Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là sự kiện nổi bật ngày 16.8.
TRONG NƯỚC
Sáng 16.8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cùng tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đại biểu. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với nhan đề: "Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN.
Chiều 16.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Nước Đông Nam Á lần thứ 42 (Đại hội đồng AIPA-42) từ ngày 23-25.8 tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại Đại hội đồng AIPA-42, Quốc hội Việt Nam phải thể hiện quan điểm về thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA và các nước ASEAN về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có hợp tác, chia sẻ về vaccine phòng COVID-19. Cũng trong chiều 16/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với các cơ quan liên quan về chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc họp về việc chuẩn bị tham dự Đại hội đồng AIPA-42. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.
Đúng 8 giờ sáng 16.8, thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố cho tới 8 giờ ngày 23.8 để phòng, chống dịch COVID-19 trừ các hoạt động thiết yếu và phòng, chống dịch theo quy định. Thành phố yêu cầu mọi người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, "ai ở đâu thì ở đó" không được di chuyển, đi lại ngoài đường; thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà. Trong ảnh: Các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vắng bóng người đi lại. Ảnh: Lê Lâm – TTXVN.
Chiều 16.8, 250 cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đến từ 23 địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã lên đường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch COVID -19. Theo kế hoạch, đoàn cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bình Phước sẽ có mặt tại các khu vực nguy cơ cao của Đồng Nai trong 10 ngày, cùng lực lượng y tế tỉnh Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 để đánh giá tình hình dịch tễ, sớm khoanh vùng dập dịch. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiễn các tình nguyện viên lên đường hỗ trợ Đồng Nai phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Tất Thành – TTXVN.
Ngày 16.8, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức công bố đưa vào hoạt động giai đoạn 2 Bệnh viện dã chiến Thới Hòa thêm 3.400 giường; đồng thời gấp rút mở rộng thành khu điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn nhất tỉnh lên 12.000 giường để thu dung hết F0 đưa về đây điều trị. Trong ảnh: Giường bệnh chuẩn bị thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TTXVN.
Ngày 16.8, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chống người thi hành công vụ” và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dương (30 tuổi) 18 tháng tù giam và Nguyễn Văn Khánh (23 tuổi), 12 tháng tù giam, cùng trú tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Trước đó khoảng 20 giờ 30 ngày 4.8, sau khi nhậu tại nhà người quen ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, trên đường đi về, Dương và Khánh đã chống đối lực lượng làm nhiệm vụ và đánh cả công an tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 tên địa bàn. Trong ảnh: Các bị cáo tại tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN.
TRONG TỈNH
Chiều 16.8, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đi kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo nhu cầu của người dân tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương). Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng quán triệt việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông phải bảo đảm phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra mất an ninh trật tự. Giao các sở, ngành liên quan và UBND TP Hải Dương tăng cường thêm lực lượng tham gia phân luồng giao thông từ xa để tránh ùn ứ, ách tắc giao thông tại khu vực này. Từ ngày 18.8, người dân ở địa phương nào sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Y tế địa phương đó. Sở Y tế và các địa phương chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện bố trí lực lượng, thông báo cụ thể địa điểm lấy mẫu xét nghiệm theo nhu cầu để người dân biết. Địa phương nào còn để tình trạng người dân lên Trung tâm Văn hóa Xứ Đông lấy mẫu xét nghiệm thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh sẽ nghiêm túc phê bình. Địa điểm Trung tâm Văn hóa Xứ Đông chỉ lấy mẫu đối với các trường hợp là lái xe vận tải, xe chạy đường dài phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; không lấy mẫu cho các trường hợp là lái xe cá nhân chạy dịch vụ (xe 100)... Trong ảnh: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng động viên các nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông. Ảnh: Tiến Mạnh
Ngày 16.8, Công ty CP Tập đoàn Masan tặng ngành y tế Hải Dương 5 máy oxy dòng cao (HFNC) với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Số máy này Sở Y tế đã bàn giao cho Bệnh viện Phổi Hải Dương, giúp bệnh viện thuận lợi hơn trong tình huống nếu có bệnh nhân Covid-19 nặng vào điều trị. Trong ảnh: Lãnh đạo ngành y tế tiếp nhận máy oxy dòng cao. Ảnh: Đức Thành
QUỐC TẾ
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Triều Tiên và những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng, ngày 16.8, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận quân sự chung hằng năm. Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), cuộc tập trận chỉ huy 9 ngày diễn ra trên bán đảo chủ yếu dựa trên mô phỏng máy tính mà không có huấn luyện thực địa. JCS cũng nhấn mạnh cuộc tập trận này mang tính chất phòng thủ như thường lệ. Số lượng binh sĩ tham gia sẽ chỉ ở mức tối thiểu do tình hình dịch bệnh COVID-19 và quy mô của cuộc tập trận chung lần này nhỏ hơn cuộc tập trận được tổ chức vào tháng 3 vừa qua. Trong ảnh: Máy bay trực thăng đậu tại căn cứ quân sự Humphreys của Mỹ tại Pyeongtaek, Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận thường niên giữa Hàn Quốc và Mỹ . Ảnh: Yonhap/TTXVN.
Chỉ vài giờ sau khi lực lượng Taliban tuyên bố kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, trong đêm 15.8 rạng sáng 16, hàng nghìn người đổ xô vào đường băng sân bay quốc tế Kabul, cố lao lên các máy bay. Lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho sân bay này buộc phải bắn chỉ thiên nhiều lần để cảnh cáo đám đông đã mất kiểm soát. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy có ít nhất 5 thi thể được chuyển ra xe, không rõ thiệt mạng do trúng đạn hay bị giẫm đạp bởi đám đông chen lấn. Do tình hình hỗn loạn, giới chức sân bay buộc phải hủy các chuyến bay thương mại còn lại. Trong ảnh (trích từ video): Đám đông người sơ tán cố lao lên các máy bay, gây ra cảnh hỗn loạn tại sân bay quốc tế ở Kabul ngày 16.8, khi Taliban tuyên bố kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP/TTXVN.
Số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh tại Haiti đã tăng lên gần 1.300 người, trong bối cảnh các nhóm cứu hộ vẫn khẩn trương tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát. Tại Les Cayes, cũng như những thành phố khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Haiti, hầu hết người dân phải qua đêm ở ngoài trời ngay trước nhà của mình, hoặc đống đổ nát từng là nhà mình, do lo sợ những đợt rung chấn mới. Theo thống kê cập nhật ngày 16.8, ít nhất 1.297 người thiệt mạng trong trận động đất có độ lớn 7.2 xảy ra hôm 14.8 cách thủ đô Port-au-Prince chỉ khoảng 160km về phía Tây. Khoảng 13.600 công trình đã bị phá hủy và hơn 13.700 ngôi nhà bị hư hại, khiến hàng trăm người mắc kẹt dưới các đống đổ nát và hơn 5.700 người bị thương. Trong ảnh: Khách sạn Manguier bị đổ sập sau trận động đất ở Les Cayes, Haiti. Ảnh: TTXVN.
Mưa lớn tiếp tục trút xuống nhiều khu vực rộng lớn ở Nhật Bản, trong khi các vụ lở bùn đất đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 5 người mất tích. Theo Bộ Đất đai Nhật Bản, tính đến ngày 16.8, Nhật Bản đã ghi nhận 62 vụ lở đất tại 17 trong tổng số 47 tỉnh của nước này. Mực nước tại 36 con sông thuộc địa phận 9 tỉnh đã tràn bờ, gây hư hại nhà dân và làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải. Cơ quan chức năng Nhật Bản đã triển khai lực lượng cứu hộ đến các khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm người mất tích. Trong ảnh: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sơ tán người dân mắc kẹt tại vùng nước lũ ở thị trấn Omachi, tỉnh Saga. Ảnh: Kyodo/TTXVN.