Song Tử Tây - xã đảo anh hùng

28/04/2015 16:42

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sáng tạo, dũng cảm và bất ngờ, bộ đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây...


40 năm trước, ngày 14-4-1975, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sáng tạo, dũng cảm và bất ngờ, bộ đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn cho chiến dịch giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.




Hình ảnh thanh bình trên hòn đảo anh hùng

Mật lệnh của Đại tướng

Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mật lệnh chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Nhưng ít ai biết được rằng, trước đó 3 ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tiên liệu trước tình hình và gửi một mật lệnh quan trọng chỉ đạo “Chiến dịch Hồ Chí Minh trên biển”, giải phóng quần đảo Trường Sa.



Các cựu chiến binh tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây trong phút hội ngộ
tại TP Nha Trang ngày 30-3-2015. Ảnh: TTXVN


Tháng 3 - 1975, quân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường miền Nam, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương vẫn theo dõi sát sao tình hình Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Nhận thấy một số nước trong khu vực có ý đồ nhân lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa lao đao sẽ đổ bộ chiếm đảo, 17 giờ 30 ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mật lệnh số 990B/TK gửi thẳng cho lãnh đạo Quân khu 5 và Quân chủng Hải quân với nội dung: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Thực hiện mật lệnh của Đại tướng, ngày 11-4-1975, một phân đội của Đoàn 126 đặc công Hải quân được tăng cường lực lượng từ Tiểu đoàn Đặc công Quân khu 5 do trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 chỉ huy hành quân ra giải phóng Trường Sa. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, sáng 14-4, bộ đội ta đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, chỉ sau 45 phút nổ súng, bộ đội ta đã giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn cho chiến dịch giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.

Xã đảo anh hùng

40 năm đã trôi qua. Song Tử Tây thực sự đổi thay. Thực khó tả hết cảm xúc của chúng tôi khi lần đầu tiên được đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp này. Nhìn lên bản đồ, Song Tử Tây là hòn đảo tiền tiêu phía bắc của quần đảo Trường Sa, lung linh giữa trùng khơi sóng gió, kiêu hãnh giữ chủ quyền Tổ quốc.

Chúng tôi đến đảo Song Tử Tây vào một ngày nắng nhẹ. Mọi mệt mỏi dường như tan biến khi bước chân lên đảo. Trên hòn đảo anh hùng, từ mái nhà đến ngọn hải đăng, từ cổng chùa đến những hàng cây phong ba đều toát lên vẻ cứng rắn, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Tròn 40 năm kể từ ngày bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống nơi đây để biến Song Tử Tây thành hòn đảo xanh nhất, đẹp nhất trong quần đảo Trường Sa. Với những chiến công trong xây dựng và chiến đấu, năm 1999, xã đảo Song Tử Tây vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Ngô Duy Đỗ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 nguyên là đảo trưởng đảo Song Tử Tây nhiều năm liền tự hào cho biết: "Kể từ ngày được giải phóng, đảo liên tục được tôn tạo, xây dựng nhiều công trình quan trọng. Quân và dân trên đảo ngày đêm bám đảo, giữ đảo, bảo vệ từng tấc đất cha ông”.

Theo tài liệu giới thiệu về quần đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4, đảo Song Tử Tây có hình bầu dục theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 630m, rộng 270m, khi thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao từ 4-6m so với mặt nước biển. Diện tích tự nhiên của đảo khoảng 12 ha, là đảo lớn thứ sáu tại quần đảo Trường Sa, lớn thứ hai trong số các đảo do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa Lớn. So với các đảo khác tại Trường Sa, Song Tử Tây có lượng nước ngầm khá lớn, đào sâu dưới đất khoảng 2m đã có nước ngọt. Chính vì thế, trên đảo có thể nuôi nhiều gia súc, gia cầm hơn các đảo khác. Trên đảo có khá nhiều cây xanh. Nhắc đến Song Tử Tây là nhắc đến vương quốc của cây phong ba. Từ cây phong ba cổ thụ đầu tiên nay đã được công nhận là Cây di sản quốc gia, hàng nghìn cây phong ba đã được ươm trồng khắp đảo, tạo thành một thảm xanh.

Tháng 4 - 2009, sau nhiều năm xây dựng, cải tạo, âu tàu trên đảo Song Tử Tây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là dấu mốc đặc biệt của hòn đảo anh hùng. Âu tàu là nơi cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế và cứu hộ, cứu  nạn, sửa chữa tàu thuyền… Âu tàu Song Tử Tây cũng là nơi tránh, trú bão an toàn cho tàu ngư dân khai thác thủy sản xa bờ, trở thành điểm tựa vững chắc, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Những ngày ở lại Song Tử Tây, chúng tôi chứng kiến những cảnh sinh hoạt, đánh bắt cá, tăng gia sản xuất của người dân trên đảo. Song Tử Tây đã có trụ sở UBND xã khang trang. Ngôi trường 2 tầng trên đảo cũng vừa được khánh thành. Trạm y tế đầy đủ đội ngũ y, bác sĩ, thuốc men và máy móc hiện đại, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho quân và dân trên đảo. Ông Trần Vạn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết: “Có thể nói, tình quân dân trên đảo gắn kết keo sơn như trong một nhà. Những năm qua, dù sống và làm việc trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhưng quân và dân trên đảo luôn vững vàng trước đầu sóng ngọn gió. Xã đảo Song Tử Tây đã và đang là một trong những ngọn cờ đầu đầy tự hào của huyện đảo Trường Sa”.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Song Tử Tây - xã đảo anh hùng