Trong thế giới của những người đam mê gà chọi ở Hải Dương có một lực lượng chuyên làm công việc chăm sóc, huấn luyện gà mà giới mộ điệu gọi là sư kê.


Anh Phạm Chí Công dành rất nhiều thời gian trong ngày cho việc chăm bẵm, huấn luyện gà chọi

Dày công chăm bẵm

Một ngày cuối tháng 7, trời nắng như đổ lửa, khu huấn luyện gà chọi của anh Phạm Chí Công (38 tuổi, ở huyện Bình Giang) dù đã được lợp tôn mát nhưng hơi nóng vẫn hầm hập. Mồ hôi rơi lã chã trên khuôn mặt, thấm đẫm cả chiếc áo đang mặc nhưng anh Công chẳng để ý mà chỉ chú tâm vào việc huấn luyện hai con “kê chiến”. Anh đặt tên cho hai con gà là “Bịp chân xanh” và “Ô đuôi lau”. Cả hai con cùng lứa, đã nuôi được hơn 1 năm nay. Sau khi dùng nước lá chườm cho từng con, anh Công đem nhốt chúng vào 2 lồng sắt để gần nhau. Cả hai nhìn nhau bằng ánh mắt dữ dằn, liên tục lùng sục đi lại, muốn thi đấu ngay lập tức. “Đây chỉ là một trong những bước quan trọng trong huấn luyện gà chọi. Để có được những con gà tốt như thế này thì dày công chăm bẵm lắm”, anh Công mở đầu câu chuyện.

Anh Công có 2 khu nuôi hàng trăm con gà chọi đủ mọi lứa tuổi. Anh đam mê gà chọi từ nhỏ, có nhiều năm  nghiên cứu, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm. Nhiều sư kê kiếm sống bằng cách đi làm thuê cho chủ các trại gà. Anh Công thì khác, tự nghiên cứu, sưu tầm để tạo ra con giống, sau đó huấn luyện chúng và bán cho những người đam mê. Cách làm này ngoài tốn kém còn rất vất vả. 7 năm theo nghề, chỉ tính riêng tiền mua giống, chuồng nuôi, thức ăn… cũng ngốn cả vài trăm triệu đồng. Có con gà mẹ anh từng bỏ ra 50 triệu đồng mua từ miền Nam ra để gây giống. Gà sau khi ấp nở, được nuôi bộ theo mẹ, chỉ cho ăn thóc, thả nhờ vườn nhà dân. Giai đoạn này chưa vất vả cho tới khi chúng bắt đầu cất tiếng gáy, tức là được 6-7 tháng tuổi. Lúc này, gà được tách đàn, lựa những con có đặc điểm tốt cắt lông, cắt tai và nuôi nhốt riêng để cho quen người. Chế độ ăn của gà chọi cũng thay đổi và tuân thủ theo một nguyên tắc rất nghiêm ngặt. Hằng ngày, anh Công cho gà ăn 3 bữa, bữa sáng và bữa tối ăn thóc, riêng bữa trưa sẽ ăn một trong số những loại thịt sống như bò, chạch, rắn, trứng cút. Ngoài những loại thức ăn này, chúng còn được ăn thêm cà chua, rau xanh. Tuy nhiên, những sư kê như anh Công sẽ phải rất cẩn trọng kiểm tra trọng lượng của mỗi con gà hằng ngày. Bởi mỗi con gà có một biểu cân nặng riêng và cần được bảo đảm hạn chế tối đa lượng mỡ trong cơ thể, giúp chúng săn chắc, thi đấu tốt hơn.

Thường gà chọi được phân ra làm 3 "trạng" cân, gồm "trạng tiểu" từ 2,4-2,6 kg, "trạng trung" từ 2,6-2,8 kg và "trạng đại" từ 3-3,2 kg. Vậy nên, ngoài chế độ ăn uống thì cho gà tập luyện hằng ngày để duy trì cân nặng có vai trò rất quan trọng. Buổi sáng, anh Công sẽ cho gà dậy tắm nắng, sau đó "om lau" cơ thể bằng khăn sạch, mỗi con mất chừng 30 phút. Nước dùng để "om lau" gà nấu với sả, lá bưởi, chè xanh, ngải cứu, nghệ… Buổi chiều gà được phun nước chè khắp cơ thể, sau đó cho ra sân “chơi” một mình hoặc nhốt vào lồng sắt đặt cạnh một con gà khác để chúng soi nhau, tạo sự hung hăng. “Đó mới là những thứ cơ bản trong nuôi và huấn luyện gà chọi. Ngoài ra, chúng tôi còn phải thường xuyên theo dõi biểu hiện, xử lý phòng bệnh cho chúng. Chăm một con gà chọi còn vất vả hơn nuôi một đứa trẻ con ấy”, anh Công vui vẻ nói.


Nuôi gà chọi rất tốn kém khi phải mua giống đắt đỏ cùng với chi phí xây chuồng trại và thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn phải đối diện với không ít rủi ro 

Tới huyện Cẩm Giàng, tôi gặp một sư kê khác là anh Nguyễn Văn Thuận. Anh Thuận năm nay 45 tuổi nhưng đã có tới 20 năm làm nghề này cho 3 trại gà chọi lớn ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh. Anh khẳng định, nghề này mỗi người có kinh nghiệm chăm bẵm, huấn luyện riêng nhưng đều rất kỳ công và vất vả. Anh Thuận đang làm thuê cho chủ một trại gà có tiếng ở TP Hải Dương. Vì số lượng gà lớn nên hằng ngày anh bắt đầu công việc lúc 7 giờ và kết thúc vào 19 giờ. Từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 6 âm lịch năm sau là thời gian anh làm vất vả nhất. Hằng ngày, ngoài việc cắt tỉa lông, kiểm soát chế độ ăn, cân nặng, om chườm rút mỡ… thì huấn luyện gà cũng rất vất vả. Nắng lên, người khác được làm việc trong chỗ râm mát nhưng anh lại phải mang gà ra sân phơi nắng. Mục đích của việc này là để rèn cho chúng chịu đựng được môi trường khắc nghiệt, da cũng thêm đỏ hơn, khi thi đấu sẽ khoẻ, lâu bị mệt. 

