Trong lao động nghệ thuật, ký ức tham gia kích hoạt, khai phóng năng lượng sáng tạo. Sự thăng hoa của cảm xúc trên cái nền ký ức sẽ góp phần tỏa sáng nguồn nhiệt năng nơi tác giả.
Trong lao động nghệ thuật, ký ức tham gia kích hoạt, khai phóng năng lượng sáng tạo. Sự thăng hoa của cảm xúc trên cái nền ký ức sẽ góp phần tỏa sáng nguồn nhiệt năng nơi tác giả. Điều đó hoàn toàn đúng với trường hợp nhạc sĩ Ngọc Khuê qua tuyệt phẩm "Mùa xuân, làng lúa làng hoa".
Ký ức trải dài rộng theo không gian và thời gian, với sóng lúa rập rờn trên cánh đồng làng ven đê. Sức xuân được khơi nguồn từ dòng nhựa sống căng tràn trên các cánh đồng hoa, đồng lúa Hồ Tây. Bởi vậy, lúa và hoa cùng chen lên “thơm ngát”, “thắm tươi ruộng đồng, tỏa hương “ngào ngạt” suốt bốn mùa, để gieo niềm hứng khởi bất tận "cho em hát cùng người”… Ở đây, cấu trúc đa chiều của không gian và thời gian Hồ Tây nhờ sự dẫn dụ tài hoa, “mê hoặc” của người nghệ sĩ, đã hiển lộ thành các phiên bản hội họa đa màu sắc, giàu biểu cảm. Đó là sự chồng xếp của nhiều lớp cắt khác nhau, hội tụ từ các góc nhìn riêng. Mỗi góc nhìn tương ứng với một phiên bản về không - thời gian: “Hồ Tây xanh mênh mông/Trong tươi thắm nắng chiều”, “Làng em làng hoa/Hoa thơm ngát bốn mùa”, “Hương hoa bay dào dạt làng hoa em gọi mùa/Mùa xuân”, “Làng lúa làng hoa mùa xuân"...
Bức tranh quê nơi “làng lúa làng hoa” hiện lên sống động bằng những gam màu khỏe khoắn, tươi vui với sắc thắm của nắng chiều Hồ Tây, với mùi thơm ngát của hoa tươi nở suốt bốn mùa, sự lấp lánh của những con sóng trong lòng hồ và trong cả lòng người đang thức gọi. “Hoa” là sự hiện hữu của tình em đang quấn quyện “Hạnh phúc trên đôi tay/Nơi anh đã gieo mầm”. Vì thế nên “Chiều nay anh dù xa/Hoa nói với anh nhiều”. Từ tiếng nói của hoa mà “Làng hoa em gọi mùa…”, tiếng gọi của “Đôi lứa tình yêu mùa xuân/Làng lúa làng hoa mùa xuân”.
Không gian, thời gian trong ký ức qua sự chuyển vị văn bản, trở thành giai điệu, ca từ đằm thắm, ngọt ngào nơi vùng đất in bao dấu tích thăng trầm của lịch sử. Một vùng trời nước hiện lên lung linh, huyền ảo. Sóng nước Hồ Tây, vượt lên giông bão thời gian, vẫn đẹp đến nao lòng. Ở đó, “Hồ Tây xanh mênh mông/ Trong tươi thắm nắng chiều”. Sự tác động của thị giác dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc không gian trong ký ức.
Một dịp tình cờ, nhạc sĩ nhận ra vùng Hồ Tây không chỉ có hoa mà còn có lúa. Bên kia (anh), làng lúa; bên này (em), làng hoa. Lúa và hoa đặt trong thế sóng đôi, hài hòa như hai vế của câu đối (hồn vía thức gọi mùa xuân truyền thống), như một cặp hát giao duyên. Vậy là cái tứ “Hồ Tây đôi bên/ Trong tình yêu hoa lúa rộn ràng” nảy nở. Tác giả hóa thân vào nhân vật trữ tình (em), lời ca bật mở như từ trong vô thức: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng”. Tiết tấu ca từ có âm điệu chủ đạo nhẹ nhàng, vừa phải như giọng điệu thủ thỉ tâm tình của đôi lứa bên nhau, được duy trì từ đầu đến cuối bài. Dòng chảy cảm xúc từ tâm thế ban đầu, với hình ảnh vấn vít: “Bên lúa anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê... Làng em làng hoa/ Hoa thơm ngát bốn mùa” lan tỏa đằm thắm đến tận cùng dịu ngọt, khi cảm nhận được điều kỳ diệu: “Em hát câu ca ấy/ Lúa mùa này thêm bông/Hạnh phúc trên đôi tay/ Nơi anh đã gieo mầm”. Như sự chuyển đổi tất yếu của dòng trạng thái cảm xúc trong một mùa xuân ước hẹn, hai miền không gian hoa - lúa ấy cùng hòa vào nhau tạo thành nhịp hát giao duyên. Diễn ngôn “Hoa lúa cuộc đời” là một cách viết lại đầy sáng tạo từ ý nghĩa câu tục ngữ: “Người ta là hoa đất”. Hoa và lúa hiện thân cho vẻ đẹp bất tử của con người, của tình yêu đôi lứa hòa điệu “tình ca đơm hoa từ lòng đất”.
Sâu lắng và thiết tha qua những cung điệu mượt mà và đầy lắng đọng, "Mùa xuân, làng lúa làng hoa" của Ngọc Khuê đã tạo được sức ngân rung mạnh trong lòng công chúng, xứng đáng là một giai phẩm bất hủ. Thành công ấy có sự tham góp từ ký ức về lúa và hoa, hòa duyên trong cảm xúc xuân nồng. Lúa và hoa là biểu tượng sóng đôi cho sự thịnh vượng vững bền, niềm hạnh phúc dài lâu. Đó cũng là ước vọng mà mỗi con người, mỗi cuộc đời luôn khát khao vươn tới.
TRỊNH TUẤN ANH