Việc mỗi bộ phận "một cửa" ở tỉnh ta ứng dụng một phần mềm khác nhau đang gây khó khăn trong liên thông giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.
Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.
- Thưa đồng chí, thực trạng các bộ phận "một cửa" trong tỉnh chưa sử dụng phần mềm chung đang gây ra những khó khăn gì?
- Việc chưa thống nhất các phần mềm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng chính quyền điện tử. Đó là công nghệ không thống nhất gây cản trở việc liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống. Các phần mềm khác nhau gây khó khăn trong việc cập nhật thủ tục, quy trình, biểu mẫu khi có văn bản, chính sách mới ban hành hoặc sửa đổi. Dữ liệu và các trường thông tin khác nhau hạn chế việc dùng chung, chia sẻ. Mặt khác, dữ liệu được cài đặt phân tán, riêng rẽ ở mỗi nơi, máy chủ khác nhau rất khó tích hợp, quản lý tập trung dữ liệu.
Đồng thời, hạ tầng manh mún, máy chủ đặt tại các huyện, không cài đặt tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh gây lãng phí tài nguyên phần cứng, gây khó khăn cho việc quản lý tập trung, liên thông, chia sẻ, dùng chung dữ liệu. Ngoài ra vấn đề an toàn, an ninh thông tin cũng không được bảo đảm. Nguồn nhân lực về CNTT tại các đơn vị cũng không đáp ứng được khả năng quản trị hệ thống và làm chủ công nghệ khi hệ thống được triển khai độc lập tại các đơn vị.
- Có thể khắc phục được hiện trạng không, thưa đồng chí?
- Hiện trạng trên hoàn toàn có thể khắc phục được. Bộ TTTT đã có hướng dẫn liên thông, trao đổi dữ liệu có cấu trúc bằng ngôn ngữ XML giữa các hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước (Văn bản số 3788/BTTTT-THH ngày 26-12-2014 của Bộ TTTT). Trên cơ sở áp dụng văn bản này và các tiêu chuẩn kết nối quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ngày 23-12-2013 của Bộ trưởng TTTT về ban hành danh mục tiêu chuẩn ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, các phần mềm sẽ kết xuất dữ liệu đầu ra, đầu vào theo chuẩn thống nhất và như vậy có thể đồng bộ được với nhau. Việc đồng bộ hóa sẽ khắc phục được những bất cập đã nêu.
Lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu. Năm 2016 sẽ hoàn thành nâng cấp giao diện và công nghệ cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử công vụ; xây dựng hệ thống tích hợp kết nối liên thông các hệ thống thông tin tỉnh Hải Dương, trong đó xây dựng hệ thống kết nối cổng thông tin điện tử hành chính 3 cấp tỉnh, huyện, xã trên một nền tảng thống nhất, triển khai kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành 3 cấp với Chính phủ. Năm 2017 phấn đấu hoàn thành khung kiến trúc chính quyền điện tử, xây dựng được cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương và cổng thông tin "một cửa" điện tử tại 1 địa chỉ duy nhất trên internet, trong đó tích hợp được toàn bộ các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cả 3 cấp; bảo đảm xử lý liên thông, quản lý, theo dõi, tra cứu, thống kê tình trạng và kết quả xử lý tập trung tại tỉnh. Những năm tiếp theo sẽ rà soát, quy hoạch lại các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đã xây dựng manh mún từ trước như hệ thống thông tin đất đai, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, hộ tịch, tư pháp, viễn thông… để bảo đảm tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh đáp ứng yêu cầu bài toán xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh phục vụ tốt nhất nhu cầu của các tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn đồng chí!
TRUNG THU (thực hiện)
Đến thời điểm này tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin "một cửa" điện tử; một số huyện đã triển khai hệ thống "một cửa" điện tử xuống cấp xã. Hiện có 3 phần mềm đang được sử dụng tại cấp huyện và xã. Các huyện Gia Lộc, Bình Giang, Ninh Giang và TP Hải Dương sử dụng phần mềm do Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm Trí Tuệ Việt triển khai; các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành, Cẩm Giàng và thị xã Chí Linh sử dụng sản phẩm của Công ty Tâm Việt; UBND huyện Kinh Môn sử dụng phần mềm do Công ty CP Oneoffice triển khai. Theo Sở Thông tin và Truyền thông |