Thủ tướng dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ X; hội nghị lần thứ 149 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy... là những sự kiện nổi bật ngày 23.6.
TRONG NƯỚC
Ngày 23.6, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ X. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương, gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Phong trào Thi đua quyết thắng trong toàn quân đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; góp phần thống nhất nhận thức, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, củng cố niềm tin cho bộ đội khi đối diện với những vấn đề mới của thế giới và đất nước... Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 23.6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng và quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ để thông báo kết quả sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại các buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời những vấn đề nóng trong đời sống xã hội được các cử tri nêu ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yếu tố đồng lòng, đồng thuận của nhân dân cùng Đảng và Nhà nước đã giúp đất nước phòng chống hiệu quả Covid-19. Các cử tri đánh giá cao và bày tỏ niềm tin với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác phòng chống đại dịch Covid -19, giữ ổn định kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ô Môn. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Ngày 23.6, hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kì lần thứ 10 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và do Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh làm chủ tọa. Bộ trưởng 15 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP đã tham dự hội nghị này. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các nhà đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt từ đầu năm đến nay. Các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Ngày 23.6, tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công thương và Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức “Hội nghị tập huấn, tuyên truyền kết quả công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia năm 2020”. Tham gia hội nghị có 250 đại biểu là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum; đại diện các sở, ban, ngành; lãnh đạo các đồn biên phòng, cán bộ chủ chốt 13 xã; già làng, thôn trưởng có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới dài trên 292km thuộc 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum, giáp Lào và Campuchia. Trong ảnh: Ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Sáng 23.6, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 cho các tỉnh thành phía Nam. Theo đó, mục tiêu của ngành là tuyển sinh 2.260.000 người, trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 580.000 học sinh sinh viên; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.680.000 người (trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 980.000 lao động nông thôn, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác và khoảng 20.000 người khuyết tật). Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Ngày 23.6, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm công khai xét xử bị cáo Nguyễn Văn Nghiêm (sinh năm 1963, trú tại Khu Thủy sản, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại điểm a, b, khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nghiêm 6 năm tù giam về tội danh trên. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Văn Nghiêm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội tại phiên tòa. Ảnh Vũ Hà - TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 23.6, phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 149 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm; đồng thời thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, ủng hộ của người dân trong phòng chống dịch. Cần bổ sung, làm rõ những hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng... Tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm theo đúng tiến độ... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 149 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên
Chiều 23.6, đoàn giám sát của Thường trực HĐHD tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc với UBND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự cuộc làm việc. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, toàn tỉnh đã chi trả hỗ trợ hơn 199 tỷ đồng cho 161.538 người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.933 hồ sơ đề nghị của các nhóm đối tượng khác, đã trả lại 313 hồ sơ không đủ điều kiện, các hồ sơ còn lại đã và đang thẩm định, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt… UBND tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ cho 431 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh sau ngày 31.12.2019 và người phát sinh trong hộ nghèo, hộ cận nghèo số tiền hỗ trợ là trên 323 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí do MTTQ tỉnh quản lý. Qua rà soát của cơ quan thuế, toàn tỉnh có 12.354 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định, tuy nhiên, đến nay mới thẩm định, hỗ trợ được 90 hộ... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Linh An
