Sống cùng... vật nuôi

06/11/2022 15:37

Môi trường lao động khép kín, ít được gặp gỡ, tiếp xúc với người lạ… là những yêu cầu đặc biệt với các lao động khi làm việc trong những trang trại chăn nuôi.


Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, hầu hết các trang trại chăn nuôi đều ở xa khu dân cư

Thế giới khác biệt

Một ngày cuối thu, men theo con đường dẫn ra cánh đồng, chúng tôi tìm đến khu trang trại chăn nuôi tập trung của ông Bùi Huy Hạnh ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ). Con đường trắng xóa vôi là dấu hiệu không thể thiếu ở các trang trại chăn nuôi lợn. Những cơn gió bấc thổi ào qua cuốn theo vô số bụi vôi, táp vào mặt, quấn vào người tôi. Tiếp chúng tôi ở cửa trang trại là người đàn ông có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Những người ở đây gọi ông với cái tên thân thuộc là “thầy Hanh”, làm công việc quản lý ở trại chăn nuôi này.

Theo lời ông Hanh, lâu lắm rồi trang trại mới tiếp đón một người lạ là tôi. Ông hướng dẫn tôi đi qua khu khử khuẩn để vào trong trang trại. Có lẽ dịch bệnh đã bớt căng thẳng nên tôi được đặc biệt ưu ái khi chỉ phải đi qua khu khử khuẩn ở cổng mà không phải "tắm sát trùng" và cách ly theo quy định của trang trại. Biết rõ những quy định về an toàn phòng dịch nên tôi chỉ xin được trao đổi, làm việc bên ngoài khu vực sản xuất.

Khu trang trại rộng 3 ha này là trại nuôi gia công hơn 1.000 con lợn nái của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Đây cũng là “ngôi nhà” của 30 lao động, trong đó có hơn một nửa là người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao của tỉnh Hà Giang. “Ưu điểm của việc thuê lao động ở tỉnh khác là họ ít về nhà, việc chăn nuôi bảo đảm an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều người khi xuống làm ở trang trại nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn”.

Nói xong, thầy Hanh dẫn tôi đi gặp chị Giàng Thị Đơ (30 tuổi) và Giàng Thị Dính (40 tuổi), người dân tộc Mông. Cả hai là chị em ruột, cùng nhau “khăn gói” xuống làm việc ở trang trại này được gần 1 năm. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng thứ tiếng Kinh bập bõm, phải cố gắng tôi mới nghe và hiểu được. “Nhà mình nghèo lắm, ở tận trên núi, còn chưa có điện để dùng. Mình có 2 con. Cái lớn học lớp 9, cái nhỏ học lớp 6. Cố làm mấy năm để kiếm tiền cho con đi học”, chị Giàng Thị Đơ chia sẻ.

Từ khi xuống dưới xuôi làm việc, hai chị Đơ và Dính chỉ quanh quẩn ở trong trang trại. Dù không được tiếp xúc với bên ngoài nhưng cuộc sống ở đây là điều mà cả 2 chỉ biết mơ ước khi ở quê nhà. Ngoài việc bị hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, công việc trong các trang trại chăn nuôi không nhiều và vất vả như trước. Như nhiều lao động khác trong trang trại, công việc của các chị thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau khi quét dọn vệ sinh chuồng trại, các chị sẽ chăm sóc đàn lợn con và lợn nái, cho lợn ăn… Tất cả đều được làm theo hướng dẫn của người phụ trách kỹ thuật trong trang trại. Do hạn chế về ngôn ngữ nên nhiều khi kỹ thuật viên phải dùng tới cả ngôn ngữ hình thể để hướng dẫn công nhân làm việc. Người lao động được chia ra từng khu vực để chăm sóc đàn vật nuôi. Sau khi vào khu sản xuất, công nhân phải ở trong đó làm việc tới hết ca. Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, nghỉ… đều trong khu sản xuất. “Thời gian đầu chưa quen việc nên thấy khó khăn. Nhưng giờ quen mình thấy bình thường. Công việc nhẹ nhàng, điều kiện sống tốt hơn ở quê rất nhiều”, chị Giàng Thị Dính nói.

Khác với các trang trại chăn nuôi lợn, các trang trại chăn nuôi đại gia súc không có nhiều yêu cầu khắt khe về quy trình an toàn sinh học nhưng cũng khó tránh khỏi sự gò bó, bí bách. Vợ chồng anh Vi Văn Thạnh (24 tuổi) và Đặng Thị Hương (22 tuổi, dân tộc Dao ở huyện Lục Yên, Yên Bái) vào làm công nhân trong trang trại chăn nuôi bò của Công ty CP Long Phát QLC ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) được 4 tháng nay. Kết hôn từ năm 2018, vợ chồng anh Thạnh đã có với nhau 2 con, 5 tuổi và 3 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên chị Hương gửi các con cho ông bà nội chăm sóc để đi làm ăn xa. 

