Sống giữa vùng giãn cách

18/08/2021 05:09

Cô Nhung sang nhà cô Nguyệt xin cây rau cải về trồng. Biết cháu Mai nhà cô Nguyệt vẫn ở trên Hà Nội chưa có ý định về quê, cô Nhung ngạc nhiên hỏi:

- Cháu nhà chị vẫn chưa có ý định về sao? Cháu nhà em đang tìm chỗ xét nghiệm, mai mốt sẽ về. Ở đó em lo lắm.

Cô Nguyệt thở dài:

- Lúc đầu tôi cũng lo lắm cô ạ. Nó thuê phòng trọ cùng bạn. Chỉ sợ dịch cứ lan ra, con ở trên đó lâu ngày rồi không có cái gì ăn thì khổ. Vợ chồng tôi bàn nhau hay bảo cháu về nhà cho yên tâm. Nhưng tính đi tính lại thì thấy cũng nhiều bất cập. Bây giờ muốn về được thì phải đi làm xét nghiệm PCR, ra chỗ ấy cũng rất đông người, nguy hiểm. Chỉ cần một người bị là mình lên F1. Rồi xe khách về quê đã ngừng hoạt động. Xe máy thì mắt cháu cận, chưa đi đường xa bao giờ. Lại còn theo quy định của tỉnh, huyện, như cháu từ Hà Nội về phải đi cách ly tập trung 14 ngày đấy. Thế nên chúng tôi động viên cháu ở lại trên đó. Thức ăn mang đi vẫn còn, chúng tự ra siêu thị mua thêm một số đồ có thể ăn hàng tuần không phải đi chợ.

- Nhà em cũng lo như thế, nhưng con ở trên đó lâu quá mà dịch trên ấy mãi chưa hết, em không yên tâm.

- Tỉnh đã thắt chặt kiểm soát ra vào, rồi huyện mình còn kêu gọi các gia đình có con em ở trên Hà Nội động viên các cháu ở yên trên đó, không nên về. Ngày trước có khẩu hiệu yêu nước là ai ở đâu ở yên đó còn gì. Đài loa phát luôn, chắc cô không nghe thấy.

Cô Nhung lắc đầu:

- Nhưng thấy dân tình từ TP Hồ Chí Minh đi xe máy, xe đạp, đi bộ về quê, để con ở lại lo lắm.

- Họ là những lao động nghèo, tình hình dịch cũng nghiêm trọng hơn Hà Nội. Còn con em mình có thiếu gì thì bố mẹ bắn tài khoản lên cho, con vẫn đi chợ, đi siêu thị được. Với lại ngày xưa tỉnh mình bị dịch, xã mình là tâm dịch, chị em vẫn ra đồng gieo cấy đấy thôi. Dần dần phải quen, học cách sống giữa vùng giãn cách. Chứ cứ có dịch ở đâu là chạy trốn dịch cũng không được. Rồi nhỡ chẳng may làm lây lan dịch thì nguy cả tỉnh, cả huyện.

- Chị nói em thấy cũng có lý. Con nhà em vừa xin vào làm công ty này cũng ổn định lắm, họ còn hỗ trợ thêm cho mỗi lao động 5 cân gạo đấy. Thôi em cũng bảo cháu ở lại. Chứ cứ đi xét nghiệm chỗ đông người cũng lo, rồi về cách ly 14 ngày cũng mệt lắm. 

- Cô cứ gọi hỏi ý kiến cháu trước, rồi quyết định.

ANH DIỆU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống giữa vùng giãn cách