Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội là sự kiện nổi bật ngày 10.12.
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc trọng thể sáng 10.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và đọc diễn văn chào mừng. Tham dự Đại hội có 2.300 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ; đại diện các tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học trên cả nước. Trong ảnh: Tiết mục nghệ thuật chào mừng Đại hội. Ảnh: TTXVN
Ngày 10.12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Việt Nam - Chủ tịch các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN năm 2020 trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) dưới hình thức trực tuyến. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Lễ kỷ niệm. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp tới buổi Lễ. Dự Lễ kỷ niệm tại đầu cầu Việt Nam có đại diện các đơn vị của Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại sứ, tùy viên quốc phòng các nước, Trưởng đại diện Phái đoàn EU và Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội. Cùng dự tại đầu cầu các nước có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; Bộ trưởng Quốc phòng các nước khách mời. Trong ảnh: Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Ngày 10.12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Công ty CP Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN tổ chức khởi động Dự án thử nghiệm lâm sàng dự án vaccine phòng COVID-19 – NANO COVAX, do công ty NANOGEN nghiên cứu, sản xuất và thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu. Theo kế hoạch, ngày 17.12.2020 sẽ tiêm mũi vaccine đầu tiên cho người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Trong ảnh: Giới thiệu về vaccine NANO COVAX phòng Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Ngày 10.12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội). 10 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 10.12, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trong “Làng biệt thự” dưới chân núi Voi, thuộc tiểu khu 268, lâm phần trên địa bàn thôn Định An, xã Hiệp An. Khu “làng biệt thự” trái phép trên bắt đầu hình thành từ năm 2017 trên đất lâm nghiệp đã giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác. Khu vực này xác định được 54 căn nhà xây dựng trái phép, trong đó có 13 công trình được xây dựng kiên cố bằng bê tông, sắt thép. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tháo dỡ phần mái của các công trình xây dựng trái phép tại tiểu khu 268 (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) sáng 10.12. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 10.12, Đảng uỷ Quân sự tỉnh tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Quân sự tỉnh Phạm Xuân Thăng yêu cầu Đảng ủy Quân sự tỉnh phải khẩn trương xây dựng các kế hoạch triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết phải gắn nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tại hội nghị, Đảng uỷ Quân sự tỉnh đã nhất trí thông qua Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2021 với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Nhân dịp này, Đảng ủy Quân sự tỉnh chúc mừng đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2021 của Đảng uỷ Quân sự tỉnh. Ảnh: HV
QUỐC TẾ
Thượng viện Mỹ ngày 9.12 đã không thông qua các nghị quyết ngăn chặn kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump bán khí tài quân sự cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Với tỷ lệ 46 phiếu ủng hộ - 50 phiếu chống và 47 phiếu ủng hộ - 49 phiếu chống tại hai cuộc bỏ phiếu liên quan đến thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 và máy bay không người lái, Thượng viện Mỹ không có đủ 50 phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua các nghị quyết phản đối do đảng Dân chủ đề xuất. Trong ảnh (tư liệu): Máy bay chiến đấu F-35 tham gia một buổi huấn luyện tại căn cứ không quân ở Ogden, Utah, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã phê chuẩn thời điểm bầu cử Quốc hội thứ 20 vào ngày 26.9.2021, theo đề xuất của Chính phủ với sự tham khảo các chính đảng và chính quyền 16 bang ở nước này. Cuộc bầu cử ở Đức vào năm tới diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel tuyên bố sẽ không ra ứng cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 2005 đến 2021). Báo chí châu Âu coi cuộc bầu cử năm tới ở Đức sẽ là cuộc "siêu bầu cử", bởi không những sẽ bầu ra một Quốc hội mới mà còn mang tính quyết định trong việc chọn ra một vị Thủ tướng kế nhiệm bà Merkel dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng như giúp Liên minh châu Âu (EU) vượt qua những thách thức phía trước. Trong ảnh: Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Đức ở Berlin ngày 18.11. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau cuộc gặp mặt hơn 3 tiếng vào tối 9.12.2020 với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết quan điểm giữa hai bên về thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời EU (Brexit) vẫn còn rất khác biệt. Theo bà von der Leyen, hai bên nhất trí rằng các nhóm đàm phán cần phải được triệu tập lại ngay lập tức để giải quyết các vấn đề cốt yếu. Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông báo cho biết ông Johnson và bà von der Leyen đã nhất trí đặt thời hạn là ngày 13.12 tới để đưa ra quyết định chắc chắn về tương lai của tiến trình đàm phán. Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 9.12. Ảnh: AFP/TTXVN
Hải quan Malta thông báo vừa thu giữ 612 kg ma túy, ước tính trị giá 69 triệu euros (tương đương 83 triệu USD), giấu trong một lô hàng dầu ăn nhập khẩu. Trong quá trình kiểm tra bằng máy soi, các nhân viên hải quan đã phát hiện bên trong container dầu ăn có giấu tổng cộng 510 bánh ma túy. Thùng hàng được vận chuyển từ Ecuador qua Colombia và đang trên đường tới Libya. Đây là lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay bị tịch thu ở quốc gia Nam Âu này. Trong ảnh: Số ma túy bị Hải quan Malta thu giữ trong một lô hàng dầu ăn tại cảng ở thành phố Birzebbuga ngày 9.12. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Daily Mail của Anh, 4 tình nguyện viên đã bị liệt cơ một bên mặt (tên khoa học là chứng "Bell's palsy") sau khi tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Thông tin này được Pfizer và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố ngay trước thềm cuộc họp ngày 10.12 của một ủy ban độc lập thuộc FDA về việc cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, giới chức FDA đã bác bỏ khả năng đây là tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, do không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiêm phòng COVID-19 và hiện tượng trên. Trong ảnh: Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do Công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN