Sử dụng tối đa, hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đa dạng các lực lượng thông tin... để tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đó là một trong nhiều yêu cầu theo kế hoạch tuyên truyền về cuộc bầu cử do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành.
Cụ thể, công tác tuyên truyền về bầu cử được chia thành 3 đợt, tiến hành từ tháng 2, cao điểm là trong tháng 4 đến ngày bầu cử 23.5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử phải bảo đảm sâu rộng, thường xuyên, liên tục trong suốt thời gian chuẩn bị và trong ngày bầu cử để cử tri hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa cuộc bầu cử, nâng cao nhận thức, phát huy quyền làm chủ của công dân...
* Đối với trường hợp đơn vị bầu cử được bầu 1 hoặc 2 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử chỉ cần nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 1 người. Do đó, đối với đơn vị bầu cử được bầu 1 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử ít nhất là 2 người; đối với đơn vị được bầu 2 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử ít nhất là 3 người.
Đây là giải đáp mới nhất của Hội đồng Bầu cử quốc gia nhằm tháo gỡ vướng mắc của một số địa phương trong cả nước về số người trong danh sách ứng cử đối với các đơn vị bầu cử được bầu 1 hoặc 2 đại biểu HĐND. Trước đó, theo khoản 3 điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chỉ quy định: “Số người trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó”; đối với đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu hay 4 đại biểu trở lên thì luật đã quy định cụ thể số dư tối thiểu trong danh sách những người ứng cử.
LINH AN