Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; Ứng dụng chuyển đổi số để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông... là những sự kiện nổi bật ngày 10.3.
TRONG NƯỚC
Ngày 10.3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã khai mạc với sự tham gia của 959 đại biểu chính thức, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trên toàn quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự buổi lễ. Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. Dự Lễ khai mạc còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và địa phương. Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chúc mừng Đại hội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngày 10.3, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 9. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến những nội dung công việc trong công tác lập pháp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành tại phiên họp. Khối lượng công việc lập pháp tại phiên họp này rất lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật; cho ý kiến về 2 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 1 dự thảo pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết và xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 10.3, nhằm tiếp tục thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân Thủ đô với biển, đảo Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức chương trình tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” đợt 1 năm 2022. Tại chương trình, hơn 40 đơn vị đã đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” 25,8 tỷ đồng. Trong ảnh: Đại diện các cơ quan, đơn vị ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” đợt 1 năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN
Ngày 10.3, được sự ủy quyền của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu phối hợp với Vietcombank Chi nhánh Lào Cai tổ chức Lễ trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ. Trong đó, 140 người dân được tặng thẻ bảo hiểm y tế (804.600 đồng/thẻ) và 70 người dân được tặng sổ bảo hiểm xã hội (3.564.000 đồng/sổ), trị giá 12 tháng. Tổng số tiền trao tặng trị giá gần 400 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ, đóng góp của cán bộ, nhân viên Vietcombank. Trong ảnh: Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của huyện Sình Hồ. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Sáng sớm 10.3, chuyến bay bảo hộ công dân Boeing 787 mang số hiệu QH9066 của hãng hàng không Bamboo Airways chở 300 kiều bào sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine sang Ba Lan, bao gồm 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 48 người cao tuổi trên 60, đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Thủ đô Hà Nội. Đây là chuyến bay bảo hộ công dân thứ hai do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí, dành cho bà con người Việt từ Ukraine có nguyện vọng trở về quê hương, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân và nhằm bảo đảm cao nhất an toàn về tính mạng và tài sản đối với công dân Việt Nam sơ tán khỏi vùng chiến sự. Trong ảnh: Kiều bào trở về nước tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN
Ngày 10.3, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý Thị trường bất ngờ kiểm tra trụ sở của Công ty ADN Care (mã số thuế 0317011956) tại số 45 đường 18, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn kit test, khẩu trang, cồn sát khuẩn và số lượng lớn thuốc Liên Hoa Thanh Ôn (nguồn gốc Trung Quốc, được quảng cáo là thuốc điều trị COVID-19). Trong ảnh: Quản lý thị trường kiểm đếm số lượng lớn hàng lậu. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 10.3, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Phát biểu kết luận về Đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025", đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh đề án phải căn cứ trên Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kết luận 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tên gọi đề án nhưng thay đổi thời gian từ 2022-2025. Đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý trong quá trình triển khai, phải ứng dụng chuyển đổi số triệt để và sâu rộng, coi đây là giải pháp có tính chất đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm trật tự, ATGT theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương và Trường Đại học Hải Dương thành trường đa ngành, đa lĩnh vực. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Ảnh: Thành Chung
Chiều 10.3. Ban tổ chức (BTC) môn bóng bàn trong chương SEA Games 31 họp nghe dự thảo kế hoạch tổ chức môn bóng bàn trong chương trình Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại tỉnh Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức môn Bóng bàn tại SEA Games 31 cơ bản nhất trí nội dung bản kế hoạch và khẳng định đây là sự kiện thể thao lớn của đất nước, Hải Dương rất vinh dự và sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức sự kiện này. Đồng chí yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu toàn bộ ý kiến tham gia của các đồng chí trong cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch, sau đó trình BTC sớm để báo cáo UBND tỉnh. BTC khẩn trương ra quyết định thành lập các tiểu ban. Môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Hải Dương, thời gian từ 10-22 giờ các ngày từ 13-20.5. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thủy
QUỐC TẾ
Ngày 10.3, ứng cử viên Yoon Suk-yeol của Đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) đối lập chính đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc. Với 98,1% số phiếu được kiểm, ông Yoon Suk-yeol giành được 48,6% số phiếu ủng hộ, sít sao so với mức 47,8% của ứng cử viên Lee Jae-myung thuộc Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền. Trong ảnh: Ông Yoon Suk-yeol (giữa, phía trước), ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) Hàn Quốc, vui mừng sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại Seoul. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 9.3 đã có cuộc điện đàm, thảo luận các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột ở Ukraine và thiết lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường. Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đã thảo luận về "các khía cạnh nhân đạo" ở Ukraine và các khu vực ly khai. Tổng thống Putin thông báo cho Thủ tướng Scholz về các biện pháp đang được thực hiện để sơ tán dân thường cũng như “âm mưu của các tay súng dân tộc chủ nghĩa” nhằm phá hoại kế hoạch đó. Trong ảnh (tư liệu): Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, tại Moskva ngày 15.2.2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 10.3, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ không tiếp tục tham gia các hoạt động của Ủy hội châu Âu (Council of Europe). Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang làm suy yếu Ủy hội châu Âu, vốn được thành lập để bảo vệ nhân quyền, pháp quyền và dân chủ. Trong ảnh: Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới được hỗ trợ bởi việc giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch 9.3. Chỉ số MSCI bao quát chứng khoán tại 50 nước, đã tăng 2,6%. Tại thị trường New York, cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng, lần lượt ở mức 2%, 2,57% và 3,59%. Tại châu Âu, chỉ số chứng khoán toàn khu vực STOXX 600 tăng tới 4,68%. Tại châu Á, mở phiên sáng 10.3, trong 15 phút đầu giao dịch tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei và Topix đều tăng gần 3%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mở phiên cũng tăng 1,9%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng gần 3% trong giao dịch đầu ngày. Trong ảnh: Giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 9.3.2022. Ảnh: THX/TTXVN