Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Huy động các lực lượng, quyết liệt dập dịch... là những sự kiện nổi bật ngày 6.8.
TRONG NƯỚC
Chiều 6.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Sáng 6.8, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ trên địa bàn gồm: Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), phường 13, quận Bình Thạnh; Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (VIFON), phường 2, quận Tân Bình; Công ty TNHH TikiNow Smart Logistics (TIKI), phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan (phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Diệp Trương – TTXVN
Tiếp tục chương trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), chiều 6.8 (theo giờ Hà Nội), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) và Hội nghị Hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại điểm cầu Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN
Sáng 6.8, tại Lữ đoàn 971, Lực lượng quân y gồm các bác sĩ, y tá, điều dưỡng thuộc Học viên Quân y, Bệnh viện Quân y 103 và Viện Quân y 7 (Quân khu 3) tổ chức Lễ xuất quân lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương phòng chống dịch COVID-19. Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng cùng lãnh đạo Tổng cục Hậu Cần dự và tiễn đoàn. Trong ảnh: Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Tổng cục Hậu Cần, Cục Quân y động viên đoàn lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 6.8, 4 chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tiếp tục chở các nhu yếu phẩm hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đã có gần 3.300 suất quà được tổ chức Công đoàn Thủ đô trao tới người lao động các quận Hà Đông, Hoàng Mai, huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Đây cũng là những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” cuối cùng khép lại hành trình 10 ngày triển khai thí điểm trong kế hoạch “ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19”. Từ nhu cầu thực tế và đề xuất của công nhân lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã trích 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Công đoàn để hỗ trợ 15.000 công nhân lao động đang ở khu vực cách ly, phong tỏa, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong ảnh: Lãnh đạo tổ chức Công đoàn Thủ đô trao quà hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động huyện Thanh Trì. Ảnh: TTXVN
Ngày 6.8, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Phước đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh với các hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không niêm yết giá. Trước đó, nhằm tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tăng giá bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, tỉnh Bình Phước đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 27 đơn vị (3 siêu thị, và 24/60 cửa hàng Bách Hóa Xanh). Trong ảnh: Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước kiểm tra các cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn: Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
Ngày 6.8, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị lần thứ 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phát biểu kết luận về công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thần tốc, quyết liệt hơn nữa với phương châm xuyên suốt "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và 4 tại chỗ" và nguyên tắc "sớm hơn 1 bước, cao hơn 1 cấp". Về phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí định hướng phát triển huyện Thanh Hà là ưu tiên nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với sản phẩm chủ lực là cây vải thiều; kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và đô thị sinh thái. Đối với phương án triển khai đầu tư xây xựng nút giao kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tỉnh sẽ phối hợp với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) hoàn thành 2 nút giao trong thời gian nhanh nhất... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận tại hội nghị lần thứ 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên