Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là sự kiện nổi bật ngày 30.1.
TRONG NƯỚC
Ngày 30.1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ năm, tiếp tục xem xét về công tác nhân sự. Cuối giờ chiều, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Chia sẻ với báo chí bên lề Đại hội, nhiều đại biểu cho rằng, công tác nhân sự được thực hiện rất thận trọng, chặt chẽ, khách quan, bài bản, dân chủ và thực chất theo quy trình 5 bước. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ kỳ vọng Đại hội sẽ bầu ra được những đồng chí đủ phẩm chất, năng lực vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để lãnh đạo Đảng, đất nước trong nhiệm kỳ tới. Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 30.1 cho biết, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Astra Zeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021, đồng thời Bộ Y tế vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác để có thể tăng thêm số lượng vaccine cho Việt Nam. Dự kiến trong quý I năm nay, vaccine của Astra Zeneca sẽ có mặt tại Việt Nam và được tiêm cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất vaccine khác để có thêm vaccine cho Việt Nam. Trong ảnh: Vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 30.1, tại Vườn bia Tiến sĩ - Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi “Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức. Với những chất liệu và bút pháp đa dạng như bút chì, bút sắt, màu nước,…các bạn trẻ đã thể hiện được những vẻ đẹp dung dị, thân quen nhưng cũng đầy mới lạ của khu di tích gần một nghìn năm tuổi. Ban tổ chức đã lựa chọn 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong ảnh: Trao giải cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi. Ảnh: Đinh Thuận – TTXVN
Sáng 30.1, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh An Giang (thành phố Long Xuyên), Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương”. Tại chương trình, Lãnh đạo tỉnh An Giang đã trực tiếp trao tặng 300 suất quà cho 300 đoàn viên công đoàn, người lao động và 5 căn nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở. Còn lại hơn 5.000 suất quà và tiền hỗ trợ (khoản 3,5 tỷ đồng), Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp các cấp công đoàn tổ chức trao tặng, đảm bảo hoàn thành trước ngày 6.2.2021. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh An Giang và Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang trao quà Tết cho đoàn viên, công nhân lao động tham dự chương trình. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Do huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã ghi nhận 1 người dân thị trấn Cái Rồng nhiễm COVID-19. Từ 12 giờ ngày 30.1, toàn bộ huyện Vân Đồn sẽ bị giãn cách xã hội và phong tỏa tạm thời thị trấn Cái Rồng theo nguyên tắc giãn cách xã hội là giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Tính đến trưa 30.1, tỉnh Quảng Ninh có 2 địa phương gồm thị xã Đông Triều và huyện Vân Đồn phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và 5 xã, thị trấn bị phong tỏa hoàn toàn gồm: Bình Dương, Thủy Sinh, An Sinh, Nguyễn Huệ (Đông Triều) và thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) do liên quan đến ổ dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn. Tổng số ca mắc COVID-19 tỉnh Quảng Ninh tính đến sáng 30.1 là 18 ca. Trong ảnh: Nhân viên y tế Vân Đồn lấy mẫu xét nghiệm của người dân. Ảnh: Văn Đức – TTXVN
Vào khoảng 14 giờ chiều 30.1, một vụ cháy lớn xảy ra tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đã thiêu rụi 4 căn nhà (là điểm kinh doanh giày dép, quần áo). Theo thông tin ban đầu, vụ cháy đã làm 1 người tử vong, thiệt hại về tài sản ước lên tới hàng tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Trong ảnh: Hiện trường đám cháy xảy ra tại thị trấn Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 29.1, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp định chủ chốt cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo đó, New START sẽ có hiệu lực đến ngày 5/2/2026. Nga nêu rõ thỏa thuận kéo dài New START sẽ có hiệu lực ngay khi Moskva và Washington trao đổi công hàm, sau khi mỗi bên hoàn thiện các thủ tục nội bộ của mình. Trước đó, ngày 27.1, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua việc gia hạn New START, sau khi được Tổng thống Putin đệ trình. Trong ảnh (tư liệu): Một loại tên lửa hành trình của Nga tại Kubinka, ngoại ô Moskva ngày 23.1.2019. Ảnh: AP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa bổ nhiệm ông Robert Malley, một chuyên gia về Trung Đông và là cựu quan chức dưới thời Tổng thống Barack Obama, làm Đặc phái viên về Iran. Ông Malley sẽ dẫn đầu nhóm quan chức của chính quyền mới trong các cuộc đàm phán với Iran nhằm nỗ lực đưa nước này tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong ảnh: Ông Robert Malley vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm làm Đặc phái viên về Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Tối 29.1, tại buổi họp báo sau khi kết thúc tham vấn với các lực lượng chính trị trong Quốc hội, Tổng thống Italy Sergio Mattarell cho biết “triển vọng về một đa số chính trị đã xuất hiện từ các nhóm ủng hộ Chính phủ trước đây”. Tổng thống Sergio Mattarella đã trao quyền cho Chủ tịch Hạ viện Roberto Fico tiến hành thăm dò và xác minh các điều kiện cần thiết để tập hợp đủ lực lượng chính trị chiếm đa số trên cơ sở các nhóm nghị sỹ ủng hộ Chính phủ của Thủ hạn đến ngày 2.2 để báo cáo Tổng thống về kết quả xác định liên minh chính trị đa số. Trong ảnh tướng tạm quyền Giuseppe Conte. Thông báo của Văn phòng Phủ Tổng thống cho biết, ông Fico sẽ có thời: Lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao M5S của Italy Vito Crimi (giữa) trong cuộc họp báo về việc thành lập Chính phủ mới tại Rome, ngày 29.1. Ảnh: THX/TTXVN
Bắt đầu từ ngày 31.1, Pháp sẽ đóng cửa biên giới với những người đến từ các nước ngoài Liên minh châu Âu, còn tất cả những người đến Pháp từ các nước trong EU phải tiến hành xét nghiệm PCR. Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Pháp vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã vượt quá 75 nghìn và số ca mắc đã lên tới 3,15 triệu người. Cũng như Pháp, một số nước châu Âu đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2. Đức cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước có nguy cơ cao như Brazil, Anh, Ireland, Bồ Đào Nha và Nam Phi trong thời gian từ ngày 30.1- 17.2. Trong ảnh (tư liệu): Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 4.9.2020. Ảnh: AFP/TTXVN