Sớm điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

25/08/2017 07:05

Việc phân cấp thẩm quyền về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập khiến các đơn vị thực hiện lúng túng...



Dự án xây dựng trạm bơm Bình Lâu, một trọng điểm chống úng ngập khu vực phía tây TP Hải Dương sẽ được
 triển khai nhanh hơn nếu sớm mở rộng phân cấp thẩm quyền về đầu tư xây dựng cơ bản


Sau hơn 7 năm thực hiện, Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND ngày 22.6.2010 của UBND tỉnh (QĐ 11) quy định về việc "phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng công trình, chất lượng công trình xây dựng và các hoạt động xây dựng" đã nảy sinh không ít bất cập trong phân cấp thẩm quyền về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).

Thực hiện lúng túng


Theo ông Nguyễn Hữu Y, Trưởng Phòng Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước tỉnh, thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhưng hiệu quả chưa cao. 6 tháng đầu năm, các dự án XDCB tập trung sử dụng ngân sách tỉnh mới giải ngân được 273 tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn chuyển tiếp từ năm 2016 chỉ giải ngân được 31,5% kế hoạch năm.

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, nguyên nhân chậm giải ngân vốn ĐTC chủ yếu do QĐ 11 có nhiều nội dung không còn phù hợp thực tế và các luật mới có hiệu lực. Đơn cử như việc phân cấp thẩm quyền quyết định dự án đầu tư xây dựng cho cấp huyện (không quá 5 tỷ đồng), cấp xã (không quá 1 tỷ đồng) không còn phù hợp với các Luật: Xây dựng 2014 (sửa đổi), ĐTC, Đấu thầu. Hay việc chưa thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18.1.2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước yêu cầu dự án muốn được bố trí vốn phải được duyệt trước ngày 1.11 năm trước nên vẫn phát sinh "giấy phép con". Vì vậy, nhiều chủ đầu tư cấp huyện và cấp xã phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục dự án ĐTC.

Thực tế khi triển khai các luật mới cũng mất nhiều thời gian chờ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Chẳng hạn, khi triển khai Luật ĐTC đã nảy sinh mâu thuẫn trong xây dựng danh mục dự án. Bởi khi lập kế hoạch ĐTC phải có danh mục dự án đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối vốn, nhưng ngược lại để phê duyệt đầu tư 1 dự án và đưa vào kế hoạch đăng ký lại phải dự kiến được khả năng cân đối vốn. Ông Phạm Văn Nam, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: "Chúng tôi biết khi các Luật: Xây dựng, ĐTC, Đấu thầu mới có hiệu lực thì QĐ 11 của UBND tỉnh chỉ để tham khảo. Nhưng trên thực tế tại địa phương, nhiều dự án đầu tư XDCB vẫn áp dụng song hành cả luật mới và QĐ 11 vì nội dung QĐ 11 cụ thể hơn".

Sớm điều chỉnh


Từ những vướng mắc trong thực hiện đầu tư XDCB, Sở Xây dựng đã tham mưu văn bản mới để thay thế QĐ 11, có nội dung kèm theo là Quy định về "Phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương". Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản này bị kéo dài trong 3 năm do phải điều chỉnh theo nhiều nghị định.

Theo ông Nguyễn Hoài Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, kế thừa những quy định của QĐ 11 đã ổn định và phát huy hiệu quả, dự thảo Quy định (sửa đổi) này được bổ sung các quy định mới phù hợp với các văn bản luật mới liên quan. Cụ thể, sửa đổi và bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng; phương thức, nội dung quản lý dự án; tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cây xanh đô thị; đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Quy định mới sẽ phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách của cấp mình; vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương. Phòng quản lý xây dựng cấp huyện được chủ trì  thẩm định báo cáo kinh tế-kỹ thuật đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

Việc mở rộng phân cấp thẩm quyền sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ "nút thắt" thủ tục, tạo sự chủ động và nâng cao hiệu quả đồng vốn trong đầu tư XDCB.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Sớm điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản