Sớm hoàn thành nâng cấp mặt đường quốc lộ 5, đoạn qua Hải Dương

22/03/2023 17:00

Dự án sửa chữa, nâng cấp mặt đường quốc lộ với tổng mức đầu tư đầu tư hơn 840 tỷ đồng được triển khai từ cuối 2021 với 9 gói thầu; hiện đã hoàn thành 3 gói thầu.


Công nhân phối kết hợp vừa sơn kẻ vẽ làn đường, vừa phân luồng giao thông cho phương tiện trên tuyến quốc lộ 5. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án sửa chữa quốc lộ 5 - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI (đơn vị quản lý quốc lộ 5 thông tin.

Gói thầu XL-01, sửa chữa nút giao từ km 47+460, km 47+680 - km48+40 và gói thầu Xl-02, sửa chữa nút giao km 23+120, km40+230, hiện nhà thầu đã thi công xong trên hiện trường và đang trong thời gian bảo hành và quyết toán hợp đồng.

Trong khi đó, gói thầu XL-03, thực hiện thay thế dải phân cách giữa km92+700-km104+600 nhà thầu cũng đã hoàn thành khối lượng trên hiện trường và đang trong  trong thời gian bảo hành và quyết toán hợp đồng.

Đối với gói thầu XL-04, gói thầu rất quan trọng sửa chữa mặt đường đoạn km46-km54 và nút giao Hưng Yên, tính đến nay đã thi công được 5,8km trong tổng số 6,3 km. Hiện nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các nút giao dự kiến sẽ hoàn vào ngày 29.4.2023.

Tương tự như gói XL-04, gói thầu XL-05 sữa chữa mặt đường đoạn km54-km65, đến thời điểm hiện tại nhà thầu đã hoàn thành được 10,5km trong 11 km, kế hoạch hoàn thành dự kiến ngày 4.4.2023. Tổng giá trị của 2 gói thầu XL-04, XL-05 là trên 300 tỷ đồng.

Về gói thầu sửa chữa nút giao km73+30, thi công bó vỉa đoạn km65-km76 (gói thầu XL-06A), đang chuẩn bị các bước để thi công trên hiện trường trong tháng 4 tới.

"Riêng gói thầu XL-06B, sửa chữa mặt đường đoạn km65-km76 với giá trị trên 100 tỷ đồng hiện mới đang thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu và dự kiến thi công trong năm 2023. Dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành sữa chữa mặt đường toàn bộ 30 km từ km46-km76 (đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương)", ông Nguyễn Hoàng Việt thông tin.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, quốc lộ là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng. Do lưu lượng xe trên tuyến khoảng 60.000 xe quy đổi ngày/đêm nên đoạn đường quốc lộ 5 qua thành phố Hải Dương đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều "ổ voi", "ổ gà", "sống trâu"...

Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp mặt đường quốc lộ 5 là rất cấp thiết. Cục Đường bộ Việt Nam đang yêu cầu đơn vị quản lý tuyến đường chỉ đạo nhà thầu tăng cường thiết bị máy móc, thiết bị đảm bảo tiến độ đề ra.

Đại diện VIDIF cho hay, kể từ khi đưa vào khai thác tuyến đường này chưa từng một lần được sửa chữa trung, đại tu nên càng ách tắc, gây bức xúc trong dư luận người tham gia giao thông. Do đó, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, VIDIFI đã triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 5; trong đó, tập trung những đoạn xung yếu, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn tuyến từ km46- đến km65 và một số nút giao thuộc khu vực tỉnh Hải Dương.

Là tuyến huyết mạch, lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt là phương tiện lưu thông chủ yếu là xe tải vì vậy, lãnh đao Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ giám sát chặt chẽ nhà thầu để tổ chức bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, đặc biệt thi công phải đúng theo kịch bản, phương án đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án sửa chữa quốc lộ 5 chia sẻ, được triển khai thi công từ cuối 2021 đến nay, một trong những yếu tố được VIDIFI tập trung chú trọng là vừa tổ chức thi công, vừa đảm bảo giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến việc lưu thông các phương tiện.

Theo đó, việc triển khai công trường tập trung chủ yếu vào ban đêm, giờ thấp điểm, cuối tuần, tránh các giờ cao điểm từ 6-8 giờ sáng, 17-19 giờ 30 là lúc xe container đi lại tăng đột biến, nhất là các khu vực giao cắt với các khu công nghiệp.

Mặt khác, VIDIFI cũng đã yêu cầu tại các khu vực đường đã cào bóc, vỉa được chỉnh trang luôn có biển báo, tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm, có nhân sự điều tiết giao thông.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Việt, mỗi gói thầu đều phương án thi công cụ thể và được cơ quan chức năng chấp thuận. Mỗi đoạn sửa chữa được tín toán thi công vào từng thời điểm hợp lý để tránh ùn tắc như giới hạn chiều dài thi công dưới 300 m/lần, thi công lệch làn giữa các đoạn với các đơn vị nhà thầu khác nhau.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình thi công sửa chữa quốc lộ 5, ông Nguyễn Hoàng Việt cho hay, trong điều kiện thi công rất ngặt nghèo khi lưu lượng phương tiện giao thông lớn, giá nguyên vật liệu tăng nhiều lần so với thời điểm đấu thầu, phải áp dụng bảo hành 5 năm, đặc biệt là việc thi công tại các cầu lớn như: Phú Lương, Lai Vu, Đồng Niên mới thấy được những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các nhà thầu. Các nhà thầu đang nỗ lực để hoàn thành các gói thầu theo tiến độ mà Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, quốc lộ 5 được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng từ năm 1998. Sau thời gian đưa vào khai thác, đến nay, nhiều đoạn đường đã xuống cấp, thường xuyên bị hư hỏng, đặc biệt là kết cấu mặt đường bị rạn nứt và hằn lún vệt bánh xe tạo thành các rãnh lớn, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông… Nguyên nhân quốc lộ 5 hư hỏng chủ yếu do lưu lượng phương tiện trên tuyến quốc lộ này tăng nhanh với nhiều xe có tải trọng lớn, đặc biệt là xe tải, container với mật độ cao.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy song song, ngay sát với Quốc lộ 5, có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường sắt dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông tại các nút giao vào giờ cao điểm.

Vì vậy sau khi sửa chữa xong 30km đoạn tuyến qua Hải Dương sẽ tiếp tục dành kinh phí để sửa chữa các đoạn tiếp theo cũng như đầu tư nâng cấp các nút giao, cầu vượt.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Sớm hoàn thành nâng cấp mặt đường quốc lộ 5, đoạn qua Hải Dương