Sớm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân

05/11/2012 23:37

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên tính thu nhập chịu thuế cho dân dựa trên hệ số lương cơ bản, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên 4,5 triệu đồng...


Thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân chiều 5-11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên tính thu nhập chịu thuế cho dân dựa trên hệ số lương cơ bản, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên 4,5 triệu đồng, áp dụng luật sửa đổi từ 1-1-2013 (thay vì 1-7-2013) để “sớm đem niềm vui, hạnh phúc đến với dân”.


Thảo luận tại Quốc hội: Sớm áp dụng luật sửa đổi Thuế TNCN
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Quy định “cứng” 9 triệu đồng sẽ sớm lạc hậu


Nếu QH, Chính phủ đã mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người dân bằng sự điều chỉnh, sửa đổi luật này thì hãy mang niềm vui đó đến sớm cho dân


ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội)


Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Quang (Hà Nội), từ khi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực (năm 2009) đến nay, với quy định khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng, lương tối thiểu đã tăng liên tục từ 650.000 đồng năm 2009 lên 830.000 đồng năm 2010, rồi 1,05 triệu đồng năm 2011 và dự kiến sẽ tăng tiếp trong một hai năm tới. Mỗi lần tăng lương tối thiểu thì giá cả lại tăng rất nhiều. Sợ rằng khi luật sửa đổi có hiệu lực, giá trị thu nhập khởi điểm tính thuế 9 triệu đồng sẽ không bằng giá trị thu nhập thời điểm 4 triệu đồng cách đây 3 năm, sẽ lại phải điều chỉnh, ĐB Nguyễn Minh Quang đề nghị “nên dựa vào tiêu chuẩn lương cơ bản hoặc lương tối thiểu để tính mức chịu thuế. Ví dụ, mức thu nhập gấp 6 lần lương tối thiểu trở lên sẽ phải chịu thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc gấp 2 - 2,5 lần lương tối thiểu”.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhắc lại “bài học” khi xây dựng luật Thuế TNCN hiện hành nhiều người đã cảnh báo về tính lạc hậu của quy định giảm trừ gia cảnh nhưng không được tiếp thu. Bà cho rằng, với mức đề nghị giảm trừ gia cảnh cho bản thân người chịu thuế và người phụ thuộc là 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng, xét về giá trị tuyệt đối thấy đây là mức tăng khá cao so với quy định cũ nhưng nếu so sánh với lộ trình tăng lương cơ bản đến năm tới tối đa 2 triệu đồng/tháng thì mức 9 triệu đồng cũng chỉ gấp 4,5 lần lương cơ bản dự kiến.

“Báo cáo của Chính phủ có nêu hiện ta có 3,87 triệu người nộp thuế TNCN, chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức được hưởng lương, đối tượng đóng thuế TNCN tập trung ở TP lớn, nhưng rõ ràng thời gian qua đối tượng này gặp nhiều khó khăn do chi phí sinh hoạt ở các đô thị lớn tăng khá cao. Quy định mức giảm trừ 9 triệu và 3,6 triệu sẽ rất nhanh chóng trở nên lạc hậu”, bà Hường cảnh báo.

Tương tự ĐB Quang, ĐB Hường đề nghị quy định mức chịu thuế trên cơ sở lương tối thiểu, lương cơ bản và nhấn mạnh luật này ảnh hưởng trực tiếp tới đại đa số người dân, nên áp dụng được từ 1.1.2013 là tốt nhất. “Nếu QH, Chính phủ đã mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người dân bằng sự điều chỉnh, sửa đổi luật này thì hãy mang niềm vui đó đến sớm cho dân”, ĐB này tha thiết.

Tán thành đề xuất về thời điểm áp dụng luật từ đầu năm tới, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) gợi ý thêm: Nên đưa ra 2 phương án để tính mức giảm trừ gia cảnh: Một là quy định luôn mức khởi điểm chịu thuế bằng 9 - 10 lần lương tối thiểu, mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 2 - 2,5 lần lương tối thiểu. Hai là nếu theo như phương án Chính phủ trình thì nên quy định luôn trong luật CPI biến động ở mức nào thì điều chỉnh luôn mức khởi điểm chịu thuế theo tỷ lệ tăng CPI hằng năm và quy định rõ trong luật, sau này không phải trình điều chỉnh nữa.

Thảo luận tại Quốc hội: Sớm áp dụng luật sửa đổi Thuế TNCN
Hầu hết những người đóng thuế thu nhập cá nhân là cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương, đời sống còn gặp nhiều khó khăn

Cần nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc

Tại tổ ĐBQH TP.HCM, ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nâng từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng/người vẫn còn thấp, nên tăng lên mức 4,5 triệu đồng, thậm chí ở mức càng cao càng tốt, đặc biệt đối với những người bị mắc bệnh nan y. “Riêng cơ quan tôi có người phải nộp thuế TNCN, cha bị bệnh nan y, con bị bệnh thiếu máu, ung thư. Như vậy, giảm trừ có 3,6 triệu là rất thấp. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung mức giảm trừ cho những người bị bệnh tăng gấp đôi lên 7,2 triệu/người", ĐB Minh đề nghị.

Với cách nhìn tương tự, ĐB Thạch Thị Dân (Trà Vinh) dẫn chiếu Malaysia quy định tăng mức giảm trừ gia cảnh cho đối tượng người khuyết tật thêm 2/3 so với mức giảm trừ gia cảnh chung đối với người bình thường. “Vì vậy, ở ta nếu thống nhất mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 9 triệu đồng thì nên quy định mức giảm trừ cho người khuyết tật thêm 6 triệu nữa (tương đương thêm 2/3) để thể hiện tính nhân văn của chế độ”, bà Dân kiến nghị.

ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) thì chỉ ra bất hợp lý hiện nay là mỗi người dân có thu nhập cao đều tham gia đóng thuế TNCN, nhưng khi xảy ra tác động khách quan, cuộc sống của họ biến động dẫn tới thu nhập giảm xuống, không đủ tiền nộp thì chính họ lại không được hưởng sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ông Hải cho rằng, “đó là sự thiếu công bằng với các đối tượng đóng thuế”.

Nhiều khoản thu nhập không “quản” được

 Hiện chúng ta không quản được thu nhập của nhiều người, đặc biệt giới ca sĩ, thu nhập không phải từ lương. Vấn đề không quản được thu nhập, dẫn tới thất thu rất nhiều. Kể cả công chức, viên chức lương 5-10 triệu nhưng nhà cao cửa rộng, xe hơi... Như vậy có một số nguồn thu không quản được, chưa đánh thuế được là bất công. Những người ăn lương thì bị quản chặt, còn lại thì lỏng lẻo. Vì vậy, cùng với việc chỉnh sửa luật thuế lần này, cần có một số biện pháp tăng cường quản lý thất thu đối với thuế thu nhập. (Luật sư Trương Trọng Nghĩa - ĐB TP.HCM)

Nên giảm số lượng bậc thuế

Biểu thuế lũy tiến từng phần ở VN gồm 7 bậc là quá nhiều, khó nhớ, chưa hợp lý, trong khi ở các nước hiện nay chỉ 1 bậc như Ba Lan, Ukraine, Hungary. Các nước tiên tiến như Nhật Bản, Anh cũng chỉ có 3 - 4 bậc. Bộ Tài chính nên giảm số lượng bậc thuế. (ĐB Trần Hoàng Ngân - TP.HCM)

Bảo Cầm - Anh Vũ (TN)

(0) Bình luận
Sớm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân