Bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; Chủ động, bình tĩnh đối phó với dịch bệnh là những sự kiện nổi bật ngày 28.7.
TRONG NƯỚC
Chiều 28.7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, dự kiến từ tháng 7.2021 đến 4.2022, cho trên 5,1 triệu người dân, xếp theo thứ tự ưu tiên, sau đó mở rộng sang các đối tượng khác tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Trong ảnh: Người lớn tuổi là một trong 10 đối tượng được ưu tiên tiêm sớm. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Ngày 28.7, Công an Hà Nội đã lập chốt kiểm soát COVID-19 tại nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô kiểm tra, xử phạt những trường hợp người dân ra ngoài không có nhu cầu thiết yếu, đi làm không có giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận đi làm có đóng dấu của cơ quan, đơn vị. Trong ảnh: Sáng 28.7 tại chốt kiểm soát rất nhiều trường hợp người dân bị xử phạt vì vi phạm Chỉ thị 16. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Để tăng cường năng lực điều trị, cách ly người nhiễm COVID-19, TP Hồ Chí Minh đang gấp rút xây dựng 2 bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) và trên đường Đào Trí (quận 7), đáp ứng khoảng 6.000 giường bệnh. Hai bệnh viện được khởi công từ ngày 8.7.2021, đều do công ty tư nhân tài trợ và dự kiến hoàn thành, bàn giao cho thành phố trong tháng 8.2021. Bệnh viện dã chiến quận 7 có quy mô 2.300 giường, hiện đã hoàn tất và chuẩn bị bàn giao khu điều hành, khu điều trị đang được hoàn thiện... Bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh đáp ứng 3.500 giường điều trị, hiện đang được khẩn trương lắp ráp, hoàn thiện khu điều trị, xây dựng khu mở rộng. Trong ảnh: Bệnh viện dã chiến trên đường Đào Trí có quy mô 2.300 giường. Ảnh: Xuân Tình - TTXVN
Tính đến ngày 28.7, toàn tỉnh Tây Ninh còn tồn động khoảng trên 1 triệu con gà công nghiệp đã đến lứa (khoảng 50 ngày tuổi) không xuất chuồng được do bị ách tắc trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Hàng loạt các lò giết mổ gia cầm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân các Công ty chăn nuôi, trang trại chăn nuôi gia cầm không tiêu thụ được gà. Hiện tại Tây Ninh, giá gà công nghiệp (gà trắng) chỉ còn 7.000 đồng/kg mà không ai mua. Với giá này, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi thua lỗ khoảng 20.000 đồng/kg. Trong ảnh: Các trang trại nuôi gà tại Tây Ninh còn tồn khoảng trên 1 triệu con không tiêu thụ được do ách tắc trong khâu vận chuyển. Ảnh: Đức Hoảnh-TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 28.7, các đồng chí: Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống Covid-19. Tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu trong tình hình hiện tại, bộ máy chống dịch ở tất cả các địa phương phải được kích hoạt. Các địa phương khẩn trương rà soát, truy vết, kể cả phong tỏa các vị trí cần thiết. Do chưa xác định rõ nguồn lây của các ca bệnh ở Nam Sách nên huyện này phải đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp, còn Hải Dương phải đặt trong tình trạng báo động, nâng mức độ cảnh báo. Các địa bàn đã phong tỏa của Nam Sách tiếp tục giám sát chặt chẽ người ra vào, khuyến cáo toàn dân chống dịch, không di chuyển trong thời gian này. Các địa phương chưa có dịch và các sở, ngành tập trung ngay các biện pháp phòng ngừa qua các tổ "Covid cộng đồng", tổ "An toàn Covid", giám sát chặt chẽ các phương tiện chở người, đặc biệt là "xe 100"... Trong ngày, Bộ Y tế xác nhận Hải Dương có 6 ca mắc Covid- 19. Trong đó, bệnh nhân P.T.N đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tối 27.7. Sau đó, 5 F1 của bệnh nhân này được ghi nhận mắc Covid-19. Trong ảnh: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Tiến Huy
