Tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIII; Khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm... là những sự kiện nổi bật ngày 8.12.
TRONG NƯỚC
Ngày 8.12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thảo luận, cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo lần cuối các văn kiện, chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 14 khóa XII xem xét, quyết định, hoàn tất việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng. Cùng dự họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, đại diện Thường trực Tổ Biên tập của các Tiểu ban Đại hội XIII của Đảng và lãnh đạo các cơ quan liên quan. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Ngày 8.12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, tình hình thực hiện đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc làm việc thứ hai của Tổ công tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau cuộc làm việc thứ nhất vào ngày 28.3.2018. Trong ảnh: Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
“Việt Nam và những dấu ấn trong vai trò chủ tịch ASEAN" là chủ đề của buổi tọa đàm do Học viện Ngoại giao tổ chức sáng 8.12 tại Hà Nội. Sự kiện này nằm trong chương trình Khoá Bồi dưỡng cao cấp về Hội nhập quốc tế dành cho Vụ trưởng các bộ, ngành và Giám đốc Sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng chủ trì buổi tọa đàm. Trong ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng với các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Ngày 8.12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Bù Đăng đã tạm giữ Lê Xuân Hòa (45 tuổi, ngụ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) để điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển pháo lậu. Trước đó, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô hiệu Inova 93A - 132.93 do Lê Xuân Hòa điều khiển, trên xe còn có Phạm Thu Hà lưu thông trên tuyến đường thuộc địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành dừng xe kiểm tra. Trên xe có gần 100 hộp pháo, gồm pháo bi và pháo hoa đựng trong 10 bao tải và thùng carton với tổng trọng lượng 184 kg. Trong ảnh: Số pháo lậu bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Tất Thành – TTXVN
Từ đầu năm 2020 đến nay, qua công tác tổ chức kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có nuôi, nhốt một số loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, đã có 11 cá nhân tại Kiên Giang và các tỉnh lân cận tự nguyện giao nộp 14 cá thể động vật rừng. Các cá thể được giao nộp thuộc 7 loài, gồm cu li, mèo rừng, rái cá, càng đước, trăn đất, cá sấu nước ngọt và khỉ đuôi dài. Hiện số cá thể nêu trên chuyển giao Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng theo quy định. Trong ảnh: Bà Đặng Thị Mỹ Hồng (thứ hai, từ phải qua), ngụ tại TP Hồ Chí Minh, đến giao nộp 2 loài động vật trăn đất có trọng lượng 70 kg và 0,5 kg càng đước. Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 8.12, chủ trì và phát biểu kết luận phiên họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 12, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá công tác chuẩn bị Kỳ họp 15 HĐND tỉnh khóa XVI cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhấn mạnh đây là kỳ họp quan trọng, xem xét, quyết định nhiều nội dung định hướng cho năm tiếp theo và 5 năm tới, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Thường trực, các ban HĐND tỉnh phải chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung của kỳ họp, tích cực bám sát quy định pháp luật, thẩm quyền của HĐND để chuẩn bị, ban hành các nghị quyết, văn bản. Đặc biệt lưu ý nghiên cứu kỹ các nghị quyết mang tính định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, bám sát định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ tháng 12. Ảnh: Linh An
Các đại biểu của tỉnh dự Đại hội Thi đua yêu nước (TĐYN) toàn quốc lần thứ X sẽ tập trung đi dự Đại hội từ chiều 8.12, viếng Lăng Bác và tham dự nhiều hoạt động khác trước ngày chính thức tổ chức Đại hội. Các đại biểu phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, sinh hoạt tập trung trong thời gian dự Đại hội. Đây là một số nội dung do Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh phổ biến trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội sáng 8.12. Đoàn gồm 11 đại biểu điển hình tiên tiến do Đại hội TĐYN tỉnh lần thứ V bầu và 3 khách mời. Đại hội TĐYN toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra vào ngày 10.12 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 2.300 đại biểu dự Đại hội, gồm 280 đại biểu khách mời, 2.020 đại biểu chính thức. Trong ảnh: Các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Thành Chung
