Tính đến ngày 11-1, miền Bắc đã hứng chịu đợt rét đậm, rét hại liên tiếp trong 10 ngày. Rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Cuộc sống bị đảo lộn
Khác với sự sôi động thường ngày, 8 giờ sáng ngày 11- 1, trên nhiều tuyến phố chính của TP Hải Dương như Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa im lìm. Đây chính là cách tránh rét tạm thời của nhiều cửa hàng kinh doanh trong những ngày nhiệt độ xuống quá thấp. Chia sẻ về công việc trong mấy ngày rét buốt vừa qua, anh Mạnh Cường, chủ một cơ sở chuyên sửa chữa xe máy trên phố Trần Hưng Đạo cho biết: Do nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp, nên gần một tuần qua buổi sáng anh đều phải đóng cửa hàng để tránh rét. Nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ tại các chợ như Phú Yên, Kho Đỏ, Thanh Bình… cũng phải nghỉ bán hàng vì trời quá rét. Chị Minh, chủ cửa hàng trong chợ Phú Yên cho biết: Bình thường 7 giờ sáng là cả dãy chợ đã xôn xao, người bán kẻ mua, nhưng mấy ngày qua nhiệt độ xuống thấp quá, cả dãy có hơn chục cửa hàng thì đã có 4 cửa hàng nghỉ bán buổi sáng vì rét.
|
|
Trên 80% số bệnh nhân điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh mắc các bệnh về phổi và hen phế quản. Ảnh:TC |
Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Đợi, Phó Khoa hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong những ngày rét đậm, sức đề kháng của người cao tuổi giảm nên dễ mắc các bệnh về phổi và hen phế quản. Bệnh viện đang điều trị cho 50 bệnh nhân, trong đó có trên 80% mắc các bệnh trên nằm điều trị tại khoa. Trong những ngày cao điểm, khoa tiếp nhận 12 bệnh nhân vào điều trị. Trong những ngày qua, số lượng bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi tỉnh cũng tăng cao, đồng nghĩa với việc số lượng người nhà chăm sóc cũng tăng lên. Một em bé nằm viện thường có tới 2-3 người lớn theo nuôi. Nhưng do giường trong phòng bệnh chỉ dành cho bệnh nhi và những người sản phụ mới sinh, sức khỏe còn yếu, nên hầu hết mọi người đều phải ra hành lang ngủ. Để chống chọi với cái lạnh cắt da, cắt thịt, những người nhà bệnh nhân phải nai nịt kỹ càng, trang bị đủ mũ, khẩu trang, găng tay... Bà Viền ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) hiện đang chăm cháu ốm cùng cô con gái cho biết: Tối qua không có chỗ nằm, 3 mẹ con phải ngủ ngoài hành lang. Gió lạnh chỉ còn cách khắc phục bằng cách mặc nhiều áo ấm, nửa chăn làm đệm, nửa chăn để đắp, trùm kín qua đầu cũng chợp mắt được một lát. Nhưng tới sáng sớm, gió thổi to, rất lạnh, nên không thể ngủ tiếp được.
Rét chưa ảnh hưởng tới đào Tết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônngày 11-1 cho biết, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại nhưng chưa ảnh hưởng tớicây đào Tết. Thời tiết lạnh trong thờiđiểm này còn giúp đào không nở hoa quá sớm. Trong trường hợp thời tiết rét đậm,rét hại kéo dài tới gần Tết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cáchuyện, thành phố có diện tích trồng đào cần hướng dẫn nông dân tưới nước thườngxuyên cho cây, thắp bóng điện ban đêm để giữ ấm hoặc phun phân bón lá Đầu trâu901, 902 để kích thích cho đào nở hoa đúng dịp Tết.
P.V |
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà sinh hoạt thường ngày của người dân và chi phí cho việc chống rét cho gia đình như: quần áo, giày dép, quạt sưởi, túi sưởi... cũng tăng cao do rét đậm, rét hại. Mặc dù ngày 7-1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có công văn hướng dẫn việc cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống quá thấp song nhiều trường vẫn tỏ ra lúng túng trong việc cho học sinh nghỉ học. Thay vì căn dặn học sinh từ tiết chào cờ đầu tuần để các em và gia đình chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, quyết định nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, nhưng đến sáng qua, khi nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội, Hải Phòng là 9 độ C theo Bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 6 giờ 30 phút sáng, nhiều trường mới đặt thông báo nghỉ học trước cổng trường, hoặc cử giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại cho học sinh thông báo nghỉ học. Tại các huyện Nam Sách, Thanh Hà, học sinh tiểu học đến buổi chiều 11-1 mới được nghỉ. Con em nghỉ học đột xuất, nhiều gia đình không kịp đi đón, không kịp bố trí người trông, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) có con học mẫu giáo 3 tuổi cho biết: Sáng nay, đưa con đi học mới được các cô thông báo, nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 100C thì cho các cháu ở nhà. Nhưng vì trót đưa con đến, lại không kịp bố trí người ở nhà trông cháu nên tôi đành nhờ các cô cố gắng nhận cháu. Nếu ngày mai, trời vẫn tiếp tục rét như hôm nay, chắc tôi phải cho con đến cơ quan vì không còn cách nào khác. Nhiệt độ xuống thấp không chỉ đẩy phụ huynh vào tình trạng lúng túng, mà còn khiến các trường gặp khó khăn khi phải thu xếp thời gian dạy bù cho đủ chương trình...
Còn rét kéo dài
|
Nông dân thôn Mép, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) chăm sóc đàn bò trong thời tiết rét đậm, rét hại. Ảnh: Tiến Mạnh |
Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, rét đậm, rét hại cũng gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Do ảnh hưởng của rét, một số diện tích mạ và cây trồng vụ đông sinh trưởng, phát triển kém. Có mặt trên cánh đồng xã Thanh Quang (Nam Sách), mặc dù nhiệt độ thấp, mưa phùn, gió lạnh thổi vù vù nhưng chị Lương Thị Hợp cùng một số người dân vẫn khoác trên mình bộ quần áo mưa, đi ủng ngồi co ro giữa cánh đồng để nhổ hành. “Biết là trời lạnh nhưng tôi vẫn phải cố gắng nhổ bán cho hết ruộng hành kẻo mưa xuống lại mất giá”, chị Hợp cho biết. Rét đậm, rét hại kéo dài kết hợp độ ẩm không khí cao làm cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng chống rét, làm giảm sức đề kháng khiến nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp, có điều kiện bùng phát. Trong những ngày qua, nông dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Ông Đồng Xuân Quỵnh ở thôn Vực, xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) nuôi 10 con bò thịt cho biết: "Gia đình tôi dùng bạt dứa để che chắn chuồng trại, tích trữ đầy đủ cỏ, cây chuối, rơm khô bảo đảm đủ cung cấp cho trâu bò ăn trong 1 tuần. Hằng ngày, tôi cho bò uống nước ấm và ăn bổ sung một số thức ăn tinh nhằm tăng sức đề kháng cho đàn bò. Tôi cũng đốt thêm vài đống trấu trước cửa chuồng nuôi để làm tăng nhiệt độ giữ ấm cho bò". Ngoài việc che chắn chuồng trại kỹ lưỡng, anh Bùi Huy Hạnh, chủ một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xã Tái Sơn (Tứ Kỳ) còn bố trí 10 lò sưởi công suất lớn đặt tại các dãy chuồng nuôi, bảo đảm nhiệt độ trong khu chăn nuôi duy trì ổn định từ 19 - 200C; tổ chức vệ sinh sạch sẽ và giữ khô chuồng nuôi, tăng lượng thức ăn dinh dưỡng cho lợn nái.
Theo Trung tâm Khí tượng- thủy văn Trung ương đợt rét đậm này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong khoảng 10 ngày nữa. Điều này đồng nghĩa với việc người dân tiếp tục phải sống trong những ngày giá rét. Vì vậy, mỗi người dân, nhất là trẻ em và người già cần giữ cơ thể ấm, đề phòng những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Và, đặc biệt là bà con nông dân cần có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
P.VMột số biện pháp cấp bách phòng,chống đói, rét cho gia súc, gia cầm - Thường xuyên theo dõi dự báothời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. - Tu sửa, củng cố chuồng trạichăn nuôi bảo đảm kín, khô, ấm, sạch sẽ, tránh gió lùa để nhiệt độ chuồng nuôiđạt từ 18-20oC trở lên, nền chuồng có chất độn để giữ ấm (nâng nhiệt độ chuồngnuôi bằng cách: thắp điện, dùng bếp than, đốt củi...). - Dự trữ đủ thức ăn tinh, thức ănthô xanh từ các phụ phẩm nông nghiệp bảo đảm đáp ứng đủ dinh dưỡng trong ngàycho từng đối tượng vật nuôi nhằm đáp ứng dinh dưỡng sinh trưởng, phát triển vàchống rét; đáp ứng đủ nước ấm, sạch cho vật nuôi uống trong ngày. - Dùng bao tải, vải bạt may áokhoác cho trâu bò. - Nếu thời tiết trong ngày dưới15oC thì không cho trâu bò ra chăn thả và cày kéo. - Đối với vật nuôi có thể lựcyếu, dùng thuốc trợ lực và cho ăn thêm thức ăngiàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. - Phát hiện và điều trị kịp thờiđối với những gia súc bị ốm.
Nguyễn Văn Tịnh(Sở Nông nghiệp và PTNT)
|