Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư; WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với virus corona... là những sự kiện nổi bật ngày 31.1.
TRONG NƯỚC
Ngày 31.1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Bí thư để đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2020; xem xét, quyết định về công tác cán bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cấp ủy Đảng tổ chức các hoạt động thiết thực với quy mô thích hợp, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và các ngày lễ lớn của đất nước. Hoạt động lễ hội cần bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, gắn với hoạt động du lịch, mang tính giáo dục cao, không để xảy ra tai nạn, tệ nạn xã hội. Tại cuộc họp, sau khi xem xét tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư xem xét quyết định một số nhân sự thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Chiều 31.1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe đến chào nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua không ngừng được vun đắp và phát triển, nhất là trong bối cảnh hai nước đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng chia sẻ Đại sứ là nhà ngoại giao đầu tiên đến xông đất Chính phủ Việt Nam và theo phong tục Việt Nam, điều đó mang lại nhiều may mắn. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, chiều 31.1, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cán bộ lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chiều 31.1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020)”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và ký phát hành bộ tem. Trong ảnh: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện nghi thức phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930-3.2.2020)”. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Ngày 31.1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số nội dung liên quan phòng chống dịch bệnh do Corona gây ra. Theo đó, bộ đề nghị “Trong trường hợp cần thiết tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội”. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh virus Corona khi đi dự khai hội Tịch điền xuân Canh Tý 2020. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Sáng 31.1 (tức mùng 7 tháng giêng) tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ diễn ra Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia và khai hội đền Mẫu Âu Cơ. Lễ hội do UBND huyện Hạ Hòa tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng được xem là lễ hội mở đầu cho chuỗi các lễ hội hằng năm của tỉnh Phú Thọ. Trong ảnh: Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật quốc gia. Ảnh: Trung Kiên –TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 31.1, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảnh báo tỉnh Hải Dương là nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Đồng chí yêu cầu khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh sớm hoàn thành kế hoạch phòng chống dịch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Các sở, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người; dừng tổ chức tham quan, du lịch đầu xuân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh và tập trung thực hiện phòng chống dịch bệnh... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Biên
Ngày 31.1, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, nhiều người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế để sử dụng nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, kéo theo giá khẩu trang tăng cao. Buổi sáng, tại một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương), giá hầu hết các loại khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất đều tăng mạnh. Loại khẩu trang 3D có giá từ 75.000-80.000 đồng/hộp 10 chiếc. Khẩu trang 3 lớp có giá 135.000 đồng/hộp 50 chiếc, tăng 35.000 đồng/hộp so với ngày 30.1 và tăng gấp từ 2-3 lần so với những ngày chưa có cảnh báo virus Corona. Chủ hiệu thuốc Thái Bình trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết loại khẩu trang 3M cao cấp của Nhật Bản trước kia có giá 40.000 - 45.000 đồng/chiếc thì nay tăng lên 80.000 đồng/chiếc. Ngày thường, khách hàng có nhiều lựa chọn về chủng loại, màu sắc, kiểu dáng các khẩu trang y tế nhưng hiện nay khách hàng không có nhiều lựa chọn. Một số hiệu thuốc không bán số lượng lớn, mỗi người chỉ được mua tối đa 1 hộp vì đang khan hàng. Trong ảnh: Khẩu trang y tế trở nên khan hiếm, giá tăng mạnh. Ảnh: PV
QUỐC TẾ
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31.1 (giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới (2019nCoV) làm 213 người tử vong và gần 9.700 người nhiễm ở 17 quốc gia trên thế giới. Trong ảnh: Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) trong cuộc họp báo sau phiên họp kín về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus 2019nCoV gây ra, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 30.1.2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 30.1, tại New York, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành họp thông qua Nghị quyết về gia hạn hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc tại Cyprus (UNFICYP) và nghe Báo cáo về hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL). HĐBA LHQ đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết 2506 về gia hạn hoạt động của UNFICYP đến ngày 31.7.2020. Trong ảnh: Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hữu Thanh – TTXVN
Ngày 30.1, Hội đồng châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên đã ký vào bản thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi Brexit. Đây là bước phê chuẩn bằng văn bản chính thức cuối cùng trong các "thủ tục" để Anh rời khỏi "mái nhà chung châu Âu" vào ngày đã định. Tuyên bố ngắn gọn của Hội đồng châu Âu khẳng định thỏa thuận “ly hôn” sẽ có hiệu lực vào lúc 23 giờ GMT ngày 31.1 (tức 6 giờ sáng 1.2 giờ Việt Nam) - thời điểm nước Anh chính thức rời khỏi EU. Trong ảnh: Đại diện thường trực của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) Sir Tim Barrow (trái) trao bản thỏa thuận Anh rời EU chờ được phê chuẩn cho Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Jeppe Tranholm-Mikkelsen tại Brussels, Bỉ ngày 29.1. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 31.1, Tòa án Cấp cao Tokyo (Nhật Bản) mở phiên xét xử thứ hai trong phiên tòa phúc thẩm lần 2 xét xử bị cáo Yasumasa Shibuya, kẻ đã sát hại bé gái Lê Thị Nhật Linh ở tỉnh Chiba hồi cuối tháng 3.2017. Phiên tòa này được tổ chức sau khi Viện Kiểm sát tối cao Nhật Bản cho rằng mức án tù chung thân đối với bị cáo Shibuya được đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 là quá nhẹ. Trong phiên xét xử lần này, Tòa án Cấp cao Tokyo đã nghe báo cáo về kết quả xét nghiệm ADN của nạn nhân và của bị cáo cũng như các chứng cứ thu được tại hiện trường. Trong ảnh: Các phóng viên tác nghiệp trước cửa Tòa án Cấp cao Tokyo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN