Sống mòn với tử thần

02/02/2015 03:05

Mỗi ngày của bệnh nhân chạy thận nhân tạo là một ngày chạy đua với tử thần để giành giật sự sống. Họ không được phép chậm chạp hay dừng lại...



Bệnh nhân suy thận nếu không được lọc máu kịp thời sẽ chết




Sáng: Tôi tìm đến phòng trọ của anh Mạc Văn Quân (36 tuổi, quê ở An Lạc, Chí Linh), một bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương. Phòng trọ của anh Quân nằm trong một con ngách nhỏ ở ngõ 73, đường Nguyễn Chí Thanh, cách Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương chừng 300 mét. Căn phòng nằm sát đường, cửa đóng im lìm. Tôi khẽ gõ cửa, cánh cửa tôn mỏng phát ra tiếng kêu lùng bùng. Một lúc lâu sau, cửa mới hé mở. Ánh sáng cứ thế lùa vào căn phòng tối tăm giúp tôi nhìn rõ mọi thứ.

Anh Quân đứng trước mặt tôi, nước da xám ngoét, đôi môi tái nhợt, thân hình lọt thỏm trong bộ quần áo cũ kỹ. Căn phòng của anh chưa đầy 10m2, ngột ngạt, chỉ có chiếc giường, một chiếc bàn kê sát cửa và vài bộ quần áo treo trên dây. Trên gác xép, bộ đồ đánh giày được xếp lại gọn gàng.

Anh Quân nói, giọng pha lẫn tiếng thở: “Trước đây, ngày nào mình cũng đi đánh giày. Nhưng từ hôm bị áp-xe thận, phải mổ cắt đi một bên, người còn mệt nên tạm thời phải nghỉ ở nhà”.

12 giờ trưa: Anh Quân lấy chiếc ga trắng, hộp đựng kim, bông băng cho vào một chiếc túi nhỏ để chuẩn bị cho ngày chữa bệnh mới. Tôi cũng theo anh đến bệnh viện để được tận mắt chứng kiến một phần cuộc đời của những bệnh nhân suy thận. Dưới cái nắng hanh hao của mùa đông, anh Quân bước đi thật chậm để nén lại những mệt mỏi, đau đớn. Vóc dáng nhỏ bé của anh bị nuốt chửng giữa đám đông xô bồ. Chầm chậm leo lên cầu thang tầng hai của bệnh viện, anh đi về phía sau chiếc cửa xếp, phía trên ghi rõ "Đơn vị chạy thận nhân tạo".



Bệnh nhân chạy thận thường có nước da xám ngoét, đôi môi thâm sì và thân hình khô đét


Dọc hành lang khoa chạy thận nhân tạo la liệt những chiếc can màu trắng (đựng dung dịch thẩm phân máu) và rất nhiều thùng các-tông. Phòng chạy thận nhân tạo có hai gian, rộng trên 30 m2, có tất cả 16 chiếc giường, cạnh mỗi giường là một chiếc máy cao ngang đầu người. Đây chính là những quả thận nhân tạo, hồi sinh cuộc sống cho các bệnh nhân suy thận. Cả căn phòng mang một màu trắng toát, từ bức tường, gạch hoa cho đến những chiếc ga giường. Nổi bật trên nền trắng ấy là những con người giống nhau đến kỳ lạ. Bị bệnh tật "rút" đi nhựa sống, tất cả đều mang nước da xám ngoét, đôi môi thâm sì và một thân hình khô đét. Những người trong phòng nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên: "Bao nhiêu năm nay, thằng Quân toàn đi một mình, hôm nay lại có người nhà đi cùng!?"

