Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thứ hai họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" là một trong nhiều sự kiện nổi bật trong ngày 15.7.
TRONG NƯỚC
Ngày 15.7, tại Phủ Chủ tịch, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" họp Phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án để nghe báo cáo về Đề cương tổng kết. Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng Dự thảo Đề án. Qua các hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo lần 1 của Đề cương chi tiết Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Nhấn mạnh những thành công sau 10 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan; những bài học kinh nghiệm; nguy cơ, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm tới…, làm cơ sở đề xuất phương châm, giải pháp cụ thể. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Trưa 15.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyết định Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Tại hội nghị, được sự phân công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố Quyết định số 568-QĐNS/TW ngày 14/7/2022 của Bộ Chính trị điều động bà Đào Hồng Lan thôi giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh để giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế; công bố Quyết định 839/QĐ-TTg ngày 15/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao Quyền Bộ trưởng Y tế đối với bà Đào Hồng Lan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng bà Đào Hồng Lan đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ tin tưởng giao phó trọng trách này.Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho đồng chí Đào Hồng Lan. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN
Ngày 15.7, tại Hà Nội, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày kỹ năng thanh niên thế giới (15/7) với chủ đề “Chuyển đổi kỹ năng thanh niên cho tương lai” và Lễ phát động kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2). Dịp này, nhằm vinh danh các Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho 4 Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, là những cá nhân hiện dưới 35 tuổi đã đạt huy chương tại các kỳ thi Kỹ năng nghề quốc tế và đã được bổ nhiệm từ năm 2020 đến nay, chưa được tặng huy hiệu cao quý này. Trong ảnh: Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương trao Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" cho 4 Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam là những cá nhân hiện dưới 35 tuổi. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Ngày 14 - 15.7, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) và Cụm bản Lằng Khằng (Khăm Muồn - Lào) đã diễn ra các hoạt động Giao lưu hữu nghị Việt Nam – Lào cấp Bộ đội Biên Phòng tỉnh năm 2022. Năm 2022 đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một mốc son mới trong quan hệ hai nước và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới hai bên. Trong ảnh: Tuần tra song phương giữa hai lực lượng trên tuyến biên giới. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Theo kết quả chính thức (ngày 15.7.2022), 6/6 học sinh Việt Nam tham gia cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022 (IMO 2022) tổ chức tại Nauy đều giành giải gồm: 02 HCV, 02 HCB, 02 HCĐ. Với thành tích này, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Đội Việt Nam gồm: Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Vàng; Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiện, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Vàng; Phạm Hoàng Sơn, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM: Huy chương Bạc; Nguyễn Đại Dương, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa: Huy chương Bạc; Vũ Ngọc Bình, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc: Huy chương Đồng; Hoàng Tiến Nguyên, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An: Huy chương Đồng. Trong đó, Ngô Quý Đăng, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Trong ảnh: 6/6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022. Ảnh: TTXVN
Ngày 15.7, tại Vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á tổ chức Hội nghị khởi động Dự án “Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II”. Dự án được thực hiện từ năm 2022 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2026, do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ với kinh phí viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD. Trung tâm được xây dựng ở khu hành chính của Vườn Quốc Gia Bạch Mã với diện tích 12,7 ha, gồm 12 nhà gấu; 12 khu bán hoang dã; khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên; khu cách ly; khu bệnh viện thú y; khu chế biến thức ăn cho gấu; khu giáo dục truyền thông; khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác. Trung tâm sẽ có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm. Trong ảnh: Các đại biểu nhấn nút khởi động dự án. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 14.7, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn xin từ chức của Thủ tướng Mario Draghi và yêu cầu Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội để đánh giá tình hình chính trị. Trước đó, Thủ tướng Draghi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống do Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn thứ 2 trong liên minh cầm quyền của ông, không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ ở Thượng viện. Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Italy Sergio Mattarella (phải, phía trước) và Thủ tướng Mario Draghi (trái, phía trước) tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Chính phủ ở Rome, ngày 13/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14.7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép ngân sách quốc phòng vượt mức 800 tỷ USD trong năm tới, theo đó chi ngân sách tăng 37 tỷ USD so với mức kỷ lục 773 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất. Với 329 phiếu thuận và 101 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua phiên bản Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) do chính cơ quan này soạn thảo. Thượng viện vẫn chưa thông qua phiên bản dự luật riêng của mình, song Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã ủng hộ mức tăng ngân sách thậm chí còn lớn hơn, tăng 45 tỷ USD so với đề xuất của Tổng thống Biden. Trong ảnh (tư liệu): Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận "Strong Europe Tank Challenge 2017" ở Grafenwoehr, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14.7, Mali thông báo nước này sẽ đình chỉ hoạt động luân chuyển của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSMA) vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này thể hiện căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa chính quyền Mali và các đối tác quốc tế. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mali nói rõ “việc luân chuyển của MINUSMA đang bị đình chỉ”, bao gồm cả những hoạt động đã được lên kế hoạch. Quyết định đình chỉ này sẽ được áp dụng cho đến khi có một cuộc họp được tổ chức để "tạo điều kiện cho việc phối hợp và điều chỉnh" hoạt động luân chuyển các nhân viên dự phòng. Mali tiến hành động thái trên chỉ 4 ngày sau khi bắt giữ 49 binh sĩ Côte d’Ivoire với cáo buộc là "lính đánh thuê" nhằm lật đổ chính quyền quân sự ở Mali. Tuy nhiên, Côte d’Ivoire khẳng định đây là những binh sĩ thuộc Lực lượng Hỗ trợ Quốc gia (NSE), được triển khai sau khi LHQ cho phép các lực lượng gìn giữ hòa bình được sử dụng các nhà thầu bên ngoài cho nhiệm vụ hậu cần. Trong ảnh: Binh sĩ thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSMA) tuần tra tại Fafa, Mali. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14.7, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay và năm tới, đồng thời điều chỉnh dự báo lạm phát do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cụ thể, EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5. Trong năm tới, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ nguyên ở mức 2,7% trong năm nay, nhưng giảm đi còn 1,5% trong năm tới thay vì ở mức 2,3% như tính toán trước đó. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua đồ tại siêu thị ở Budapest, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN