Sống với nhau cốt ở cái tình

23/01/2012 08:49

Tết nhớ đến nhau, có thể thăm hỏi nhau bằng nhiều hình thức khác nhau, cốt là tấm lòng trân trọng.

Tết ở vùng quê, việc đi đến nhà nhau và mong mọi người, đặc biệt là con cháu trong nội, ngoại đến với nhà mình chúc những lời may mắn, mừng những điều tốt đẹp nhân một năm mới, một tuổi mới... đã thành truyền thống, là một nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo làm nên nét riêng của Tết cổ truyền. Do đó, những ngày này mọi người từ nhỏ đến già, từ trai đến gái trong họ hàng, láng giếng đều cố gắng thu xếp để có đủ hoặc là đại diện đến chúc mừng nhau. Nhiều những xích mích nhỏ của đời sống thường ngày được tạm gác lại. Ai là họ hàng, láng giềng những ngày này không đến nhà nhau đều bị “để ý” và mang tiếng là không tình nghĩa.

Có lý, song trong những trường hợp cụ thể với những lý do ngoài có tang cũng cần được những người họ hàng thông cảm. Ví như trời mưa rét, khoảng cách  quá xa, phương tiện đi lại không thuận tiện, nhà lại có con nhỏ thì không nhất thiết phải “bồng bế” đến chúc mừng nhau. Thực tế hiện nay và nhiều năm trước, do cố “vẹn toàn” mà nhiều gia đình ở xa nhau nhưng có con trẻ, đi lại bằng xe máy trong điều kiện mưa, rét trông rất tội, khi về đã bị cảm cúm, ốm sốt nguy hiểm, phải đi viện… Cũng có những ông bà thông gia tuổi cao, sức yếu nhưng “vì tình thông gia” mà cố vượt đường dài, mưa rét đến với nhau nhưng sau đó về ốm mệt...

Tình cảm là đáng quý, cố đến được với nhau những đầu xuân là trân trọng, song cũng cần có những tư duy thông thoáng hơn trong việc cảm thông cho những con người và mối quan hệ cụ thể. Những gia đình có người già hay con quá nhỏ, không có phương tiện an toàn có thể ai đó đại diện, hoặc rồi dịp khác tiện hơn qua thăm nhau. Tết nhớ đến nhau, có thể thăm hỏi nhau bằng nhiều hình thức khác nhau, cốt là tấm lòng trân trọng.

BÙI VĂN MẠNH (Chí Linh)

(0) Bình luận
Sống với nhau cốt ở cái tình