Sôi nổi phong trào thi đua ngành tuyên giáo

08/06/2010 09:07

Trong 5 năm qua, ngành tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng ban hành hàng nghìn văn bản, chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch về các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, khoa giáo, văn hóa, xã hội...


Tại chung kết Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Hải Dương năm 2008. Ảnh tư liệu.
Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về việc  tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến và thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, trong 5 năm qua, ngành tuyên giáo tỉnh đã không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi.

Hệ thống tuyên giáo của tỉnh bao gồm 3 cấp: tỉnh, huyện và cơ sở. Tổng số cán bộ toàn ngành có 1.613 đồng chí, trong đó cấp tỉnh có 26 đồng chí; ban tuyên giáo và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có 110 đồng chí; ban tuyên giáo cơ sở có 1.384 đồng chí. Ở cấp xã, đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Ban tuyên giáo, mỗi xã đều có một Phó ban tuyên giáo chuyên trách. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo tỉnh nhà đều là những người có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn cần thiết, có năng lực hoạt động, tâm huyết với nghề nghiệp, có khả năng nói và viết, có khả năng thuyết phục quần chúng.

Ban Tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho cấp ủy tổ chức tốt Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Ảnh: Tư liệu.
Trong 5 năm qua, ngành tuyên giáo các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng ban hành hàng nghìn văn bản, chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch về các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, khoa giáo, văn hóa, xã hội... Đội ngũ cán bộ tuyên giáo là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí báo cáo viên, chuẩn bị tài liệu phục vụ các hội nghị triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của cấp ủy các cấp. Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã in ấn, phát hành hàng trăm nghìn bản tài liệu học tập nghị quyết, bản tin nội bộ, thông tin tư liệu tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy ở địa phương. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hải Dương, các tạp chí, bản tin, hệ thống đài phát thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã đã đăng, phát hàng vạn tin, bài nhằm tuyên truyền, giáo dục, động viên, hướng dẫn nhân dân thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Các hoạt động tuyên truyền miệng, hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự chính sách ở các cấp ủy được duy trì khá đều đặn.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ 5 năm qua có nhiều khởi sắc: Các thiết chế văn hóa được xây dựng, củng cố và phát triển. Nhiều di tích lịch sử, cách mạng được tôn tạo, xây dựng. Hoạt động lễ hội có nền nếp hơn. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tích cực sáng tác và giới thiệu tác phẩm với công chúng. Hàng nghìn tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc ra đời, hàng trăm tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Trong 5 năm qua, tỉnh ta có thêm 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tỉnh ta đã triển khai sớm và hoàn thành tốt các kế hoạch do trung ương chỉ đạo như: Học tập các chuyên đề, thảo luận, viết thu hoạch sau học tập, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, tác phong cho mỗi ngành, mỗi đơn vị và tổ chức làm theo. Đặc biệt, trong cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn tỉnh đã có hàng nghìn lượt người tham gia, trong đó có hàng trăm thí sinh đoạt giải thưởng qua các cuộc thi từ cấp cơ sở đến toàn quốc. Cuộc thi đã có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với toàn xã hội, nhất là với lực lượng trẻ. Cũng trong cuộc vận động này, tỉnh nhà đã phát động cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đã có trên 300 tác phẩm dự thi, trong đó có 32 tác phẩm đoạt giải, những tác phẩm này đã được in thành sách phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh. Tỉnh ta đã tổ chức hội nghị biểu dương các điển hình tiêu biểu làm theo lời Bác ở các cấp.

Trong 5 năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị được quan tâm đẩy mạnh. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, các địa phương mở hàng trăm lớp bồi dưỡng kiến thức cho hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên đạt kết quả cao.

Công tác khoa giáo có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Ban Tuyên giáo các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành trong khối khoa giáo để tham mưu với cấp ủy đảng ban hành, triển khai, kiểm tra nhiều chỉ thị, nghị quyết về các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - KHHGĐ, thể dục thể thao, bảo hiểm xã hội… Công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, giới thiệu lịch sử đảng bộ địa phương và các ngành được đẩy mạnh. Đến nay, 100% số đảng bộ cấp huyện, 90% số đảng bộ cấp xã đã xuất bản xong lịch sử đảng bộ địa phương đến năm 2000; nhiều đảng bộ sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng đã biên soạn xong lịch sử. Riêng Đảng bộ tỉnh đã biên soạn và phát hành cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương giai đoạn 1930 - 1975” và đang chuẩn bị xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương giai đoạn 1975-2005”. Các huyện, xã đã và đang biên soạn tài liệu, đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong các trường phổ thông.

Có thể nói, trong 5 năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua mà hoạt động tuyên giáo tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp ngày càng trưởng thành. Công tác tuyên giáo trong toàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hạn chế các tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, phong trào thi đua trong ngành tuyên giáo của tỉnh nhà 5 năm qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Đó là phong trào chưa đồng đều ở các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở. Việc nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa thực sự được coi trọng. Chất lượng công tác tham mưu ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Việc nắm bắt dư luận xã hội thiếu kịp thời. Việc giải quyết các điểm nổi cộm còn chậm, trong đó có những vấn đề nhân dân quan tâm như: thu hồi đất đai, giải  phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường… Hoạt động của các Ban Tuyên giáo cơ sở chưa mạnh, năng lực chuyên môn của một số cán bộ tuyên giáo cơ sở còn hạn chế.

Phát huy những kết quả đạt được trong phong trào thi đua giai đoạn 2005 - 2010 và khắc phục những khó khăn, hạn chế, công tác thi đua của ngành tuyên giáo tỉnh nhà sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong giai đoạn 2010-2015.

KHÚC KIM TÍNH
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(0) Bình luận
Sôi nổi phong trào thi đua ngành tuyên giáo