Buổi sáng, công việc của vợ chồng chị Hương bắt đầu bằng việc dọn dẹp chuồng bò, sau đó cắt cỏ hoặc chở cỏ khô ở trong kho cho đàn bò ăn. Công việc của cả 2 thường kết thúc lúc 10 giờ. Buổi chiều, công việc này lại được lặp lại. Buổi tối là quãng thời gian vui vẻ nhất khi được gọi điện về cho gia đình và nói chuyện với các con. Tháng trước, chị Hương mới xin nghỉ phép 1 tuần để về thăm gia đình. Chị không dám xin nghỉ lâu hơn vì lo không có người chia sẻ công việc chăn nuôi với chồng. Việc không vất vả nhưng lặp đi lặp lại theo một vòng tuần hoàn nên không tránh khỏi sự nhàm chán. Làm việc nhiều, cả 2 cũng quen dần với đàn vật nuôi, chỉ cần 1 con có dấu hiệu lạ vợ chồng chị Hương sẽ báo cho cán bộ thú y phụ trách trang trại. “Thời gian đầu chưa quen việc nhưng may có chồng động viên nên em cũng bớt nhớ nhà, nhớ các con. Em cố gắng làm vài năm nữa để lo trả hết nợ. Lúc đó sẽ về làm ở gần nhà để chăm sóc các con”, chị Hương nói về dự định tương lai.

Khác biệt với lao động ở các ngành nghề khác, lao động ở các trang trại chăn nuôi dành toàn bộ thời gian và công sức để chăm sóc đàn vật nuôi. Họ bị bó hẹp trong những không gian nhất định, mọi hoạt động ở đó đều mang tính tự cung, tự cấp.


Sống cách ly với môi trường bên ngoài, người lao động dồn tâm sức để chăm sóc đàn vật nuôi

Chính sách đãi ngộ

Nhờ ứng dụng thiết bị chuồng trại và công nghệ chăn nuôi tiên tiến mà điều kiện làm việc của cán bộ, nhân viên, người lao động trong hầu hết các trang trại chăn nuôi đã nhẹ nhàng hơn so với trước đây. Công việc ít nặng nhọc và không phải dầm mưa dãi nắng như làm việc trong ngành trồng trọt. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chăn nuôi là trang trại phải đặt ở vùng xa dân cư và yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn sinh học nên gần như khi đã vào trại chăn nuôi làm việc phải chấp nhận cảnh cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài.

Thay vì được nghỉ cuối tuần như những ngành nghề khác, hằng tháng nhân viên ở các trang trại được dồn 4 ngày nghỉ liên tục. Trong điều kiện bình thường, người lao động được nghỉ 1 tháng 1 lần, những lao động ở xa được nghỉ 3 tháng 1 lần. Ở các trang trại lớn có thể dễ dàng bố trí người thay thế nhưng ở các trang trại chăn nuôi nhỏ thì khó hơn. Bởi nếu cả trại chỉ có 1 hoặc 2 nhân viên thì không ai bù cho ai được. Khi vào trang trại làm việc, người lao động buộc phải tuân thủ theo quy tắc an toàn sinh học và cần cách ly ít nhất 2 ngày. Cũng vì vậy mà ngành trang trại chăn nuôi khó tìm được lao động phù hợp để gắn bó lâu dài.

Anh Nguyễn Văn Lượng, cán bộ kỹ thuật “đóng chân” trong trang trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thừa nhận: “Quanh năm chỉ tiếp xúc với vật nuôi cộng thêm điều kiện ra vào trại nghiêm ngặt nên tâm lý dễ ức chế. Có thời điểm, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các trang trại thực hiện chính sách nội bất xuất, ngoại bất nhập khiến cho nhiều lao động trở nên căng thẳng, lo âu. Nhất là những người mới lập gia đình thì việc làm công tác tâm lý cho vợ hoặc chồng rất quan trọng bởi có ở gần cũng không thể gặp nhau thường xuyên do đặc thù công việc”. 

Ông Bùi Huy Hạnh, Chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tái Sơn chia sẻ: “Ngoài lương, cán bộ, công nhân viên, người lao động còn được thưởng vào các ngày lễ, Tết, thưởng theo xếp loại lao động; được tổ chức liên hoan, sinh nhật… Sau khi hoàn thành công việc, người lao động được tham gia sinh hoạt thể dục, thể thao, văn nghệ… để phần nào giải tỏa căng thẳng. Cả khu trang trại như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các hoạt động bình thường. Ngoài việc chăm lo cho đàn vật nuôi, người lao động không cần lo bất kỳ công việc gì khác. Đây đều là những chính sách đãi ngộ dành riêng cho người lao động trong các trang trại”.

Phần đông những người làm việc ở các trang trại đã quá độ tuổi lao động ở các ngành nghề khác hoặc những lao động có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao xuống dưới xuôi tìm việc. Tìm lao động phổ thông đã khó thì với những lao động chất lượng cao trong ngành này lại càng khó khăn hơn. Do vậy, để giữ chân lao động, chủ các cơ sở chăn nuôi cần nắm bắt được tâm lý của người lao động làm việc trong môi trường khép kín, có nhiều chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Sống cùng... vật nuôi