Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, thảo luận cách thức làm sâu sắc mối quan hệ song phương... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 23.3.
TRONG NƯỚC
Chiều 23.3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, thảo luận cách thức làm sâu sắc mối quan hệ song phương. Năm 2022 là năm hai nước kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện quan hệ song phương Hàn Quốc - Việt Nam đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ 6 điện đàm cùng ông Yoon Suk-yeol từ khi ông đắc cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 10.3. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk - yeol. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN
Sáng 23.3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chủ trì Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Buổi chiều, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022 và xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 23.3, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Sáng 23.3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo: Lê Văn Dũng (sinh năm 1970, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a,b,c - Bộ luật Hình sự năm 1999 và bị cáo Nguyễn Văn Son (sinh năm 1956, trú tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) về tội "Che giấu tội phạm" theo quy định tại Điều 389, khoản 1, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong ảnh: Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng đối với các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Ngày 23.3, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các phòng nghiệp vụ đang phối hợp với Công an quận Tân Phú điều tra nguyên nhân vụ cháy tại chung cư Carillon 5, khiến 2 người tử vong do rơi từ tầng 10 của chung cư xuống đất.Theo đó, vụ cháy xảy ra vào lúc 4 giờ 15 phút ngày 23.3, tại căn hộ 10.2, tầng 10 chung cư Carillon 5 (262/3 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Khói lửa nhanh chóng bao trùm căn hộ. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an quận Tân Phú khẩn trương có mặt tại hiện trường, khống chế ngọn lửa không để lan rộng, đồng thời dập tắt đám cháy sau đó không lâu. Trong ảnh: Lửa bốc ra từ căn hộ 10.2 của chung cư. Ảnh: TTXVN
Sáng 23.3, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 70H-000.52 chở hàng chục tấn hạt điều đang lưu thông trên đường ĐT.757, hướng từ huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đi tỉnh Đắc Nông đã bất ngờ bị tụt dốc và lật vào quán ăn bên đường tại thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho (huyện Phú Riềng) làm 2 người trong quán ăn tử vong tại chỗ, 6 người khác bị thương. Vụ tai nạn cũng làm gãy nát cột điện, mất điện toàn diện xung quanh khu vực xã Bù Nho. Nhiều phần tường trước quán ăn và nhiều vật dụng khác bị xe tải đè đổ sập, hư hỏng nặng. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 23.3, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng. Thăm mô hình nuôi cá “sông trong ao” của HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (HTX Xuyên Việt) ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn HTX Xuyên Việt sẽ đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành “con chim đầu đàn” của tỉnh trong lĩnh vực phát triển thuỷ sản. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng hành, hỗ trợ đơn vị. Giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân và lãnh đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ tối đa các thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nuôi thủy sản của HTX Xuyên Việt tại huyện Tứ Kỳ; kiểm tra, rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án... Tham quan nhà máy sản xuất của Công ty C.P Chăn nuôi CP Việt Nam-Chi nhánh Hải Dương trong khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định thời gian tới, Hải Dương tiếp tục xác định nông nghiệp là một trong những ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư với định hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá đa giá trị. Đồng chí mong muốn doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh để hiện thực hóa mục tiêu này. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham quan mô hình nuôi cá "sông trong ao" của HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt. Ảnh: Lan Hiền
Ngày 23.3, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về kết quả thực hiện Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại buổi làm việc với Sở TNMT, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Hiệu khẳng định, thực tế triển khai các quy định của Luật Đất đai 2013 có nhiều bất cập, còn những quy định có đổi mới nhưng không phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề của đại biểu nêu ra tại buổi giám sát rất quan trọng, được quan tâm hiện nay như các quy định liên quan đến giá đất, đấu giá, đấu thầu thực hiện dự án, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp… Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh phù hợp. Phát biểu kết luận buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác phòng chống BLGĐ như hệ thống luật còn một số mâu thuẫn, tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kinh phí thực hiện ít, hầu như chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cấp huyện... Trong ảnh: Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện Luật Đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lan Nguyễn