Chiều 8.12, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch KHCN năm 2020 và thảo luận dự thảo kế hoạch KHCN năm 2021. Năm 2020, toàn tỉnh thực hiện 45 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 19 nhiệm vụ từ năm 2019 chuyển sang, còn lại là nhiệm vụ mới. Theo đánh giá, các nhiệm vụ KHCN được triển khai kịp thời. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào sản xuất an toàn, theo chuỗi giá trị, đã góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho người dân. Các đại biểu đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua 18 nhiệm vụ KHCN triển khai trong năm 2021, gồm các đề tài, dự án khoa học thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, y học, nông thôn mới... Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lương Văn Cầu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Thanh
QUỐC TẾ
Bất chấp lời đe dọa phủ quyết của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong ngày 8.12, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật quốc phòng mới, dự luật đầu tiên trong ba văn kiện lớn mà Quốc hội đang xem xét giải quyết trong tháng này. Theo báo Washington Post, dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hằng năm (NDAA), trị giá 740,5 tỷ USD, nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công. Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong Chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế. Trong ảnh (tư liệu): Một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC ngày 18.12.2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 8.12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc trở thành một thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của nước này. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Thương mại Hàn Quốc lần thứ 57 ở Trung tâm hội nghị COEX, Thủ đô Seoul, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường thương mại để chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, theo đó, ông nêu rõ "đa dạng hóa thị trường là nhiệm vụ cần thiết và chính phủ sẽ tiếp tục xem xét gia nhập CPTPP". Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) tại lễ kỷ niệm Ngày Thương mại Hàn Quốc lần thứ 57 ở Seoul ngày 8.12. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 7.12, giới chức Mỹ cho biết Washington đã nhất trí kéo dài Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) cho phép người di cư từ 6 quốc gia tiếp tục sinh sống tại Mỹ. Cụ thể, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gia hạn TPS cho công dân các nước El Salvador, Haiti, Nicaragua, Sudan, Honduras và Nepal đến ít nhất tháng 10.2021. Quy chế TPS được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1990 là chương trình cho phép người dân một số nước, trong đó chủ yếu là các quốc gia ở khu vực Trung Mỹ, chịu thiệt hại từ các cơn bão và động đất tạm thời đến sống và làm việc tại Mỹ. Quy chế này do Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ gia hạn định kỳ trong 6-18 tháng. Trong ảnh: Người di cư Trung Mỹ tới trung tâm tiếp nhận ở McAllen, Texas, Mỹ, ngày 12.6.2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 7.12, các công tố viên Pháp cho biết Brahim Aouissaoui, nghi can chính trong vụ tấn công bằng dao làm 3 người thiệt mạng tại một nhà thờ ở TP Nice hồi cuối tháng 10 vừa qua, đã bị buộc tội giết người và liên quan đến một tổ chức khủng bố. Nghi can Aouissaoui, 21 tuổi, người Tunisia, bị cảnh sát bắn trọng thương sau vụ tấn công ngày 29.10. Đối tượng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nên đã được chuyển đến một bệnh viện tại Paris vào đầu tháng 11. Cáo trạng được đưa ra sau khi tình trạng sức khỏe của đối tượng này gần đây đã được cải thiện, đủ để trả lời thẩm vấn của nhà chức trách. Trong ảnh (tư liệu): Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ ở Nice, miền nam nước Pháp, ngày 29.10.2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phi công huyền thoại người Mỹ Chuck Yeager - người đầu tiên trên thế giới lái máy bay vượt tốc độ âm thanh - đã qua đời ở tuổi 97. Thông tin này đã được vợ ông là bà Victoria Yeager xác nhận vào ngày 7.12.2020. Tuy nhiên, bà không tiết lộ nguyên nhân ông qua đời. Là một phi công lái máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ông Yeager - đã làm nên lịch sử khi lái máy bay Bell X-1 thử nghiệm vượt qua rào cản âm thanh vào năm 1947, giúp mở đường cho chương trình vũ trụ của Mỹ. Chuyến bay thử nghiệm của ông đã được đưa lên màn ảnh qua bộ phim "The Right Stuff" của Hollywood vào năm 1983. Trong ảnh (tư liệu): Phi công huyền thoại người Mỹ Chuck Yeager tại căn cứ không quân Edwards, bang California năm 1995. Ảnh: AFP/TTXVN