Sự kiện nổi bật ngày 26.6

26/06/2020 18:29

Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36; Bế mạc Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI... là những sự kiện nổi bật ngày 26.6.

TRONG NƯỚC


Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 26.6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác tham dự phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đại diện Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, đại diện các Tiểu ban Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cùng tham dự. Ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 đã chủ trì phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 26.6, Thành uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII (giai đoạn 2020 – 2025). Dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, TP Hồ Chí Minh và hơn 600 đại biểu là điển hình thi đua yêu nước TP Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng nhì cho ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN


Trong 2 ngày 25 và 26.6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập Đoàn kiểm tra quy trình kinh doanh điện năng đối với khách hàng sử dụng điện tại Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Thành phần đoàn gồm có đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Phòng giá điện và phí Cục Điều tiết điện lực. Đoàn đã kiểm tra quy trình ghi chỉ số công tơ, phát hành hoá đơn tiền điện và quy trình tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách hàng sử dụng điện tại 2 Công ty Điện lực Thanh Xuân và Mê Linh. Trong ảnh: Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra chì niêm phong công tơ khách hàng sử dụng điện tại Công ty Điện lực Mê Linh. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Sáng 26.6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” nhằm đánh giá đầy đủ những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng giá trị nghệ thuật và bản sắc văn hoá của áo dài Việt Nam. Trong ảnh: Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Diễm Quỳnh - TTXVN


Sáng 26.6, tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm ảnh về những khoảnh khắc của cuộc sống thời COVID-19 với tựa đề “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19”. Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm, được chia thành 5 chủ đề, gồm: "Chỉ đạo chống dịch"; "Việt Nam tham gia chống dịch"; "Giáo dục thời kỳ đỉnh dịch"; "Ngành Y tế - tuyến đầu chống dịch"; "Người dân hưởng ứng phòng chống dịch bệnh". Trong ảnh: Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Danh Lam- TTXVN


Khoảng 7 giờ 30 ngày 26.6, hỏa hoạn đã xảy ra tại căn nhà sàn của bà Nguyễn Thị Hừng (thuộc diện hộ nghèo ở khu vực tổ 22, ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) khiến con gái bà Hừng là Nguyễn Thị Mộng Cầm (đang hưởng trợ cấp xã hội do mắc bệnh tâm thần) tử vong. Vụ hỏa hoạn cũng khiến căn nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do chập điện. Chính quyền địa phương đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ hơn 13 triệu đồng để gia đình bà Hừng khắc phục sự cố. Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 26.6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI đã bế mạc Hội nghị lần thứ 26. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhất trí chưa điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 đã đề ra. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ cơ sở đến tỉnh cần tiếp tục thực hiện các biện phòng, chống dịch. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án, công trình trọng điểm, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm đã triển khai đúng tiến độ. Điều hành linh hoạt, chủ động cân đối thu, chi ngân sách năm 2020... Các cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII  nhiệm kỳ 2020-2025  bảo đảm  đúng nguyên tắc, quy trình và đạt yêu cầu đề ra... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Ảnh: Thành Chung


Chiều 26.6, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH). Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu MTTQ và các đoàn thể CT-XH triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, tinh thần vượt khó mạnh mẽ hơn. Đồng chí nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; đồng thời tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, đặc biệt người lao động trong doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế. Phát huy tốt vai trò MTTQ và đoàn thể CT-XH vào việc tổ chức đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Khẩn trương hoàn thiện tổ chức, sắp xếp bộ máy của cấp tỉnh, huyện, xã; yêu cầu hoàn thành trong tháng 7... Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ảnh: Hà Nga

Chiều 26.6, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hải Dương họp triển khai công tác chỉ đạo kỳ thi này. Kết luận cuộc họp, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều điểm mới. Kỳ thi lại diễn ra đúng dịp đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, thời tiết có khả năng nắng nóng, khắc nghiệt. Công việc nhiều, đòi hỏi các ngành liên quan và các địa phương cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Chậm nhất đến ngày 1.7, phải ban hành kế hoạch chỉ đạo chính thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; chậm nhất đến ngày 3.7, tất cả các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phải xây dựng xong kế hoạch cụ thể tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao... Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Tiến Mạnh

QUỐC TẾ


Ngày 25.6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bác bỏ kiến nghị của một nhóm gồm 19 nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới Canada về việc trả tự do cho Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu để đổi lấy tự do cho hai công dân Canada đang bị giam giữ tại Trung Quốc. Thủ tướng Trudeau cho rằng đề nghị trên là "thiển cận" và hành động như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu, có thể gây nguy hiểm đối với hàng triệu công dân Canada đang sinh sống và du lịch nước ngoài mỗi năm. Trong ảnh: Bà Mạnh Vãn Châu (giữa), Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN


Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa phát động khởi công một dự án đường ống dẫn dầu, được dự báo sẽ cho phép nước này xuất khẩu dầu theo một con đường khác không qua Eo biển Hormuz. Đường ống nói trên dài 1000 km, sẽ đưa dầu từ Goreh tại thành phố cảng Bushehr ở vùng Vịnh, đến một thành phố cảng khác là Jask trên biển Oman. Trong ảnh (tư liệu): Tàu chở hàng hóa tiến về phía Eo biển Hormuz, ngoài khơi Khasab, Oman. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 25.6, Ấn Độ lần đầu tiên thừa nhận rằng nước này đã triển khai quân đội bằng đúng số lượng binh sĩ của Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya, sau khi xảy ra đụng độ gây chết người trong tháng này. Mặc dù hai bên đều mong muốn giảm leo thang căng thẳng, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết "cả hai bên vẫn triển khai số lượng lớn (binh sĩ) tại khu vực, trong khi các cuộc tiếp xúc quân sự và ngoại giao vẫn đang tiếp tục". Trong ảnh: Binh sĩ Ấn Độ gác tại tuyến đường cao tốc dẫn tới Leh, biên giới với Trung Quốc, ngày 17.6. Ảnh: AFP/ TTXVN


Hàng triệu trẻ em tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá Yemen có nguy cơ bị đẩy đến bờ vực của nạn đói do thiếu quỹ tài trợ nhân đạo giữa lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành. Đây là cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 26.6. Báo cáo mới của UNICEF dẫn số liệu ước tính của Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg cảnh báo đến cuối năm nay, số trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Yemen có nguy cơ tăng khoảng 20% lên đến 2,4 triệu trẻ. Trong đó, 30.000 trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nguy hiểm đến tính mạng và 6.600 trẻ ở độ tuổi dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong do những căn bệnh có thể phòng ngừa. Trong ảnh (tư liệu): Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Hajjah, Yemen. Ảnh: THX/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 26.6