ảnh: Linh Anh - TTXVN
Ngày 9.10, tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khai mạc triển lãm "Kinh đô muôn đời", kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2020). Hơn 100 hình ảnh, tài liệu tại triển lãm được chia làm ba phần: Đức vua Lý Thái Tổ và quyết định dời đô; Kinh đô Thăng Long; Thủ đô Hà Nội. Trong ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Rạng sáng 9.10, tại khu vực biển Long Châu (Hải Phòng), tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện một tàu vỏ sắt gồm hai thuyền viên do ông Đỗ Văn Khởi (52 tuổi), trú tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) làm thuyền trưởng đang chở trên 20 ngàn lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ của phương tiện, không có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ và các loại hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số dầu DO đang chở trên tàu. Hiện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã lập biên bản và tạm giữ phương tiện và hàng hóa, tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Tàu chở hơn 20 ngàn lít dầu DO không rõ nguồn gốc bị lực lượng chứ năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tạm giữ. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Ngày 9.10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phát hiện và xử lý một xe tải vận chuyển gần 300kg thịt lợn nái không rõ nguồn gốc xuất xứ và đang bốc mùi hôi thối tại Km 42 quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế xe tải không cung cấp được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ 300 kg thịt lợn và các lô hàng trên xe; đồng thời, khai nhận đang trên đường vận chuyển thịt lợn từ Quảng Ngãi về tỉnh Đắk Lắk để tiêu thụ. Hiện vụ việc đang được lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời buộc chủ hàng thực hiện tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn nói trên. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Sáng 9.10, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil). Đây là vụ án thuộc giai đoạn 2 vụ Hà Văn Thắm gây thất thoát tiền của Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Tổng Giám đốc PVOil), Vũ Trọng Hải (Kế toán trưởng PVOil) bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 4, điều 355, Bộ luật Hình sự năm 2015 do chiếm đoạt tổng cộng 4 tỷ đồng tiền lãi ngoài do Hà Văn Thắm chi trả. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Tổng Giám đốc PVOil), Vũ Trọng Hải (Kế toán trưởng PVOil) tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 9.10, Thường trực Tỉnh ủy giao ban với lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy để nghe kết quả công tác quý III, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2020. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu trong tháng 10 và hết quý IV, các ban xây dựng Đảng và cơ quan liên quan chủ động, trách nhiệm trong việc tham mưu, chuẩn bị tốt các nội dung, công việc, điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là nhiệm vụ bao trùm, quan trọng không chỉ của quý IV mà của cả nhiệm kỳ. Công tác nắm bắt tình hình, dư luận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân cần đặc biệt quan tâm... Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Danh Trung
Sáng 9.10, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông. Đồng chí yêu cầu các bộ phận liên quan khẩn trương hoàn thành các phần việc với tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Các phần việc trang trí, khánh tiết bên ngoài cần khẩn trương hoàn thiện với phương án hợp lý nhất và xong trước ngày 15.10 để Thường trực Tỉnh ủy xem xét quyết định. Các bộ phận liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra lại toàn bộ phần việc được phân công nhằm nhanh chóng hoàn thiện và kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay đổi phù hợp để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho đại hội diễn ra thành công tốt đẹp... Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu các bộ phận liên quan khẩn trương hoàn thiện công việc chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông. Ảnh: Danh Trung
Chiều 9.10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh giao ban với Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiệm vụ quý IV và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Phát biểu kết luận giao ban, đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh quý IV diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, MTTQ các cấp trong tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tổ chức đa dạng các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930-18.11.2020), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh định hướng 15 nội dung trọng tâm công tác mặt trận năm 2021. Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Tuấn phát biểu kết luận giao ban. Ảnh: Tiến Mạnh
QUỐC TẾ
Ngày 9.10, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov tuyên bố sẵn sàng từ chức khi nội các mới được bổ nhiệm, nhằm chấm dứt khoảng trống quyền lực ở quốc gia Trung Á đang rơi vào bất ổn này. Trong tuyên bố, Tổng thống Jeenbekov nêu rõ ông sẽ rời khỏi cương vị lãnh đạo, sau khi đã ấn định được ngày bầu cử, ổn định trật tự đất nước, bổ nhiệm hợp pháp những người đứng đầu các cơ quan điều hành quốc gia. Ông nhấn mạnh cần phải sớm lập lại trật tự tại Kyrgyzstan và việc thực thi luật pháp phải bảo đảm giúp các nghị sĩ có thể tổ chức phiên họp. Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Bishkek. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tin ngày 9.10, tổ hợp chung cư và trung tâm thương mại cao 33 tầng ở TP Ulsan, Đông Nam Hàn Quốc đã bốc cháy dữ dội vào đêm 8.10, khiến hàng trăm người phải sơ tán khẩn cấp và ít nhất 88 người bị thương. Theo hãng thông tấn Yonhap, ngọn lửa được cho là bắt nguồn từ khoảng tầng 8 đến tầng 12 và sau đó lan rất nhanh do có gió lớn. Mặc dù ngọn lửa đã được khống chế sau đó nhưng lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người mắc kẹt và hiện chưa có thông tin về trường hợp tử vong. Trong ảnh: Lửa bốc cháy dữ dội tại tòa chung cư 33 tầng ở Ulsan, Hàn Quốc rạng sáng 9.10. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ban quản lý trung tâm giao dịch chứng khoán châu Âu (Euronext) ngày 9.10 nhất trí mua lại sàn chứng khoán Milan từ Sở giao dịch chứng khoán London (LSE) với giá 4,33 tỷ euro. Trước đó, LSE cho biết đang cân nhắc việc bán sàn Milan nhằm đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU), theo đó LSE phải chuyển một số tài sản để được phê chuẩn lệnh mua công ty cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv của Mỹ, trị giá 27 tỷ USD có 45% cổ phần thuộc sở hữu của Thomson Reuters - công ty mẹ của hãng tin Reuters News. Trong ảnh: Sàn giao dịch chứng khoán Borsa Italiana tại Milan, Italy, ngày 10.3. Ảnh: AFP/TTXVN