Hơn 18 tháng kể từ khi COVID-19 bùng phát, nhiều nước trên như Đan Mạch, Thái Lan, Singapore, Nam Phi, Chile quyết định đã đến lúc mở cửa và áp dụng mô hình “sống chung với COVID-19”.
Chìa khóa cho sự thành công của Đan Mạch một phần nằm ở tiến trình tiêm vaccine
Hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới quyết định đã đến lúc mở cửa và áp dụng mô hình “sống chung với COVID-19”.
Nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine đáng ngưỡng mộ, số khác lại đưa ra quyết định rằng “cái giá” của việc kéo dài các quy định hạn chế về kinh tế và xã hội còn cao hơn những lợi ích mà chúng mang lại.
Dưới đây là năm quốc gia nổi bật với chiến lược mới nhằm đối phó với đại dịch.
Đan Mạch
Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế còn lại liên quan đến dịch COVID-19 vào ngày 10.9, với quan điểm rằng COVID-19 đã không còn là “một mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội”.
Người dân Đan Mạch giờ đây có thể vào các câu lạc bộ đêm và nhà hàng mà không cần xuất trình “hộ chiếu COVID-19,” sử dụng các phương tiện công cộng mà không cần đeo khẩu trang và tụ tập đông người mà không bị hạn chế. Nói cách khác, Đan Mạch đã quay lại cuộc sống trước đại dịch.
Chìa khóa cho sự thành công của Đan Mạch một phần nằm ở tiến trình tiêm vaccine của nước này. Tính đến ngày 13.9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, theo trang theo dõi số liệu Our World in Data.
Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke mới đây đăng trên trang Twitter cá nhân cho biết tỷ lệ truyền nhiễm, hay R-rate, của nước này hiện là 0,7, có nghĩa là dịch bệnh đang tiếp tục thuyên giảm. Nếu tỷ lệ này trên 1, số ca nhiễm COVID-19 sẽ tăng lên trong tương lai gần, và ngược lại.
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan như vậy, nhưng ông Heunicke hồi tháng trước vẫn cảnh báo cần thận trọng khi Chính phủ Đan Mạch thông báo ngày dự kiến chấm dứt các quy định hạn chế.
Singapore
Chính phủ Singapore hồi tháng Sáu cho biết dự định sẽ chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, tức nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng vaccine và theo dõi tình hình nhập viện, thay vì hạn chế sinh hoạt của người dân.
Hành khách của chuyến bay chở khách đầu tiên từ Đức theo chương trình không phải cách ly hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore ngày 8.9
Giới chức Singapore đã bắt đầu nới lỏng một số quy định hạn chế trong tháng Tám, cho phép những người đã tiêm vaccine đầy đủ được ăn uống tại các nhà hàng và tụ tập nhóm đến năm người, thay vì hai người như trước đó.
Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh do biến thể Delta đã gây áp lực lên chiến lược này và buộc giới chức Singapore tạm dừng việc mở cửa hơn nữa. Thậm chí, nhiều quan chức mới đây cảnh báo rằng nước này có thể sẽ cần phải tái áp đặt các quy định hạn chế nếu không thể kiểm soát được đợt bùng phát mới này.
Đội đặc nhiệm phòng chống dịch COVID-19 của Singapore cho biết sẽ nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát này bằng cách tăng cường truy vết tiếp xúc, khoanh vùng các ca nhiễm và ổ dịch, đồng thời tiến hành xét nghiệm thường xuyên hơn cho những người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao.
Dù đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như vậy, nhưng mới đây Singapore đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao nhất trong hơn một năm qua vào ngày 14/9. Nhưng giới chức nước này cho biết tính đến nay, số ca bệnh nặng vẫn ở mức thấp nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Trước khi thay đổi phương án như trên, Singapore đã theo đuổi “chiến lược không COVID-19” và hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất trên thế giới, với 81% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Thái Lan
Giới chức Thái Lan mới đây cho biết dự định sẽ mở cửa Bangkok và nhiều điểm đến được yêu thích khác cho du khách nước ngoài vào tháng Mười trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực vực dậy ngành du lịch trọng điểm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan
Hãng tin Reuters đưa tin theo chương trình này, các du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và cam kết tuân thủ quy định xét nghiệm sẽ được phép vào Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai.
Ngày 1/7 vừa qua, đảo Phuket đã mở cửa trở lại đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine mà không yêu cầu cách ly. Ngày 15.7, Thái Lan khởi động chương trình tương tự với các đảo Koh Samui, Koh Pha Ngan và Koh Tao, hay còn gọi là "Samui Plus".
Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa trở lại 5 tỉnh của Thái Lan trong tháng tới có thể sẽ phải trì hoãn cho tới tháng 11 do tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương này vẫn chưa đạt mức 70%.
Theo kế hoạch ban đầu, từ ngày 1.10, các tỉnh Chiang Mai (gồm các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Chonburi (gồm Pattaya, Bang Lamung và Sattahip), Phetchaburi (Cha-am) và Prachuap Khiri Khan (Hua Hin) sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài mà không cần cách ly nếu đã được tiêm chủng đủ liều. Thủ đô Bangkok sẽ mở cửa tiếp theo vào ngày 15.10, nhưng Thống đốc Bangkok, Aswin Kwanmuang, cho biết địa phương này sẽ chỉ mở cửa khi 70% cư dân được tiêm chủng đầy đủ cùng với việc số ca mắc mới giảm nhiều hơn.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp với các quan chức của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 22.9, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết cơ quan này không quá lo lắng dù việc mở cửa thí điểm các khu vực ở 5 tỉnh, gồm cả thủ đô Bangkok, có thể phải trì hoãn đến ngày 1.11.
Người đứng đầu TAT Yuthasak cho biết rất nhiều địa điểm trong kế hoạch mở cửa nói trên vẫn đang chờ được phân phối vaccine, trong bối cảnh nước này đặt mục tiêu tới cuối năm nay 70% dân số được tiêm chủng.
Các cơ sở y tế của Thái Lan đã tiêm được hơn 46,6 triệu liều vaccine, trong đó 22,6% dân số nước này đã được tiêm đủ liều tính đến ngày 22.9.
Nam Phi
Nam Phi đang bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến dịch COVID-19, khi tốc độ lây nhiễm tại nước này đang giảm dần.
Lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc ở Nam Phi đã được rút ngắn lại từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng
Trong đó, lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc đã được rút ngắn lại từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, quy mô tụ tập đã được tăng lên 250 người ở trong nhà và 500 người ở ngoài trời, và các lệnh giới hạn đối với hoạt động bán đồ uống có cồn cũng được cắt giảm hơn nữa.
Quyết định nới lỏng này, được Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố ngày 12.9, là rất đáng chú ý đối với một quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp và đã vượt qua phần lớn đại dịch nhờ các quy định giãn cách xã hội cực kỳ nghiêm ngặt. Nước này thậm chí còn cấm tất cả mọi hình thức tụ tập đông người, trừ tang lễ.
Tổng thống Ramaphosa cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba do biến thể Delta vẫn chưa kết thúc, nhưng ông cho biết Nam Phi hiện đã có đủ số liều vaccine để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành, trong đó hơn 25% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Ông khuyến khích người dân tiêm vaccine và tuân thủ các quy định hạn chế còn lại để nước này có thể quay trở lại trạng thái bình thường.
Chile
Chile đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi về chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 thành công. Theo những báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người dân đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Thậm chí, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuần trước, giới chức y tế nước này đã phê duyệt sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Bất chấp mối đe dọa từ biến thể Delta, Chính phủ Chile mới đây đã công bố các bước mở cửa trở lại đối với du khách quốc tế từ ngày 1/10, để kịp chào đón mùa Hè tại quốc gia nằm ở Nam bán cầu này.
Theo quy định mới, những người nước ngoài không phải là thường trú nhân sẽ có thể nhập cảnh vào Chile nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định và cách ly trong 5 ngày sau khi đến.
Thứ trưởng Du lịch Chile José Luis Uriarte cho biết việc cho phép du khách nước ngoài đến Chile là một bước quan trọng đối với sự phục hồi của ngành du lịch trong nước. Ông cho biết thêm đây chỉ là bước đầu tiên, và Chile có thể tiếp tục mở cửa nếu duy trì các điều kiện y tế phù hợp.
Theo TTXVN