Sống chung an toàn với COVID-19: Nhìn từ kinh nghiệm các nước

15/09/2021 13:41

Thay vì theo đuổi mục tiêu diệt sạch virus đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh.


Singapore đã tiêm chủng cho phần lớn dân số và đang hướng đến việc sống chung với COVID-19. Ảnh: Reuters

Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch COVID-19 đến nay vẫn như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này tới đợt khác với sự xuất hiện liên tục của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tình trạng này đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero COVID-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Và thực tế đang ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này.

Sống chung an toàn với COVID-19

Vào tuần trước, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan trong cuộc họp báo ngày 7.9 đã đưa ra nhận định mới rằng COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới và những hy vọng trước đó về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch này cũng đang dần nguội tắt.

Theo ông Mike Ryan, khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Những nhận định mới của WHO về ứng phó với dịch COVID-19 thay đổi bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện.

Có thể kể đến như nước Anh, sau gần 2 tháng dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế chống COVID-19 vào ngày 19.7 vừa qua, Anh hiện ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Còn với Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên 100.000 mỗi ngày, khiến nhiều bệnh viện hết giường chăm sóc đặc biệt hoặc phải chăm sóc gấp đôi số lượng bệnh nhân có thể tiếp nhận, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng và tuân thủ quy định đeo khẩu trang thấp.

Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại. Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu "zero-COVID" trong một thời gian dài, Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng…

Trước thực tế trên, các chuyên gia đều cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi", và “zero COVID” là điều khó đạt được kể cả khi các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh phong tỏa lâu dài.

Theo các quan chức WHO, các loại vaccine phòng bệnh không thể bảo đảm thế giới sẽ xóa sổ được đại dịch COVID-19 giống như với một số loại virus khác. Các quan chức WHO cho rằng nếu toàn thế giới sớm thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan thì tình hình hiện nay có thể đã rất khác.

Một số chuyên gia cho rằng điều quan trọng bây giờ là phải làm rõ rằng chống dịch thành công không phải là không ghi nhận ca bệnh nào mà là ghi nhận rất ít người nhập viện và rất ít người tử vong. Cần phải chấp nhận số ca nhiễm tăng ở chừng mực nhất định, miễn là không đi kèm số ca bệnh nặng và tử vong tăng theo. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá được mất bao lâu để COVID-19 trở thành căn bệnh thông thường, nhưng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch sẽ sớm lùi vào quá khứ.

Các nước áp dụng chiến lược mới để sống chung an toàn với COVID-19

Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới đang bước sang giai đoạn mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu diệt sạch virus đặt ra hơn 1 năm trước, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden ngày 9.9 đã công bố chiến lược ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư, nhằm bảo vệ các trường học, doanh nghiệp, nền kinh tế và gia đình của người dân Mỹ khỏi mối đe dọa của biến thể Delta. 

Tại châu Âu, các quốc gia như Pháp, Đức, Italy coi việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 là điều kiện cần thiết để dùng bữa tại các nhà hàng, đến bệnh viện hoặc sự kiện trong nhà khác. Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 53% dân số của khối này.

Đan Mạch không còn duy trì biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt như hồi đầu năm 2020. Tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu châu Âu và thế giới đã tạo ra sự thay đổi trong chiến lược chống dịch hiện nay của quốc gia EU này. Sau khi 73% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Đan Mạch quyết định sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế trong nước liên quan đến COVID-19 từ ngày 10.9. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn duy trì các biện pháp hạn chế di chuyển và kiểm soát biên giới cho đến cuối tháng 10 tới.

Hà Lan bắt đầu từ ngày 25.9 tới sẽ bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán cà phê, phòng hòa nhạc, nhà hát. Khẩu trang vẫn bắt buộc sử dụng trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu. Các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cơ bản như rửa tay thường xuyên, ho và hắt hơi vào khuỷu tay và ở nhà nếu có các triệu chứng cũng vẫn có hiệu lực. Các sự kiện và lễ hội kéo dài nhiều ngày có thể diễn ra trong một số điều kiện nhất định với việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Bồ Đào Nha, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đã giảm, kể từ ngày 13.9, không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Biện pháp này được dỡ bỏ do Quốc hội không gia hạn luật bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố kể từ cuối tháng 10.2020. Tuy nhiên, Tổng cục Y tế nước này vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội.

Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm và trả phí đối với trường hợp không tiêm chủng. Các nhân viên chưa được tiêm phòng cần phải nộp bản xét nghiệm điện tử mỗi tuần một lần, còn giáo viên, học sinh cũng như tất cả những người làm công tác du lịch, văn hóa và truyền thông thì cần phải được xét nghiệm hai lần một tuần.

Chính phủ Australia đã thay đổi trong cách tiếp cận chương trình tiêm chủng, theo đó hướng tới miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng cho bộ phận dân số trẻ để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, bên cạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các chuyên gia khẳng định để có thể sống chung với dịch bệnh, các nước cũng cần tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, kiểm soát các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, phúc lợi xã hội cho người dân. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi các bang mở cửa trở lại sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân từ 16 tuổi trở lên.

Tại châu Á, Singapore từ cuối tháng 6 đã chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, thông báo chính sách đi lại miễn cách ly với Hong Kong (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc), Đức và Brunei. Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm hay thủy đậu. Singapore đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để hướng đến sống chung với COVID-19.

Bộ Y tế Malaysia cũng cho biết nước này từ cuối tháng 10 sẽ coi COVID-19 như là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét. Chính phủ Malaysia sẽ đơn giản hóa một số biện pháp hạn chế khi bước vào giai đoạn mới nhưng sẽ vẫn yêu cầu đeo khẩu trang.

Indonesia và Thái Lan cũng đang định hướng lại chiến lược từ coi COVID-19 là một đại dịch sang một bệnh đặc hữu sau nhiều tháng phong tỏa nhưng chưa thể chấm dứt sự lây nhiễm. Chính phủ Indonesia tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine cho học sinh nhằm chuẩn bị triển khai kế hoạch học tập trực tiếp tại trường có giới hạn. Indonesia đã cấp giấy phép tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi kể từ đầu tháng 7. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Indonesia là đưa học sinh quay lại học trực tiếp tại trường sau gần một năm rưỡi phải học trực tuyến do dịch COVID-19.

Còn tại Trung Quốc, để đối phó với đợt bùng dịch tại Nam Kinh và cũng là đợt dịch lan rộng nhất tại Trung Quốc kể từ đợt bùng phát tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi đầu năm 2020, chính quyền các địa phương trên toàn Trung Quốc đã thực hiện chiến lược "không nhân nhượng” và phương châm "bốn sớm” (cách ly sớm, chẩn đoán sớm, chữa trị sớm và phòng tránh lây nhiễm quy mô lớn). Kết quả sau khoảng 5 tuần "không khoan nhượng” với dịch bệnh, nhiều nơi tại Trung Quốc như thủ đô Bắc Kinh, tỉnh Giang Tô và tỉnh Tứ Xuyên đã dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, khôi phục sản xuất và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Israel với tỷ lệ tiêm chủng được bao phủ cao nên trong làn sóng lây nhiễm mới nhất, số ca tử vong của nước này chỉ ở mức thấp, dao động từ 20-30 ca/ngày, chưa bằng một nửa so với hồi tháng 1.2021. Nhờ vậy, nước này cũng đã xác định quan điểm lựa chọn phù hợp là sống chung an toàn với COVID-19 và mở cửa trở lại các trường học, hoạt động thương mại, kinh doanh, giải trí…

Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng để sống chung an toàn với COVID-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vaccine, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền bảo đảm thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân. Thay đổi này không phải là đầu hàng mà là bước chuyển hướng đến chiến thắng vì COVID-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng và việc học cách thay đổi sẽ giúp thế giới thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống chung an toàn với COVID-19: Nhìn từ kinh nghiệm các nước