Sáng 28.7, Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương năm 2021 triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961-10.8.2021). Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương năm 2021 thống nhất các nội dung về tổ chức kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở cấp tỉnh cũng như các nội dung về vận động quỹ. Đồng chí khẳng định vận động xây dựng quỹ là hoạt động thiết thực để có nguồn tổ chức tri ân nạn nhân chất độc da cam/dioxin, xoa dịu nỗi đau da cam. Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh sẽ quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở cấp tỉnh bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến vào ngày 9.8. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương năm 2021 chủ trì hội nghị. Ảnh: PV
QUỐC TẾ
Tân Thủ tướng được chỉ định của Liban, ông Najib Mikati ngày 27.7 tiến hành tham vấn với các đảng chính trị và cho hay đã đạt được đồng thuận về nỗ lực nhanh chóng thành lập chính phủ mới, nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Ông Mikati đã gặp các đảng chính trị hàng đầu của Liban, trong đó có phong trào Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah và Phong trào Yêu nước Tự do do Tổng thống Michel Aoun sáng lập. Phát biểu sau các cuộc tham vấn, ông Mikati cho hay “đã đạt được đồng thuận từ tất cả các khối và nghị sĩ về nhu cầu đẩy nhanh tiến trình thành lập nội các”. Trong ảnh: Tân Thủ tướng được chỉ định của Liban, ông Najib Mikati (giữa) phát biểu tại thủ đô Beirut. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 28.7, một ngày sau khi Bình Nhưỡng khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau 13 tháng tạm ngừng, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này và Triều Tiên đã gọi điện thoại liên lạc hằng ngày. Theo bộ trên, cuộc gọi giữa hai bên diễn ra lúc 9h (giờ địa phương, tức 7h theo giờ Việt Nam) và hai miền sẽ tiếp tục điện đàm thường xuyên. Trong ảnh (tư liệu): Quan chức Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên liên lạc chính thức qua đường dây nóng tại làng biên giới Panmunjom ở Paju (Hàn Quốc). Ảnh: AP/TTXVN
Bộ Quốc phòng Armenia ngày 28.7 thông báo 3 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong vụ đọ súng với các lực lượng Azerbaijan. Ngoài 3 binh sĩ thiệt mạng, 2 binh sĩ khác của Armenia cũng bị thương trong cuộc giao tranh này và giao tranh vẫn tiếp diễn. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia “khiêu khích” tại huyện Kalbajar và cho biết quân đội nước này sẽ tiếp tục đáp trả. Trong ảnh (tư liệu): Binh sĩ Armenia gác tại một trạm kiểm soát gần huyện Kalbajar. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 28.7, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 10 người bị thương sau khi một xe tải chạy quá tốc độ đâm vào một xe buýt hai tầng chở quá tải trọng ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Chiếc xe buýt chở quá tải với khoảng 150 hành khách. Trong khi đó, truyền thông đưa tin một số hành khách trên xe buýt là người lao động và chiếc xe này đã bị hỏng trên đường cao tốc trước khi xảy ra vụ tai nạn. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Ảnh: India Today/TTXVN
Ngày 28.7, "Kình ngư" Hungary Kristof Milak đã giành huy chương vàng nội dung bơi bướm 200m của nam tại Olympic Tokyo 2020 với thành tích 1 phút 51 giây 25, phá kỷ lục Olympic đã tồn tại 13 năm của vận động viên nổi tiếng Michael Phelps. Đây là huy chương vàng Olympic đầu tiên của "kình ngư" sinh năm 2000. Trước mắt anh vẫn còn 2 nội dung nữa ở Tokyo năm nay là bơi bướm 100m nam và bơi tiếp sức 4x100m nam. Trong ảnh: "Kình ngư" Hungary Kristof Milak thi đấu nội dung bơi bướm 200m nam tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: THX/TTXVN