Ứng viên sẽ phải tương tác với chatbot do OpenAI phát triển trong bài kiểm tra đầu vào.
Ảnh minh họa: Seo.Ai
Trong lúc các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng của các công cụ AI như ChatGPT đối với cách vận hành truyền thống, LayerX quyết định đi ngược xu hướng.
Trong một thông báo tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp, start-up công nghệ tài chính nêu rõ quy định kiểm tra các ứng viên về khả năng sử dụng ChatGPT và Notion AI.
LayerX là công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Tokyo (Nhật), tập trung vào xúc tiến giao dịch doanh nghiệp số hóa. Start-up này đã nhận được 5,5 tỉ yen trong vòng gọi vốn Series A gần đây.
Công ty tin rằng mình có lựa chọn đúng trong bối cảnh cách sử dụng công nghệ chatbot đang gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ngân hàng ở Phố Wall (Mỹ) đã hạn chế việc dùng chatbot. Thậm chí một số trường học ở Mỹ cấm sử dụng.
Các công ty lớn của Nhật cũng có động thái tương tự, như Tập đoàn SoftBank và các ngân hàng gồm Mizuno Financial Group và Mitsubishi UFJ Financial Group.
"Chúng tôi công nhận ChatGPT không hoàn hảo", trưởng phòng nhân sự của LayerX, ông Takaya Ishiguro, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng ông khẳng định, vì quá e sợ mà không tận dụng công nghệ mới còn nguy hiểm hơn.
Trong bài kiểm tra đầu vào, các ứng viên được yêu cầu đưa ra các lời nhắc đầu vào cho ChatGPT. Công ty sẽ đánh giá xem họ bắt đầu quá trình này tốt hay không.
Các ứng viên cũng sẽ nghiên cứu để xác định những chỗ hạn chế của công nghệ.
LayerX không kỳ vọng có được "ảnh hưởng tức thì" lên lợi nhuận khi sử dụng công nghệ AI. Hãng mong muốn tuyển được 20 nhân viên mới một năm để đạt được mức tăng năng suất nhanh chóng.
Nhân viên mới của LayerX cần biết đánh giá tính chính xác trong câu trả lời của ChatGPT. Chatbot của OpenAI vẫn rất tự tin đưa ra đáp án dù sai. Đây chính là lý do các doanh nghiệp chần chừ chưa muốn sử dụng.
Nhưng ông Ishiguro lại nêu ra quan điểm khác: "Quan trọng là phải nhảy vào các công nghệ mới thật nhanh chóng".
LayerX muốn nhân viên làm quen với công nghệ mới như ChatGPT. Họ đánh giá ứng viên nào chưa từng thử dùng chatbot là không bắt kịp xu hướng.
Theo Tuổi trẻ