Sớm hoàn thành cải tạo Đảo Cò nhân tạo mới

12/07/2020 16:49

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) chậm tiến độ đã ảnh hưởng tới việc sinh sống, trú ngụ của đàn cò, vạc.

Việc đắp đảo 4C bị chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Quá tải

Tháng 4.2018, khi dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò khởi công, rất nhiều người lo ngại việc tác động quá mức của con người cùng máy móc sẽ khiến đàn cò, vạc sợ hãi, sụt giảm về số lượng. Tuy nhiên, sau khi hai đảo 3A, 3B được cải tạo, số lượng cò, vạc về đây lại ngày càng nhiều hơn.

Đảo Cò hiện có khoảng 22.000 cá thể cò, vạc đang sinh sống, trú ngụ, tăng 2.000 - 3.000 con so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý trong số này có khoảng 900-1.000 con cò nhạn - một loại động vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Những người sinh sống quanh khu vực đảo cho biết chưa bao giờ cò nhạn lại về nhiều như năm nay. "Thật vui khi thấy môi trường tại Đảo Cò ngày càng tốt lên, cò, vạc về nhiều hơn. Nhưng điều này cũng đặt ra thách thức mới trong việc tạo môi trường sống ổn định, lâu dài cho chúng bởi hai đảo đang có hiện tượng quá tải", ông Nguyễn Đăng Giảm, Tổ trưởng Tổ dịch vụ Đảo Cò nói.

Theo ông Giảm, tổng diện tích hai đảo 3A, 3B khoảng 15.000 m2. Tính ra, cứ mỗi m2 ở Đảo Cò hiện có 1,4 cá thể cò, vạc. Về cơ bản, mật độ này chưa có gì đáng ngại. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh trên hai đảo chưa đáp ứng được nhu cầu của đàn cò, vạc. Những năm trước, trên hai đảo còn nhiều cây bạch đàn, nhãn, khóm tre to nhưng hiện đã chết, chỉ còn duy nhất 1 cây bạch đàn. Sau cải tạo, mặc dù Đảo Cò được trồng bổ sung nhiều cây xanh như tre, sanh, trứng cá... nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của đàn cò, vạc. Được biết, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò đã trồng khoảng 2.000 khóm tre cùng nhiều loại cây xanh khác trên hai đảo song vẫn chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân do từ tháng 1 đến tháng 8 là mùa sinh sản của đàn cò, vạc nên các nhân viên ở đây không thể làm gì khác vì lo tác động sẽ khiến chúng sợ hãi.

Hệ thống cây xanh ở Đảo Cò hiện còn non và thấp. Quan sát bằng mắt thường cũng thấy nhiều cây không phát triển được, thậm chí bị chết do có nhiều cò, vạc đậu. Măng tre nhô cao tầm 1,5-2 m chỉ cần vài lần cò, vạc đậu là gãy. Những nhân viên tại đây đã phải làm thêm những giá bằng tre để giúp cò, vạc có chỗ đậu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều con yếu thế, không thể cạnh tranh chỗ đậu nên phải ngủ dưới gốc cây. Không ít con đã bị rắn độc ăn thịt.

Sớm tạo đảo 4C

Năm 2017, UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Miện làm chủ đầu tư công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò với tổng kinh phí gần 45,5 tỷ đồng. Theo quyết định của UBND tỉnh, Đảo Cò được đầu tư xây dựng các hạng mục: mở rộng đảo 3A và 3B, đắp đất tạo đảo mới 4C, kè gia cố bao quanh đảo để giảm hiện tượng xói mòn và sạt lở đất, trồng bổ sung cây tre trên đảo; xây đường xung quanh hồ An Dương. Công trình sẽ được hoàn thành vào ngày2.1.2020. Đến nay, các phần việc cơ bản đã xong, riêng hạng mục đắp đất tạo đảo mới 4C vẫn chưa được thực hiện do gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Khu vực đắp đảo 4C rộng trên 17.000 m2 liên quan đến đất ở, đất nuôi thủy sản, trồng cây... của 9 hộ dân và một phần diện tích đất công điền của xã. Huyện đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo quy định của Nhà nước. Song đến nay vẫn còn 4 hộ có tổng diện tích đất ở, đất sản xuất khoảng 3.000 m2 chưa đồng ý với phương án đền bù 4,5 triệu đồng/m2 cho diện tích đất ở. Vướng mắc này đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên việc tạo đảo 4C vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Dự báo số lượng cò, vạc tại Đảo Cò sẽ còn tăng trong thời gian tới. Để bảo đảm môi trường sinh sống ổn định, lâu dài cho chúng thì cần trồng bổ sung thêm nhiều cây xanh. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải sớm hoàn thành việc tạo đảo 4C để giảm tải áp lực cho hai đảo 3A, 3B.

AN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm hoàn thành cải tạo Đảo Cò nhân tạo mới