Sáng 23.6, tại xã Thanh Thuỷ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thanh Hà thu hái hơn 2 tấn vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải thiều tươi của Hải Dương được xuất khẩu sang nước này. Vải được thu hái tại vườn của các gia đình bà Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Thị Len, Phạm Thị Thành và Nguyễn Thị Duyên ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thuỷ. Công ty CP AMEII Việt Nam sẽ xuất khẩu lô vải trên. Lô vải được sơ chế tại nhà xưởng của doanh nghiệp này tại xã Thanh Xá, sau đó đưa sang Bắc Giang để xông hơi, khử khuẩn và ngày mai sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Việc xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản sẽ mở ra hướng xuất khẩu mới cho quả vải Hải Dương. Trong ảnh: Đơn vị xuất khẩu sơ chế vải trước khi đưa đi xông hơi khử khuẩn. Ảnh: Ngọc Thủy
Tối 23.6, Lễ khai mạc Giải vô địch cầu lông đồng đội toàn quốc năm 2020 diễn ra tại Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hải Dương. Giải do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đăng cai tổ chức. Đây là giải thể thao toàn quốc đầu tiên Hải Dương đăng cai tổ chức sau thời gian tạm dừng do dịch Covid-19. Tham dự giải có 109 tay vợt mạnh đến từ 9 tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và 2 ngành quân đội, công an. Đáng chú ý là sự góp mặt của các tay vợt hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Đào Mạnh Thắng... Tối 27.6, giải diễn ra 2 trận chung kết và bế mạc. Trong ảnh: Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh (TP Hồ Chí Minh) thi đấu rất hay trong trận đấu gặp Bộ Công an. Ảnh: Tiến Mạnh
Lúc 6 giờ 30 ngày 23.6, tại nút giao đường Nguyễn Lương Bằng - quốc lộ 5 (TP Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 2 người chết tại chỗ. Chiếc xe tải 4 trục bánh 34C-187.96 đi từ đại lộ Võ Nguyên Giáp rẽ phải ra quốc lộ 5 đi hướng Hải Phòng đã cuốn 2 người trên xe máy biển kiểm soát 34M6-0414 (chưa xác định người lái) vào gầm. Nạn nhân là ông Phạm Kim Tr. (61 tuổi, ở thôn Đồng Đội), Nguyễn Hữu Ch. (53 tuổi, ở thôn Đồng Tái, cùng xã Thống Kênh, Gia Lộc). Hai nạn nhân là anh vợ và em rể, đi làm thuê đường nước ở Minh Đức, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) đến ngày thứ hai thì gặp nạn. Trong ảnh: Xe tải rẽ phải ra quốc lộ 5 và cuốn 2 nạn nhân vào gầm. Ảnh: Tiến Huy
QUỐC TẾ
Chính phủ Mỹ ngày 22.6 thông báo tiếp tục ngừng cấp thẻ xanh (thẻ định cư dài hạn ở Mỹ) cho đến cuối năm 2020 và quyết định này cũng sẽ có hiệu lực đối với một số loại thị thực làm việc. Cụ thể, đến tháng 12.2020, các hồ sơ xin cấp thẻ xanh mới được xem xét phê duyệt. Trong khi đó, việc cấp các loại thị thực làm việc như H-1B cho các đối tượng lao động người nước ngoài tại các công ty công nghệ, H-2B dành cho lao động nông nghiệp tạm thời, cũng như các đối tượng khách trao đổi, người lao động chuyển nhượng giữa các công ty, đến cuối tháng 12 mới được nối lại. Trong ảnh (tư liệu): Người lao động nhập cư thu hoạch dâu tây tại một trang trại gần Oxnard, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23.6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya. Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng bác bỏ những thông tin mà truyền thông đăng tải gần đây về việc Trung Quốc có ít nhất 40 thương vong trong vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại thung lũng Galwan hôm 15.6 vừa qua, gọi đây đều là "thông tin giả mạo" .Trong ảnh (tư liệu): Xe quân sự Trung Quốc tại đường ranh giới kiểm soát, khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Ảnh: NDTV/TTXVN
Ngày 23.6, 9 ngư dân Indonesia đã mất tích sau khi thuyền của họ bị đắm ngoài khơi đảo Sumatra. Lực lượng tìm kiếm và cứu nạn nước sở tại cho biết, chiếc thuyền trên gặp nạn do điều kiện thời tiết xấu khiến các đợt sóng dâng cao ngoài khơi bờ biển miền Tây Bắc đảo Sumatra. Hiện vẫn chưa xác định được vị trí của các ngư dân mất tích do thời tiết không thuận lợi cản trở công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trong ảnh (tư liệu): Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân vụ chìm phà ở Ilir, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 23.6, Trung Quốc đã hoàn tất việc triển khai Hệ thống Định vị Bắc Đẩu (BDS) sau khi vệ tinh sau cùng của hệ thống được phóng vào quỹ đạo trong sáng cùng ngày. Đây là vệ tinh thứ 55 trong "gia đình" Bắc Đẩu được đưa vào quỹ đạo thành công nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh 3B. Việc Trung Quốc hoàn tất BDS đánh dấu bước tiến lớn của nước này trong cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực tiềm năng này, bên cạnh đối thủ của Mỹ. Trong ảnh: Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B mang theo vệ tinh cuối cùng của Hệ thống Định vị Bắc Đẩu (BDS) rời bệ phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 23.6. Ảnh: THX/TTXVN