Ngày 23.3, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với TP Hải Dương về việc di chuyển cụm công nghiệp (CNN) Tây Ngô Quyền. Đồng chí Lưu Văn Bản khẳng định việc di chuyển các doanh nghiệp trong CCN Tây Ngô Quyền là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố cũng như của tỉnh. Để triển khai thực hiện phải có lộ trình nên TP Hải Dương phải khẩn trương xây dựng, đề xuất kế hoạch di dời. Sở Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo cụ thể về thực trạng hoạt động của từng doanh nghiệp trong CCN trên. Đây là căn cứ, cơ sở để có phương án di chuyển cụ thể cho từng doanh nghiệp. Đối với nhóm doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, TP Hải Dương tiếp tục kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm. Đây là điều kiện để đưa ra kết luận về việc di chuyển. Trước mắt, cần kiểm tra làm rõ nguyên nhân và xây dựng giải pháp khắc phục. Các doanh nghiệp còn lại phải tôn trọng các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích của nhà đầu tư theo chứng nhận, chủ trương đầu tư đã cấp. Xây dựng phương án quy hoạch, định hướng di chuyển phù hợp với yêu cầu phát triển... Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu kết luận buổi làm việc với TP Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Mơ
Sáng 23.3, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số tỉnh 26.3. Đến nay, các phần việc liên quan đã cơ bản hoàn tất. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị việc lắp đặt lắp đặt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (Intelligent Operations Center - IOC) tỉnh hoàn thành trước ngày 25.3 để đưa vào hoạt động, ra mắt tại Ngày Chuyển đổi số tỉnh. Về công tác chuẩn bị sân khấu chính, các gian trưng bày, áp phích chào mừng… đồng chí yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật cao nhất góp phần tổ chức thành công Ngày Chuyển đổi số tỉnh. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật cao nhất góp phần tổ chức thành công Ngày Chuyển đổi số tỉnh. Ảnh: Hà Kiên
QUỐC TẾ
Ngày 22.3, Mỹ đã công bố một thỏa thuận với Anh nhằm chấm dứt việc áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nêu rõ với việc cho phép dòng chảy thép và nhôm miễn thuế từ Anh, Mỹ sẽ tiếp tục giảm bớt khoảng cách giữa cung và cầu với các sản phẩm này ở Mỹ, và thông qua dỡ bỏ thuế quan trả đũa của London, Washington cũng giành lại thị trường Anh cho các sản phẩm Mỹ. Thỏa thuận trên là động thái mới nhất trong hàng loạt nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải quyết xung đột thương mại với các nước đồng minh. Trong ảnh: Sản xuất thép tại nhà máy Beam Mill ở Teesside thuộc North Yorkshire, Đông Bắc Anh. Ảnh: Gazettelive/TTXVN
Tại Hội nghị Hóa dầu thế giới (WPC) thường niên lần thứ 37 diễn ra ngày 22.3 ở TP Houston, bang Texas (Mỹ), giới chuyên gia cho rằng chuỗi cung ứng sẽ không trở lại như trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và thế giới cần chấp nhận trạng thái "bình thường mới này". Theo chuyên gia, giá cả sẽ tăng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn và thiết bị vẫn sẽ khan hiếm. Theo đó, các doanh nghiệp cần lập kế hoạch ứng phó trong tình huống chi phí cao nhất, thời gian vận chuyển dài nhất và thời gian rảnh rỗi lâu nhất. Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng container ở San Pedro, bang California, Mỹ ngày 13.10.2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22.3, một người đàn ông được xác định là công dân Israel đã dùng dao đâm một phụ nữ và 2 người khác tại một trung tâm mua sắm, sau đó lái xe ô tô đâm vào một người đi xe đạp và nhiều người ở gần thành phố Beer Sheva, miền Nam Israel, khiến 4 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, những người dân ở gần khu vực xảy ra vụ tấn công đã chặn người đàn ông này lại và một tài xế xe buýt đã dùng súng bắn hạ đối tượng tấn công. Lực lượng an ninh Israel đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao do lo ngại về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố sau vụ việc trên. Trong ảnh: Lực lượng an ninh Israel điều tra tại hiện trường vụ tấn công ở Beersheba, miền nam Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Hàng chục nghìn nữ sinh quay trở lại học tập tại các trường trung học cơ sở trên khắp Afghanistan vào ngày 23.3, sau hơn 7 tháng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á này và đưa ra những quy định nghiêm ngặt về quyền học tập của nữ giới. Theo kế hoạch, các trường học tại Afghanistan mở cửa trở lại trong ngày 23.3, song các trường ở khu vực Kandahar - thành phố lớn thứ 2 của Afghanistan - sẽ không mở cửa cho đến tháng sau. Trong ảnh: Nữ sinh tới trường học tại Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN