Sử dụng không hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ

03/10/2013 14:57

Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau.




Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 mới đây, Chính phủ đã bàn việc sẽ đề xuất Quốc hội nâng trần bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP, thay vì 4,8% như năm 2013 để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Trước đó, hồi giữa năm nay cũng đã có một số đề nghị nới trần bội chi để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo lý giải của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển đang giảm xuống so với nhu cầu đầu tư rất lớn. Ngân sách eo hẹp đã khiến nhiều công trình xây dựng không đủ vốn để làm. Để đáp ứng nhu cầu vốn chi cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất muốn kêu gọi đầu tư tư nhân để giảm áp lực ngân sách, nhưng thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề khó. Do đó, muốn phát triển vẫn phải giữ mức đầu tư nhất định từ ngân sách nhà nước.

Làm rõ về mức bội chi ngân sách năm nay và năm sau, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết năm 2013, bội chi ngân sách cho phép ở mức 4,8% GDP. Ở mức này, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản 185.000 tỷ đồng, cộng với khoảng 45.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và một số khoản khác, tổng mức đầu tư là 230.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2014, Chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nếu tốt hơn khoảng 5,8-6%.

Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách. Do đó, Chính phủ dự tính cần chi tối thiểu 255.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Cân đối tổng số thu và chi, Chính phủ dự kiến đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ 5,3% bội chi này để đầu tư phát triển. Các khoản thu từ đất, khoáng sản, xổ số kiến thiết cũng dành toàn bộ cho đầu tư.

Nếu tính toán theo các con số trên, việc tăng bội chi là cần thiết để kích hoạt tăng trưởng. Nhưng tăng bội chi là vấn đề không đơn giản, bởi lâu nay bội chi ngân sách thường phải bù đắp bằng nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước. Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau.

Bởi vậy, nếu đề xuất tăng bội chi được Quốc hội chấp nhận, phần bội chi tăng thêm cần được chi đúng địa chỉ và phải có sự giám sát chặt chẽ. Hồi tháng 6, trao đổi với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch - người khởi xướng kiến nghị nới trần bội chi để kích thích tổng cầu - cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thu ngân sách chỉ đủ để chi thường xuyên, do vậy Quốc hội nên chấp nhận tăng bội chi với con số đủ để các địa phương trả nợ các dự án xây dựng cơ bản mà doanh nghiệp đang triển khai.

Con số này lên tới trên 90.000 tỷ đồng nếu xử lý được sẽ gỡ một phần dòng vốn, tạo sự lan tỏa sang các ngành khác. Như vậy không còn phương thuốc nào để kích tổng cầu tốt nhất ngoài biện pháp cho phép tăng bội chi. Dĩ nhiên, biện pháp khó khăn này phải kèm theo sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong việc sử dụng đồng tiền.

Một vấn đề khác cần được tính tới là lấy nguồn nào để tăng bội chi? Hiện nay thu ngân sách đang rất khó khăn nên chắc chắn nguồn tăng thêm sẽ vay từ việc phát hành trái phiếu chính phủ, hoặc vay từ nước ngoài. Với mức tăng thêm 0,5% GDP, số vốn cần để tăng bội chi tương đương 20.000 tỷ đồng. Để thực hiện được, Chính phủ sẽ phải đứng ra huy động nguồn vốn trái phiếu không nhỏ, khoảng 100.000 tỷ đồng.

Nhìn lại quá trình phát hành trái phiếu chính phủ năm 2013, có thể thấy đây là một nhiệm vụ không dễ dàng. Từ tháng 7 đến tháng 9-2013, trái phiếu chính phủ phát hành thành công đang ngày một giảm, tổng mức huy động những tháng đầu năm bình quân 17.000-18.000 tỷ đồng/tháng, nay giảm xuống chỉ còn 8.000-9.000 tỷ đồng/tháng.

Việt Nam đã từng tăng bội chi nhiều lần khi kinh tế gặp khủng hoảng: năm 2009 bội chi lên tới 6,9% GDP, năm 2010 là 6,2% GDP. Ở các nước đang phát triển và phát triển nếu gặp vấn đề về tổng cầu tăng chậm hoặc suy giảm sẽ sử dụng chính sách tài khóa, tăng chi ngân sách để thêm động lực kích cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đang còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh chủ trương tăng bội chi.

Từ năm 2012 đến nay tình hình thu ngân sách đã khó hơn so với các năm trước, đặc biệt năm 2013 có khả năng không hoàn thành dự toán và dự báo năm 2014 vẫn tiếp tục khó khăn. Nếu tăng mức bội chi hay đưa ra gói kích cầu chắc chắn khiến cân đối ngân sách căng thẳng.

Bên cạnh đó, khi tăng bội chi, các thành tích đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát có thể bị đe dọa. Do vậy, việc tăng bội chi ngân sách để tăng tổng cầu cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Thay vì tăng chi, nên tập trung giảm nhẹ gánh nặng thu ngân sách, gánh nặng thuế, phí. Biện pháp này sẽ tốt hơn so với việc nới rộng quy mô thâm hụt ngân sách, hay quy mô nợ công.

(Nguồn: Sài Gòn đầu tư)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng không hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