20 năm trong nghề, anh Thuận đã đào tạo ra hàng trăm “kê chiến”. Có những con đã thi đấu thành danh, được khách trả cả trăm triệu đồng. Với anh, nghề này không chỉ là thu nhập mà còn được thoả niềm đam mê chọi gà vốn đã ăn vào máu từ khi còn nhỏ.

Tôi quen anh Nguyễn Xuân Tú cũng là một sư kê, quê ở huyện Gia Lộc khá lâu. Mấy hôm trước gặp, anh khoe vừa bán lại cho khách một con “Tía chân vàng” lãi 25 triệu đồng chỉ sau chưa đầy 1 tháng mua về huấn luyện và thi đấu. Tuy chưa phải là người có tiếng trong nghề nhưng anh Tú lại khá có duyên trong việc mua bán những con gà chọi vừa vào độ chín. Anh không nuôi mà thường lên nhóm giao lưu gà chọi các tỉnh, thành phố để tìm mua những con có tiềm năng với mức giá vừa phải về tiếp tục huấn luyện, cho thi đấu tại “xới cỏ” để nâng trình độ rồi bán lại cho người khác. 

Nghe thì có vẻ nhàn nhã nhưng thực tế công việc của anh Tú phải đi lại nhiều và tốn kém. Không ít lần anh dành cả tuần lặn lội đi lên các tỉnh vùng Tây Bắc, vào miền Trung, miền Nam nhưng khi đến nơi thì không được như mong muốn, đành ra về tay không. Trước khi bắt tay vào nghề, anh Tú phải mất mấy năm trời để tìm hiểu, tích luỹ kiến thức, kỹ năng về huấn luyện gà chọi thông qua những người cao tuổi có cùng đam mê, từ sự chia sẻ của những sư kê có tiếng hay thông tin qua đọc sách, tham gia các hội giao lưu trên Facebook… Nói về chọn gà, anh Tú cho biết phải “soi” thật kỹ nếu không mua về lại thành cục nợ.

Qua nhiều năm kinh nghiệm, anh Tú nhận ra rằng, một con gà tốt là lông phải mượt, cánh dài, thân dài, cần cổ liền lạc, mỏ to, mắt phải trắng hoặc dạng mắt ếch, nhìn dữ dằn. Riêng ngón chân phải dài, căng, vẩy mỏng, chân xương, bàn ngón căng mới có sức bật tốt. Khi thi đấu, con gà phải khoẻ, đánh được nhiều hồ liên tục. Đặc biệt, quan sát lối đánh để chọn được con gà ưng ý cũng rất quan trọng. Gà chọi khi thi đấu thường có hai dạng hoặc chỉ đá mình, cổ, mặt hoặc là đánh vào lưng, tai. Loại thứ 2 thuộc dạng hàng hiếm vì gà đánh vào lưng tức là đánh vào phổi, khiến đối thủ nhanh mất sức, ít có khả năng phục hồi hoặc thậm chí chết ngay tại trận. Đây là những đặc điểm của những con gà hay, mua về huấn luyện dễ kiếm lời nhưng không phải lúc nào anh Tú cũng tìm được hoặc có tìm thấy thì có người chơi lại không muốn bán. 

Đằng sau sự đam mê

Chỉ tay về phía ngôi nhà đối diện, anh Tú buồn rầu nói: “Nhà thằng bạn tôi đấy. Nó năm nay cũng 40 tuổi như tôi mà có vợ và 2 con đi học. Tôi thì cứ mải mê gà chọi đến giờ vẫn chưa lập gia đình. Mẹ tôi khuyên tôi lấy vợ nhiều lần không được thì buồn phiền, trách móc. Con gái bằng tuổi tôi thì đã yên bề gia thất mà ít tuổi hơn thì khó có ai muốn lấy chồng già như mình".

Ngay cả những sư kê đã có gia đình như anh Thuận thì dù có được niềm vui với nghề nhưng cũng phải gói ghém không ít nỗi buồn trong lòng. Anh mải mê công việc từ sáng đến tối, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, tâm sự, vui chơi cùng vợ và các con. 

Những người trong giới sư kê mà trực tiếp nuôi, đào tạo và kinh doanh cũng phải đối diện với nhiều rủi ro về kinh tế. Anh Công kể trong nghề này mua được gà mái đẹp rất khó vì người ta muốn giữ dòng. Nếu có mua được thì giá cao và khả năng có được giống gà như mong muốn hay không cũng còn hên xui. Gần 10 năm trong nghề, anh đã đầu tư một khoản khá lớn để mua hàng chục con gà mẹ nhưng không phải lúc nào cũng có được thành công. “Tôi từng mua một con gà mẹ ở miền Nam có giá 50 triệu đồng nhưng sau khi về đúc lại cho ra lứa gà con không đạt yêu cầu, thế là bỏ phí. Gà chọi kỳ công nuôi cả năm trời cũng chịu cảnh rủi ro. Có con sáng vẫn đang chạy lồng mà đến trưa tự nhiên lăn đùng ra chết. Tiếc lắm mà không làm gì được, còn phải giấu cả vợ con", anh Công nói.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sư kê