Sự kiện nổi bật ngày 28.2

28/02/2020 19:03

Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid -19 của tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay... là sự kiện nổi bật ngày 28.2.

TRONG NƯỚC


Ngày 28.2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đến chào nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam. Chúc mừng Ngài Pranay Verma được bổ nhiệm làm Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng với bề dày kinh nghiệm công tác tại Bộ Ngoại giao và khu vực Đông Á, Ngài Pranay Verma sẽ hoàn thành suất sắc trong nhiệm kỳ, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược hai nước. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Pranay Verma. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Ngày 28.2, tại tỉnh Cà Mau, Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2019 và triển khai nhiệm vụ, ký kết giao ước thi đua năm 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước và các đại biểu chứng kiến nghi thức trao Cờ luân lưu cho địa phương đảm trách vai trò Cụm trưởng Cụm thi đua Tây Nam Bộ năm 2020. Ảnh: Kim Há-TTXVN


Ngày 28.2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) về công tác phòng chống dịch. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việt Nam xác định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là công việc mang tính toàn cầu, làm tốt ở Việt Nam là đóng góp với thế giới. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới và muốn tham khảo ý kiến của WHO, CDC trước khi quyết định. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


Ngày 28.2, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 12 nhằm tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp. Kết luận kỳ họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học thể hiện qua không khí thảo luận sôi nổi, sâu sắc và trân trọng ghi nhận những ý kiến có giá trị góp phần hoàn thiện các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như phương hướng công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương năm 2020, chuẩn bị nội dung cho Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Ngày 28.2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...Để hàng Việt tạo sức lan tỏa tới thị trường quốc tế, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải huy động sự vào cuộc của hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Ngày 28.2, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tiến hành tiếp nhận hai ngư dân Việt Nam là Huỳnh Minh Chánh và Nguyễn Văn Phúc được tàu Irene của quốc đảo Marshall cứu vớt khi đang trôi dạt trên biển sau khi tàu cá của họ bị chìm gần đảo Thổ Chu. Trước đó, vào ngày 20.2, khi hai ngư dân này của tỉnh Bến Tre đang đưa tàu cá mang số hiệu BT92124TS về cảng Sông Đốc ở tỉnh Cà Mau để sửa chữa thì tàu bị phá nước và chìm gần khu vực đảo Thổ Chu. Sau 2 ngày trôi dạt trên biển, hai ngư dân Nguyễn Văn Phúc và Huỳnh Minh Chánh đã được tàu Irene của quốc đảo Marshall cứu vớt và đưa đi cùng theo lộ trình tới đảo Si Chang thuộc tỉnh Chon Buri của Thái Lan, cập cảng vào ngày 24.2 .Trong ảnh: Ngư dân Huỳnh Minh Chánh (thứ hai từ trái sang) và ngư dân Nguyễn Văn Phúc (thứ ba từ trái sang) tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok sáng 28.2. Ảnh: Ngọc Quang - TTXVN


Ngày 28.2, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Mạnh (sinh năm 1994, trú ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) 19 năm tù giam về tội “giết người”; đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường 290 triệu đồng cho gia đình bị hại. Nạn nhân là anh Đỗ Thanh Hà (sinh năm 1979, ngụ xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) bị đâm chết vì có xích mích với bố dượng của Mạnh trong bữa nhậu. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Huy Mạnh tại phiên xét xử. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

TRONG TỈNH


Chiều 28.2, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh Covid -19 của tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ của tỉnh nhấn mạnh giai đoạn này, tỉnh ta tiếp tục xác định quan điểm "chống dịch như chống giặc". Điểm mới trong giai đoạn này là cùng với việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chúng ta phải duy trì các hoạt động khác. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của các địa phương tổ chức đến thăm các gia đình có con em học tập hoặc lao động ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc để động viên con em nên ở lại nước sở tại, thực hiện đúng khuyến cáo của nước sở tại. Với những trường hợp con em của các gia đình đã trở về địa phương, các tổ chức đoàn thể động viên gia đình khai báo y tế với chính quyền địa phương để được hướng dẫn cách ly, giám sát theo đúng quy định... Trong ảnh: Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Huyền Trang


Tối 28.2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết trường hợp 2 mẹ con người huyện Kim Thành đi về từ vùng dịch ở Hàn Quốc trước đó đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Trước đó, tối 27.2 người mẹ có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng. Sang ngày 28.2, người mẹ đã cắt sốt, sức khỏe tốt. Như vậy, đến thời điểm này, tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Trong ngày 28.2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không phát hiện thêm trường hợp nào nghi nhiễm phải gửi mẫu xét nghiệm. Trong ảnh (tư liệu): Khu vực cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tiến Mạnh

QUỐC TẾ



Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định thế giới đang ở "thời điểm quyết định" trong công tác ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khi số ca nhiễm mới virus SARS - CoV - 2 bên ngoài Trung Quốc đã vượt số ca nhiễm mới ở nước này. Nếu như cách đây chỉ 1 tuần, Trung Quốc vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất và duy nhất trên thế giới, thì nay có tới ít nhất 3 ổ dịch mới là Hàn Quốc, Iran và Italy. Hàng trăm ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày, trong khi danh sách những nước thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên cũng ngày một nối dài.Một loạt nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Croatia, Áo, Đan Mạch, Đức, Pháp hay mới đây nhất là Hà Lan đều có ít nhất một người nhiễm bệnh là trở về từ Italy. Không chỉ tại châu Âu, SARS-CoV-2 đã lan tới Brazil khi một công dân nước này trở về từ Italy được xác nhận dương tính với dịch bệnh. Châu Phi cũng không nằm ngoài ảnh hưởng, dù số ca nhiễm bệnh tại đây vẫn còn thấp. Trong ảnh: Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Dongsan ở thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 28.2.2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Ngày 27.2, Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt Nam tại quốc hội và thượng viện, cùng trường đại học Paul-Valéry Montpellier 3 đã bảo trợ tổ chức hội thảo khoa học về những cơ hội và thách thức trong hợp tác vì an ninh và phát triển tại Biển Đông.Tại hội thảo diễn ra ở Paris, các đại biểu đã phân tích các khía cạnh pháp lý và chính trị-chiến lược của những căng thẳng khu vực và quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền và hoạt động của các bên ở Biển Đông; vai trò trong quá khứ và tương lai của Pháp và châu Âu trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực; những tiềm năng kinh tế, khoa học, môi trường và văn hóa của Biển Đông đối với các quốc gia tiếp giáp, đặc biệt là Việt Nam. Trong ảnh: Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Linh Hương-TTXVN


Hãng thông tấn Interfax đưa tin, ngày 28.2, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cảnh báo bất kỳ chiến dịch quân sự tổng lực nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Idlib, Tây Bắc Syria, sẽ có kết cục tồi tệ cho chính Ankara.Trước đó cùng ngày, Nga tuyên bố đang điều 2 tàu chiến trang bị tên lửa hành trình tới vùng biển ngoài khơi Syria, đồng thời đổ lỗi cho Ankara về cái chết của 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib một ngày trước. Trong ảnh: Thổ Nhĩ Kỳtriển khai binh sĩ tại làng al-Nayrab, cách Idlib 14km về phía đông nam. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 28.2