Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 23.9.
TRONG NƯỚC
Rạng sáng 23.9 (theo giờ Việt Nam), tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận này. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp như chiến tranh, xung đột, tranh chấp tài nguyên, biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoà bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN.
Ngày 23.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để đánh giá tình hình dịch bệnh thời gian qua và triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch phải tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng ngay trong một địa phương thì tỉnh chỉ đạo một kiểu, huyện làm một kiểu và mỗi xã lại làm một kiểu. Các bộ ngành, địa phương cũng phải phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Bày tỏ lo lắng khi thấy người dân ở một số địa phương đổ ra đường quá đông trong đêm Trung thu, gây nguy cơ lây nhiễm cao, Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm và nhấn mạnh "Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân". Trong cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng tiếp tục bàn các giải pháp để giảm số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang-TTXVN.
Ngày 23.9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để nghe báo cáo một số nội dung về quy hoạch sử dụng đất quốc gia gia đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng khoảng COVID-19 ở Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”, sáng 23.9, Đoàn đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam do đồng chí Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn dự Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển do Quốc hội Campuchia tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà phát biểu. Ảnh: Nguyễn Điệp – TTXVN.
Ngày 23.9, Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiếp tục ngày làm việc thứ hai để xem xét, quyết định các nội dung theo chương trình và bế mạc kỳ họp. Tại ngày làm việc thứ hai, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 17 nghị quyết. Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây là những cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của TP Hà Nội năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong ảnh: Toàn cảnh lễ bế mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN.
Thực hiện nhiệm vụ “mục tiêu kép”, chuẩn bị cho hoạt động phục hồi kinh tế cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, ngày 23.9 tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra lễ tái khởi động một số trình xây dựng lớn trên địa bàn gồm: dự án bất động sản khu nhà ở phường Phú Hữu và dự án Khu phức hợp Sóng Việt. Trong ảnh: Khởi công dự án khu nhà ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: Xuân Tình - TTXVN.
Ngày 23.9, sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đón thành công chuyến bay thứ 4, chuyến cuối cùng theo chương trình thí điểm đón khách có “Hộ chiếu vaccine”, đưa 301 hành khách từ Pháp về Việt Nam. Toàn bộ hành khách là các công dân Việt Nam tại châu Âu đạt đủ điều kiện về nước theo chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế. Hành khách trước khi lên máy bay phải đảm bảo sức khỏe tốt, đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ đảm bảo an toàn suốt hành trình. Trong ảnh: Sân bay Vân Đồn đón hơn 300 hành khách có hộ chiếu vaccine từ Pháp. Ảnh: Văn Đức - TTXVN.
TRONG NƯỚC
Sáng 23.9 (17.8 âm lịch), tại khu di tích Kiếp Bạc, UBND tỉnh tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 721 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300 - 2021). Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ dâng hương năm nay được tổ chức gọn gàng, quy mô nhỏ nhưng trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm 721 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Thành Chung
Ngày 23.9, Hải Dương ghi nhận ca mắc covid-19 trong cộng đồng là chị N.T.B. (sinh năm 1971) bán hàng ăn tại quán Thanh Hải ở thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương), gần chợ đầu mối nông sản Hải Dương. Từ đêm 22.9, UBND TP Hải Dương đã yêu cầu các đơn vị, bộ phận liên quan truy vết các trường hợp liên quan; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các tiểu thương tại chợ và Ban quản lý; đóng cửa, phong tỏa tạm thời chợ đầu mối nông sản Hải Dương... Trong ảnh: Chợ đầu mối nông sản Hải Dương bị phong tỏa tạm thời từ tối 22.9. Ảnh: Tiến Mạnh
QUỐC TẾ
Trong cuộc điện đàm ngày 22.9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau sau những căng thẳng gần đây liên quan đến việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS, dẫn đến Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Paris. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau khi Paris phản ứng gay gắt về việc bị mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (phải) tại cuộc gặp ở Cornwall, Anh, ngày 13.6.2021. Ảnh: AFP/TTXVN.
Ngày 22.9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong đã gặp nhau bên lề Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) để thảo luận việc phối hợp các chính sách hướng đến phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, sau một loạt vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng gần đây. Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi cho biết tại cuộc gặp, ba bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên thông qua việc thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, bảo đảm thực hiện các nghị quyết của Liên hợp quốc về cấm Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, đồng thời nâng cao khả năng răn đe trong khu vực. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa), Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong (phải) tại cuộc gặp ở New York, Mỹ. Ảnh: Yonhap/TTXVN.
Ngày 22.9, quan chức phụ trách đơn vị điều phối của Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Mexico (COMAR), ông Andres Ramirez Silva, thông báo từ đầu năm đến nay, quốc gia này đã tiếp nhận 77.559 đơn xin tị nạn của người di cư từ 99 quốc gia trên thế giới, con số cao nhất từ trước tới nay. Các văn phòng tiếp nhận và xử lý đơn xin tị nạn đang trong tình trạng quá tải vì thiếu nhân sự. Trong ảnh: Người di cư Haiti băng qua sông Rio Grande ở Ciudad Acuna, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN.