Sự kiện nổi bật ngày 26.3

26/03/2020 18:30

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về việc đối phó với dịch COVID-19; UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3... là những sự kiện nổi bật ngày 26.3.

TRONG NƯỚC


Ngày 26.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về việc đối phó với dịch COVID-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp. Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, tình hình lây nhiễm virus gây dịch COVID-19 đang có dấu hiệu tăng tốc, bắt đầu xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, trong cơ sở y tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian 2 tuần tới, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 26.3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tao tổ chức Lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với chủ đề “Chung tay phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia". Trong ảnh: Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ giáo dục và Đào tạo với 4 tập đoàn Viettel, Vinaphone, Mobilephone và VietnamMobile. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN


Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên 2020 và kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2020), sáng 26.3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn tổ chức đối thoại trực tuyến giữa Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Ðoàn Lê Quốc Phong với đoàn viên, thanh niên với chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam”. Trong ảnh: Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Từ sáng 26.3 trên mạng xã hội xuất hiện thông tin: Từ ngày 28.3, TP Hồ Chí Minh sẽ bị phong tỏa do dịch COVID -19, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Trước thông tin đó, trưa 26.3, UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin lan truyền trên là hoàn toàn bịa đặt. Hiện thành phố đang tập trung tổng lực để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. UBND thnh phố yêu cầu người dân không lan truyền các thông tin không kiểm chứng, sai sự thật mà theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trên những kênh thông tin chính thống. Trong ảnh: Ngày 19.3, đại diện các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh họp về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN


Ngày 26.3, tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Công ty Viettel Cambodia (Metfone) thuộc Tập đoàn Viettel và Chi nhánh của Ngân hàng Quân đội (MB Cambodia) đã ký Bản ghi nhớ Hợp tác chiến lược 5 năm nhằm tăng cường sự phát triển của doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế-xã hội Campuchia.Theo Bản ghi nhớ Hợp tác chiến lược (giai đoạn năm 2020-2025), MB Cambodia sẽ cung cấp đầy đủ, tối đa nhu cầu tín dụng và hỗ trợ Metfone toàn bộ các dịch vụ tài chính doanh nghiệp với hạn mức tín dụng 100 triệu USD theo lãi suất cạnh tranh so với thị trường. Trong ảnh: Lãnh đạo Công ty Viettel Cambodia (Metfone) thuộc Tập đoàn Viettel và Chi nhánh của Ngân hàng Quân đội (MB Cambodia) ký bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Ảnh: Vũ Hùng - TTXVN

TRONG TỈNH


Ngày 26.3, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3. Phiên họp xem xét, thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm quý II;  thực hiện thu, chi ngân sách quý I. Cũng trong phiên họp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo nội dung đề án phát triển Bảo tàng tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì phiên họp. Ảnh: Nguyễn Lan


Chiều 26.3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 tỉnh họp đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, đề ra nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh yêu cầu thời gian tới, công tác tuyên truyền vẫn thực hiện thường xuyên nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở diễn biến ca bệnh ở thôn Tiêu Sơn, Sở Y tế đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra phương án chuẩn mực để áp dụng nếu xảy ra ca bệnh dương tính tại những nơi khác trong tỉnh. Chuẩn bị phương án lập bệnh viện dã chiến. Tiếp tục giám sát người nhập cảnh vào Hải Dương từ ngày 8.3. Vận động người dân tự giác khai báo nếu đến khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong vòng 2 tuần trở lại đây. Công an tỉnh chuẩn bị phương án lập các chốt vào các cửa ngõ của tỉnh, nhất là những nơi đông người, có nguy cơ cao để triển khai một số biện pháp phòng chống dịch bệnh... Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái phát biểu kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh. Ảnh: Huyền Trang


Chiều 26.3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai kế hoạch vận động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19. Đợt vận động được thực hiện ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã từ ngày 25.3, kết thúc sau 10 ngày khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh. MTTQ các cấp trong tỉnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân tham gia quyên góp, ủng hộ tiền, hiện vật, trang thiết bị vật tư y tế, nhu yếu phẩm... Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gia đình (trừ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đang hưởng trợ cấp xã hội) tuỳ vào điều kiện thu nhập tham gia ủng hộ ở mức cao nhất có thể. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiết kiệm chi tiêu, trích quỹ phúc lợi tham gia hưởng ứng đợt vận động với khả năng cao nhất... Trong ảnh: Hội nghị triển khai kế hoạch vận động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 thu hút nhiều đại biểu tham dự. Ảnh: Tiến Mạnh

QUỐC TẾ


Hiện hơn 3 tỷ người của gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ được yêu cầu ở nhà, khi các Chính phủ đang nỗ lực dập đại dịch COVID-19. Hầu hết các nước như Argentina, Anh, Pháp, Ấn Độ và Italy, cũng như nhiều bang ở Mỹ, đã áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc. Nhiều nước khác đã áp dụng giới nghiêm, cách ly và các khuyến cáo dãn cách xã hội. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10 giờ 30 ngày 26.3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới 471.035 ca, trong đó 21.284 ca tử vong. Trong ảnh: Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Washington D.C., Mỹ do dịch COVID-19 ngày 23.3.2020. Ảnh: THX/TTXVN


Quân đội Iraq cho biết 2 rocket đã bắn vào Vùng Xanh ở trung tâm Thủ đô Baghdad của nước này rạng sáng 26.3. Đây là khu vực tập trung các cơ quan chính phủ Iraq và các đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Đại sứ quán Mỹ.Một nguồn tin an ninh sở tại nhận định "mục tiêu tấn công dường như nhằm vào Đại sứ quán Mỹ" vì 2 rocket nói trên rơi xuống địa điểm chỉ cách đại sứ quán này khoảng vài trăm mét. Trong ảnh (tư liệu): Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq, ngày 20.5.2019. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo hãng tin AFP, cựu đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Levinson đã tử vong trong nhà tù Iran sau khi mất tích một cách bí ẩn vào năm 2007. AFP dẫn nguồn tin từ chính gia đình cựu đặc vụ này cho biết họ đã nhận được thông tin về cái chết của người thân từ các quan chức Mỹ. Hiện gia đình chưa biết rõ về thời gian và nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Levinson, song nghi ngờ có thể ông đã tử vong trước khi bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong ảnh (hình ảnh do FBI cung cấp): Cựu đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Levinson. Ảnh: AFP/TTXVN


Từ ngày 27.3, Nga ngừng hoàn toàn các chuyến bay thường xuyên và thuê bao đến và đi từ Nga. Lệnh này đã được Chính phủ Nga đưa ra đối với Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang - Rosaviasia. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm các chuyến bay đưa công dân Nga từ các quốc gia khác về nước do tình hình lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các chuyến bay được Chính phủ Nga cho phép. Trong ảnh: Hành khách mắc kẹt tại sân bay Vnukovo ở Moskva ngày 24.3.2020 sau khi Nga dừng các chuyến bay do lo ngại dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN


Các nhà khoa học mới đây cảnh báo số người trên toàn cầu phải hứng chịu thời tiết nóng ẩm cực đoan vào cuối thế kỷ này sẽ cao gấp 4 lần so với hiện nay, nếu lượng khí thải khiến Trái Đất ấm lên tiếp tục tăng, từ đó gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm tăng các chi phí y tế. Theo các nghiên cứu mới, chi tiêu cho sức khỏe tâm thần sẽ tăng khi ngày càng nhiều gia đình gặp vấn đề về giấc ngủ và làm việc, trong khi nắng nóng sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong ảnh (tư liệu): Người dân giải nhiệt tránh nóng tại một bãi biển ở Munich, Đức ngày 30.62019. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 26.3