Quốc lộ - tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố Đông Bắc (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) được đưa vào khai thác từ năm 1998, trải qua gần 23 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, vượt quá tải công suất thiết kế từ nhiều năm qua.
Thực tế, QL5 thiết kế đáp ứng lưu lượng xe khoảng 22.000 phương tiện/ngày đêm, nhưng đã và đang phải gánh tải gấp 3 lần.
Qua tìm hiểu, kể từ khi đưa vào khai thác năm 1998, QL5 chưa từng một lần được sửa chữa trung, đại tu, nên tình trạng ùn tắc giao thông, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xuyên diễn ra, gây bức xúc dư luận xã hội, khiến không ít lái xe "e ngại" khi tham gia giao thông trên tuyến.
Đặc biệt, do hàng ngày, QL5 phải gồng gánh hàng nghìn chiếc xe container, xe siêu trường siêu trọng, xe quá tải các loại… quần thảo, đã tạo thành những gờ “sống trâu” hằn lún vệt bánh xe sâu tới cả gang tay, khiến việc bảo trì chạy theo không kịp. Tình trạng xô lệch mặt đường, ổ voi, ổ gà... diễn ra trong thời gian dài, không được sửa chữa kịp thời, đã khiến tuyến đường thường trực nguy cơ mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng cho phương tiện.
Khắc phục tình trạng trên, Tổng công ty Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - doanh nghiệp chủ đầu tư xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quản lý QL5) đã được Chính phủ, Bộ GTVT giao triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp QL5, trong đó tập trung vào những đoạn xung yếu, đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn tuyến từ Km46 - Km65 và một số nút giao qua tỉnh Hải Dương. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 840 tỷ đồng, với kỳ vọng làm “sống lại” tuyến giao thông huyết mạch này.
Được triển khai từ tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, song, dịch COVID-19 kéo dài, "bão giá" nhiên, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công những tháng đầu năm 2022 và điều kiện thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa lớn kéo dài nhiều tháng, cộng với quá trình thực hiện vừa thi công, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cấp, cải tạo QL5 chia sẻ, trong quá trình thi công, yếu tố được các nhà thầu chú trọng nhất là vừa tổ chức thi công, vừa đảm bảo giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến việc lưu thông các phương tiện. Vì vậy, việc triển khai công trường tập trung chủ yếu thi công vào ban đêm, giờ thấp điểm, cuối tuần, hạn chế giờ cao điểm từ 6 - 8 giờ sáng, 17 - 19 giờ 30 phút hàng ngày, thời điểm lưu lượng xe container, xe tải trọng lớn gia tăng đột biến, nhất là các khu vực giao cắt với các khu công nghiệp.
Mặt khác, tại các khu vực các đoạn tuyến đã được cào bóc, nâng nền vỉa hàng rào hộ lan, giải phân cách cứng được chỉnh trang... luôn có biển báo, tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm, bố trị nhân sự điều tiết giao thông theo phương án cụ thể; đồng thời, chỉ chấp thuận cho từng đoạn thi công đối với mỗi nhà thầu vào từng thời điểm hợp lý, để tránh ùn tắc, như: Giới hạn chiều dài thi công dưới 300 m/lần, thi công lệch làn giữa các đoạn với các nhà thầu khác nhau...
Đến thời điểm này, dự án đã đạt tiến độ tổng thể khoảng 60%. Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án nâng cấp, cải tạo QL5 ngoài việc lựa chọn các nhà thầu thi công có kinh nghiệm chuyên ngành thi công sửa chữa, bảo trì các QL, thường xuyên lập biện pháp tổ chức thi công chi tiết trình Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận trước khi triển khai trên công trường. Vì vậy, đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục thảm, bóc vỉa 11/19 km mặt đường và sẽ hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng vào tháng 12/2022.
Ông Nguyễn Hoàng Việt cho biết thêm, việc hoàn chỉnh thi công tại các nút giao, các cầu lớn trên tuyến dự án hiện nay như: Phú Lương, Lai Vu, Đồng Niên... là những điều kiện thuận lợi để đầu năm 2023 đơn vị sẽ tiếp tục triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo QL5 đoạn từ Km65 - Km76, hoàn thành dự án vào cuối năm 2023 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Theo báo Tin tức