Sự kiện nổi bật ngày 19.4

19/04/2022 22:11

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu là một trong nhiều sự kiện nổi bật ngày 19.4.

TRONG NƯỚC


Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngày 19.4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và 92 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số tình cảm sâu sắc, chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch nước khẳng định công tác chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt, đặc biệt là các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 19.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quy hoạch, quy định việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, có hiệu lực từ 1/1/2019. Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, tại phiên họp này nhằm đánh giá kết quả công tác quy hoạch, bài học, nguyên nhân; những vướng mắc, khó khăn; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh, công tác quy hoạch có những vấn đề khó, mới, nhạy cảm nên sẽ có những ý kiến khác nhau. Do đó phải nghiên cứu sâu, có giải pháp phù hợp cả trước mắt và lâu dài để công tác quy hoạch được thực hiện hiệu quả. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN


Chiều 19.4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Lễ đón và hội đàm Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla cùng Đoàn đại biểu Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 21/4.  Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Đoàn đại biểu Nghị viện Cộng hòa Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp, khẳng định mức độ tin cậy chính trị cao và mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa hai nước nói chung, Quốc hội hai nước nói riêng. Chuyến thăm cũng là hoạt động chính trị đối ngoại quan trọng giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Om Birla trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ kể từ khi nhậm chức vào tháng 6-2019. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Ngày 19.4, tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận. Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết do tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước nên đề nghị Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội; tuy nhiên vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết. Dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước, trong đó đề nghị bố trí xen kẽ việc trình bày các tờ trình, báo cáo với việc thảo luận một số luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; bố trí khoảng cách hợp lý giữa phiên thảo luận ở tổ, hội trường; không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy, Chủ nhật để có thời gian cho các cơ quan có thời gian tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận và tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai, ngày 23.5, dự kiến bế mạc vào thứ Sáu, ngày 17.6. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Chiều 19.4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và UNICEF tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em trong ASEAN. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam chủ trì trong Kế hoạch công tác của Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở lên trầm trọng hơn, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trong ảnh: Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN


Ngày 19.4, Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã ký kết thực hiện Đề án Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050.  Đề án sẽ đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Bình Dương một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thời kỳ đổi mới; xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước; phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương; phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong 3 thập niên tới; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách để tỉnh Bình Dương có những đột phá phát triển trong tương lai. Trong ảnh: Quang cảnh Lễ Ký kết. Ảnh: Chí Tưởng-TTXVN


Ngày 19.4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai triển khai cuộc họp để ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các Bộ, ngành liên quan. Từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn lớn hơn hoặc bằng 2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15 -18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn 2.5 đến 4.5. Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 (độ lớn 3.9) và năm 2015 (độ lớn 3.0).Trong ảnh: Đại diện Bộ Xây dựng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

TRONG TỈNH

Sáng 19.4, Sở Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hải Dương triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 lưu động cho học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Bình. Đây là hoạt động mở đầu Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Hải Dương. Tới kiểm tra, động viên tại buổi tiêm, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh biểu dương, ghi nhận các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đã chủ động, chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch lần này. Đề nghị ngành y tế phải tập trung tối đa lực lượng, phương tiện để triển khai chiến dịch; có đầy đủ phương án bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương, ngành y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế cần coi chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là việc lớn của tỉnh, là công việc trọng tâm của cơ quan, đơn vị trong giai đoạn này. Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chứng kiến mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hải Dương. Ảnh: Tiến Mạnh

Sáng 19.4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử vụ án Phạm Tuấn Long (sinh năm 1982, ở TP Hà Nội) cùng 53 đồng phạm về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, từ tháng 7.2018 đến ngày 10.5.2019, Long cầm đầu cùng các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên internet với tổng số tiền hơn 2.277 tỷ đồng, trong đó số tiền hưởng lợi hơn 524 tỷ đồng. Quá trình điều tra, tất cả 54 bị cáo trong vụ án đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong 54 bị cáo có 29 người ở TP Hà Nội, 10 người ở Hải Dương, 5 người ở Đồng Nai, 3 người ở Thanh Hóa, 2 người ở Nam Định; các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La mỗi nơi có 1 người. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 9 ngày. Trong ảnh: Bị cáo Phạm Tuấn Long (bên trái, hàng trên cùng) và đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Biên

QUỐC TẾ 

Theo hãng tin TASS của Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, cho biết lực lượng không quân tác chiến-chiến thuật thuộc Lực lượng không quân-vũ trụ Nga đã mở cuộc tấn công nhằm vào 84 mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó phá hủy một nhà máy sửa chữa tổ hợp tên lửa Tochka-U ở thành phố Dnipro, miền Đông Ukraine. Trong khi đó, theo hãng tin Tân Hoa xã, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/4 cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở khu vực Donbas, miền Đông nước này, đồng thời tuyên bố Kiev sẽ tự phòng thủ. Trong ảnh: Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa tại hiện trường một khu vực bị không kích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Dnipro (miền Đông Ukraine). Ảnh: AFP/TTXVN


Theo các cuộc thăm dò ý kiến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang củng cố vị thế dẫn trước ứng cử viên Marine Le Pen trong khi cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống Pháp bước vào tuần cuối. Ở thời điểm 6 ngày trước cuộc tranh cử vòng 2 - dự kiến diễn ra vào ngày 24/4/2022 tới, tất cả 16 cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành kể từ cuộc bỏ phiếu vòng 1 vào ngày 10/4 đến nay đều cho thấy đương kim Tổng thống dẫn trước từ 7-12%. Trong ảnh: Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen phát biểu tại cuộc họp báo ở Paris. Ảnh: THX/TTXVN


Ngày 19.4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) được đề cử, ông Rhee Chang-yong, đã trình bày phương hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức độ phù hợp để kiềm chế lạm phát, đồng thời đảm bảo duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Phát biểu trong cuộc điều trần xác nhận tư cách tại Quốc hội, ông Rhee Chang-yong cho biết thêm rằng BoK sẽ nỗ lực để điều chỉnh chính sách tiền tệ với tốc độ thích hợp để không làm tổn hại đến động lực tăng trưởng và tạo ra sự ổn định tài chính. Trong ảnh: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) được đề cử Rhee Chang-yong phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban kế hoạch và tài chính của Quốc hội ở Seoul. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 19.4