Dùng nguồn nhiệt dư hoặc các phế phẩm tạo ra nguồn nhiệt phục vụ sản xuất vừa giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hệ thống tua bin để phát điện của Công ty CP Năng lượng Hòa Phát
Trực tiếp sử dụng nguồn nhiệt dư hoặc các phế phẩm tạo ra nguồn nhiệt phục vụ sản xuất không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần chung tay tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm.
Hiệu quả thiết thực
Khu liên hợp gang thép của Tập đoàn Hòa Phát ở phường Hiệp Sơn (Kinh Môn) có 2 doanh nghiệp là các Công ty CP: Thép Hòa Phát Hải Dương và Năng lượng Hoà Phát. Công ty CP Năng lượng Hoà Phát chuyên luyện cốc đã phát sinh ra lượng nhiệt rất lớn để cung cấp cho Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương.
Ngay khi xây dựng nhà máy, lãnh đạo tập đoàn đã tính đến việc sử dụng nhiệt dư vào phát điện, phục vụ hoạt động của khu liên hợp, nhất là nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất thép. Nhiệt trong quá trình luyện cốc sẽ được thu gom đưa về nồi hơi, khi áp suất đạt đến giới hạn nhất định sẽ dẫn ra tua bin chạy máy phát điện.
Việc tận dụng nguồn nhiệt dư được tập đoàn thực hiện từ năm 2009 với sản lượng điện sản xuất ra ban đầu đạt 15 MVA. Sau này, khi mở rộng sản xuất, công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền, máy móc để thu hết nguồn nhiệt dư. Đến nay, công suất phát điện của Công ty CP Năng lượng Hòa Phát đạt 85 MVA, cung cấp khoảng 55% nhu cầu sử dụng điện cho cả khu liên hợp.
Anh Đồng Xuân Văn, Trưởng Phòng Thiết bị điện (Công ty CP Thép Hoà Phát Hải Dương) cho biết: "Do cùng hệ thống nên chúng tôi mua điện của Công ty CP Năng lượng Hòa Phát với giá rẻ, giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Toàn bộ nhiệt lượng đều được thu gom hết, không phát tán ra bên ngoài, góp phần bảo vệ môi trường".
Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Kinh Môn) cũng đã tận dụng được nhiệt dư để sấy khô nguyên liệu. Trong sản xuất xi măng, lò nung clinker phát sinh ra lượng nhiệt lớn. Doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống thu gom nguồn nhiệt này để sấy nguyên liệu thô trước khi đưa vào nghiền thành bột liệu. Theo anh Nguyễn Xuân Kiên, cán bộ Phòng Kỹ thuật của công ty, trước đây khi chưa sử dụng nguồn nhiệt dư, doanh nghiệp phải dùng lò đốt phụ chạy bằng dầu để sấy khô nguyên liệu. Việc này không chỉ tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên.
Trong các lĩnh vực sản xuất hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các nguồn phụ phẩm tạo nhiệt để vận hành thiết bị, phục vụ sản xuất. Anh Phạm Văn Viên, phụ trách hệ thống điện của Công ty TNHH Shints BVT (TP Hải Dương) cho biết: "Hiện công ty ít sử dụng bàn là điện, chủ yếu dùng bàn là hơi. Đơn vị tận dụng vải vụn để đốt lò hơi nước. Nước bốc hơi nóng sẽ được thu vào các ống dẫn khí nối với các bàn là để là quần áo".
Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch áp dụng nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm nhiên liệu sản xuất
Nhân rộng mô hình
Những năm gần đây, nhu cầu dùng điện của người dân và các doanh nghiệp tăng trung bình 10%/năm. Để có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nước ta vẫn khai thác thủy điện, nhiệt điện là chính. Việc khai thác nguồn tài nguyên này đã và đang để lại những hệ quả xấu. Khu vực hạ lưu thiếu nước; đã có lúc các nhà máy nhiệt điện phải đứng trước nguy cơ tạm ngừng hoạt động vì thiếu than. Mặc dù điện năng lượng mặt trời đã từng bước phát triển nhưng để vận hành đồng bộ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đường truyền, kết nối khá tốn kém. Điện gió hiện nay lại cần chi phí rất lớn, còn điện hạt nhân đã tạm dừng.
Do tính chất hoạt động, các buồng nung clinker luôn có từ 1.100-1.500 độ C nên Công ty TNHH Xi măng Vicem Hoàng Thạch đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phát điện từ nguồn nhiệt này. Anh Nguyễn Xuân Kiên cho biết thêm: "Mặc dù đã tận dụng nhiệt dư để sấy nguyên liệu đầu vào nhưng lượng nhiệt thừa vẫn rất lớn nên doanh nghiệp đang triển khai dự án phát điện nhiệt dư công suất từ 7-8 MVA. Khi đi vào hoạt động, hệ thống sẽ cung cấp một phần điện cho sinh hoạt và sản xuất của công ty, giảm nhu cầu sử dụng điện từ nguồn điện lưới quốc gia".
Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu sản xuất điện ngày càng cạn kiệt và các loại hình sản xuất điện mới có những khó khăn nhất định thì dùng tiết kiệm tài nguyên và tìm ra các nguồn điện thay thế đóng vai trò quan trọng. Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như môi trường sống.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép có thể thu nhiệt dư để chuyển thành điện vì lượng nhiệt lớn và phù hợp với nhu cầu sử dụng. Những doanh nghiệp khác có thể tận dụng phế phẩm tạo ra nhiệt để sử dụng, giúp tiết kiệm điện.
Với những hiệu quả về mặt kinh tế cũng như góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sử dụng nhiệt dư và tận dụng phế phẩm trong sản xuất.
PV