Gần 2 giờ chiều, sau khi chờ bệnh nhân ca 2 "kết", anh Quân bắt đầu quá trình lọc máu của mình. Cánh tay trái gầy guộc, đầy u cục to bằng ngón tay cái được bác sĩ cắm vào 2 chiếc kim chạy lọc máu to hơn chiếc tăm quế nhọn. Sau khi khởi động máy, cả hai dây truyền chứa đầy máu đỏ thẫm. Một bên là máu rút ra khỏi cơ thể để lọc, một bên là "máu sạch" trả về. 12 năm nay, những công việc và hình ảnh này đã trở thành một nửa cuộc đời Quân. Anh bị bệnh khi mới 24 tuổi, khi đang là sinh viên cao đẳng ở Sao Đỏ (Chí Linh). Anh ngậm ngùi: "Mình phát bệnh khi chỉ còn 1 tháng nữa là tốt nghiệp. Bạn bè khỏe mạnh, ra trường, đi làm, lập gia đình, còn mình thì suốt ngày gắn với bệnh viện...".

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương có khoảng 110 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 2 đợt; các ngày thứ 2-4-6 và 3-5-7. Vào ngày chẵn, bệnh nhân chia làm 4 ca, ngày lẻ chia 3 ca. Các ca chạy thận bắt đầu vào hơn 5 giờ sáng. Vào dịp lễ, Tết, Khoa thận nhân tạo của bệnh viện vẫn hoạt động để phục vụ bệnh nhân.
Thời gian đầu, sốc, buồn bã, chán nản, anh Quân tránh mặt tất cả mọi người, tự thu mình lại để bệnh tật giày vò cả thể xác và tinh thần. Anh cũng từng có một mối tình đẹp thời sinh viên. Khi anh mắc bệnh, chị tình nguyện ở bên cạnh chăm sóc anh. Nhưng không nỡ làm khổ người mình yêu, anh chủ động chia tay để chị đi tìm hạnh phúc mới. Lâu dần, khi đã quen với nỗi đau, anh tự lấy lại cân bằng để tiếp tục chung sống với căn bệnh quái ác. Từ năm 2007 đến nay, ngoài thời gian chạy thận, mỗi buổi sáng, anh lại mang đồ nghề đánh giày đến các quán cà phê cách bệnh viện không xa để mưu sinh. "Do sức yếu, mình không thể đi rong mà chỉ ngồi ngay tại các quán. Lúc đầu, chủ quán đuổi, không cho quanh quẩn ở quán, khách hàng sợ không dám cho đánh giày vì tưởng mình là dân nghiện hút. Có hôm đi được nửa buổi thì kiệt sức, không thể làm tiếp được. Mình chỉ mong sức khỏe ổn định để đi làm, đỡ đi phần nào gánh nặng cho gia đình. Công việc còn khiến cho mỗi ngày của mình trôi qua nhanh và nhẹ nhàng hơn", anh kể, đôi mắt đen nhìn ra ngoài ô cửa sổ.

Cách chỗ anh Quân không xa, chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, ở Thanh Miện) cũng đến viện chạy thận một mình. Chị đang dạy mỹ thuật ở một trường cấp 2. Chị Mai bị bệnh đã 3 năm và mới chạy thận nhân tạo được 1 năm. Đôi tay thon thả, trắng hồng của một giáo viên mỹ thuật giờ đây đã gầy trơ xương. Chị đã lập gia đình và có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất gần 3 tuổi. Thấy chị nằm trơ trọi, tôi buột miệng hỏi: "Chồng chị đâu, sao không đi cùng vợ?". Hình như có nỗi niềm chua xót dâng đầy lên đôi mắt chị khiến tôi bối rối. Giọng chị vẫn nhẹ tênh: "Chồng! Chồng à?... Chồng còn bận nhiều việc lắm! Cứ tự đặt mình vào hoàn cảnh của người ta mình sẽ hiểu. Mới đầu còn sốt sắng, nhưng mãi rồi cũng nhạt!...". Chị kể tiếp: "Mình phát hiện bị suy thận độ 2 khi đang mang thai đứa thứ ba. Ròng rã nằm viện đến khi thai được 7 tháng rưỡi thì phải sinh mổ. Con bé ra đời chỉ bằng con mèo, đầu bằng nắm tay, chân to đúng bằng ngón tay cái, nhìn con mà xót xa...".

