Sau khi điều tra sự cố, FAA đã xác định "không có vấn đề an toàn phổ biến nào liên quan đến sự cố" và tên lửa Falcon 9 "có thể được phóng trở lại, trong khi cuộc điều tra chung vẫn đang được mở".
Ngày 26/7, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cho phép tên lửa Falcon 9 của Tập đoàn SpaceX được phóng trở lại sau khi bị đình chỉ do sự cố hiếm gặp trong vụ phóng cách đây 2 tuần.
Falcon 9, tên lửa được sử dụng nhiều nhất thế giới để đưa vệ tinh và phi hành gia vào quỹ đạo, đã gặp phải sự cố bất thường trong lần phóng ngày 11/7.
Tên lửa vỡ tan trên không trung và làm hỏng toàn bộ vệ tinh Starlink mà nó mang theo.
Đây là sự cố đầu tiên sau hơn 7 năm của một tên lửa được ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu tin dùng. Sau vụ việc, Falcon 9 đã bị đình chỉ hoạt động.
Sau khi điều tra sự cố, FAA đã xác định "không có vấn đề an toàn phổ biến nào liên quan đến sự cố này" và tên lửa Falcon 9 "có thể được phóng trở lại, trong khi cuộc điều tra chung vẫn đang được mở".
Về phần mình, Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk cho biết rò rỉ ôxy lỏng đã khiến một trong các bộ phận động cơ bị làm mát quá mức và làm hỏng phần cứng của động cơ. SpaceX cho biết đã sẵn sàng đưa tên lửa trở lại quỹ đạo sớm nhất vào ngày 27/7.
Lần gần đây nhất một tên lửa Falcon 9 gặp sự cố nghiêm trọng là vào tháng 9/2016, khi tên lửa phát nổ trên bệ phóng.
Trước đó, tháng 6/2015, tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 đã tan rã chỉ 2 phút sau khi cất cánh, dẫn đến mất mát thiết bị quan trọng chuẩn bị lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Falcon 9 là tên lửa duy nhất của Mỹ có khả năng đưa phi hành đoàn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lên ISS.
NASA dự kiến sẽ đưa nhóm phi hành gia tiếp theo trên trạm ISS vào tháng 8, bằng tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX sử dụng tên lửa này.
T.H (theo Vietnam+)