Suốt 3 năm qua, các con chính là động lực giúp chị Mai đấu tranh với bệnh tật để tiếp tục dạy học và chăm sóc gia đình. Đưa tôi xem những bức ảnh chụp đứa con gái nhỏ trên điện thoại, gương mặt chị rạng rỡ hẳn lên như thoát ra khỏi sự u ám của bệnh tật. Chị nói: "Con bé có đôi mắt to và mái tóc rất đen. Bây giờ con mập hơn cả trẻ con hàng xóm rồi đấy!"

"Bi...i...i...p... Bi...i...i...p...". Tiếng kêu chói tai liên tục phát ra từ máy chạy thận của anh Quân cắt ngang câu chuyện của tôi và chị Mai. Người phụ nữ đã luống tuổi chăm chồng ở giường bên cạnh lật bật đứng dậy ấn nút trên máy một cách thành thạo. Tám năm nay, không quản ngại bão bùng, mưa gió, rét mướt, một tháng 12 ngày, bà đưa chồng đến bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống. Hiểu biết chẳng khác nào một y tá, bà bảo: "Máy của Quân bị trộn đấy. Mỗi khi máy bị như vậy, việc lọc máu bị tạm ngừng. Khi máy bị lỗi thế này, phải ấn nút... Ở đây, không cần phải bảo, mọi người cứ tự giúp nhau".

3 giờ chiều: Ông Lê Văn Vui, bệnh nhân đã chạy thận 15 năm nay dậy pha trò khiến cả căn phòng nhộn nhịp hẳn lên. Một người bảo: "Có khi nào bệnh của chúng mình khỏi được không nhỉ?". Nằm trên giường bệnh, ông Vui cười vang: "Có chứ! Đến khi nào làm quan sẽ khỏi!". "Là thế nào cơ?", có người hỏi lại. "Đến khi được mặc áo quan thì bệnh gì chả tiêu tán hết!", ông Vui thản nhiên giải thích. Cả phòng cười vang. Sống bên cái chết nhưng dường như chết chóc đối với họ đã không còn là câu chuyện đau lòng. Có lẽ vì tử thần luôn hằng ngày trên đường đua với họ. Chỉ cần họ dừng lại hoặc chậm chạp thì tử thần rượt đuổi kịp sẽ cướp họ đi...



 Sau những buổi chạy thận, anh Quân vẫn phải đi đánh giày để mưu sinh và có tiền chữa bệnh


5 giờ tối: Bệnh nhân trong phòng rục rịch chuẩn bị đồ đạc ra về. Người đàn ông mái tóc hoa râm ở cuối phòng vui vẻ khoác ba lô lên vai, chào những người còn lại. Bước chân của ông như đã mạnh mẽ hơn. Ra đến cửa, ông vui vẻ cười: "Vậy là lại sống thêm được một ngày!". Bệnh nhân trong phòng lần lượt ra về. Họ mang lỉnh kỉnh đồ đạc như chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Mà có lẽ, mỗi ngày của họ cũng là một cuộc hành trình: Hành trình đi tìm sự sống.

Trời tối mịt, ca lọc máu của anh Quân mới kết thúc. Sau khi rút kim, bác sĩ băng bó cho anh thật cẩn thận bằng những cục bông rất to. Cả bệnh viện vắng tanh, chúng tôi đi dọc theo hành lang tối để trở về nhà. Bóng anh Quân hắt xuống đất nhìn thật nhỏ bé, gầy guộc và cô độc. Nhưng chiếc bóng ấy vẫn chầm chậm mà mạnh mẽ bước về phía trước.

Ở Bệnh viện Đa khoa thành phố, lúc nào cũng có bệnh nhân như thế. Họ mãnh mẽ vượt qua khó khăn với khát vọng sống để yêu thương, để được làm việc, được thấy mình là người có ích...

KHÁNH CHI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống mòn với tử thần