Về làm dâu, chị Hòa nhận ra đã bước chân vào một gia đình trọng nam khinh nữ kiểu mẫu, cửa phòng khách chỉ mở vài lần mỗi năm dành cho đàn ông, cấm tiệt phụ nữ.
Chị Hoàng Thị Hòa, 34 tuổi, ở Hà Nam lấy chồng bằng tuổi, học cùng cấp ba, cách nhà nhau 3 km. Bố mẹ hai bên đều biết nhau nên Hòa yên tâm đi làm dâu, nghĩ sẽ đỡ lạ lẫm hơn những người lấy chồng xa.
Nhưng mọi chuyện vượt ra ngoài tưởng tượng của Hòa. Ở nhà chồng, phụ nữ bị cấm bén mảng đến phòng khách, chỉ được đi cửa dưới, xuống bếp, xuống nhà nhỏ ngồi. Từ lúc về làm dâu, chỉ một lần Hòa được bố mẹ chồng mở cửa chính cho bước vào là lúc bế cháu đích tôn cho ông bà từ bệnh viện về nhà, sau khi sinh.
Tết đầu làm dâu, Hòa thịt con gà mái, rang rồi bê lên bàn thờ làm cỗ cúng gia tiên thì bị bố chồng chặn lại. ''Nhà mình không cúng gà mái'', ông tuyên bố và đề nghị con dâu xuống bếp luôn, không được cắm hương lên bàn thờ.
Bữa cơm phụ nữ cũng phải ngồi mâm riêng. Xong bữa đàn ông ra bàn ăn trái cây, hát karaoke để chị em dọn dẹp. Sau Tết, cả nhà Hòa quay lại Hà Nội làm việc, bố mẹ chồng ra cửa đón trước, đợi khi nào có đàn ông đi ngang qua mới cho con nổ máy chạy, để ''lấy vía'' cho may mắn.
Cũng cùng cảnh đi làm dâu, chị Nguyễn Quỳnh Trang nói sốc với lối sống và cách cư xử của nhà chồng. Ở nhà chồng chị, con trai là vua, còn nàng dâu bị đối xử như giúp việc. Có lần cả đêm Trang phải thức chăm con ốm. Sáng hôm sau, chị dậy thấy mẹ chồng chuẩn bị hộp cơm cho chồng chị đi làm, còn hộp của chị trống trơn.
''Sao mẹ nấu cho anh ấy mà không nấu giúp con ạ?", Trang ngạc nhiên hỏi. Chồng thấy thế nhường hộp cơm cho vợ, nhưng bà chặn lại, nói tốn nhiều công làm cho con trai, không ăn là phụ lòng mình.
Bữa cơm nhà chồng, Trang choáng nhất là mọi người cứ thấy thứ gì ngon gắp ăn trước, không cần nhìn người khác để giữ ý như bố mẹ cô vẫn dạy. Người đi vắng không được để phần ngon hơn người ở nhà mà chỉ được toàn đầu thừa, đuôi thẹo.
Nhà chồng Trang có ba chị gái, hai anh trai. Mỗi cuối tuần, con cháu kéo đến đông như hội. Trang phải cặm cụi chợ búa, cơm nước phục vụ cả nhà, sau đó dọn dẹp bát đũa. Chị chồng và các cháu dù lớn vẫn không phụ giúp. Nhiều lúc mệt quá, Trang gọi chồng tới giúp thì lập tức mẹ chồng sẽ nhờ anh ra ngoài làm việc gì đó.
Tiến sĩ y tế công cộng, thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho rằng do đặc thù địa lý, vùng miền và văn hóa gia đình nên mỗi gia đình đều có nếp sống khác nhau. Không ít gia đình chồng giống như nhà Thu Trang hay Hòa, có lối sống quá khắc nghiệt khiến nàng dâu bị sốc văn hóa.
Theo bà Nga, cú sốc dễ khiến phụ nữ căng thẳng tâm lý, trút giận lên con cái làm trẻ bị tổn thương. "Nghiêm trọng hơn, sự căng thẳng đó dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình, gây đổ vỡ hôn nhân", bà cảnh báo.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% vụ do phụ nữ đệ đơn. Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến khủng hoảng hôn nhân.
Chị Hòa là con gái duy nhất trong gia đình hai anh em, luôn được bố mẹ cưng chiều nên không thể chấp nhận văn hóa "trọng nam khinh nữ". Hòa nhiều lần tâm sự với chồng về những hệ lụy khi con trai nối tiếp thói gia trưởng của gia đình. "Chồng bảo anh sống trong gia đình như vậy mà đâu có gia trưởng", Hòa kể.
Nhưng về sống chung chị mới phát hiện bản tính của anh cũng rất "khinh nữ". Khi vợ mang bầu bốn tháng, anh chở đi bốn nơi siêu âm chắc chắn là con trai mới thông báo với bố mẹ để tổ chức ăn mừng. "Mâu thuẫn vợ chồng tôi chỉ nảy sinh từ chuyện ở nhà chồng", cô nói.
Về phần Trang, quá mệt mỏi khi phải đầu tắt mặt tối lo cho đại gia đình chồng, cô đòi ra ở riêng nhưng chồng không chịu. Trang đề nghị họp gia đình để nói hết bức xúc. Nhưng thay vì được giải tỏa khỏi áp lực, cô bị các thành viên trong gia đình chồng lôi ra "đấu tố". Họ nói nàng dâu ích kỷ, soi mói khiến cô càng mệt mỏi hơn.
Bà Linh Nga cho rằng sốc văn hóa nhà chồng thường xảy ra do các cô gái khi yêu thiếu tìm hiểu. "Nhiều người lúc yêu chỉ quan tâm đến bạn trai mà không xem xét về tính cách, thói quen, lối sống của nhà chồng để chuẩn bị tâm lý", bà nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết người Việt trước đây thực hành truyền thống nhiều lễ (đám nói, dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lại mặt...). Nhiều người cho rằng các lễ này rườm rà, phức tạp nhưng thông qua các lễ đó, cô dâu có cơ hội tìm hiểu về nhà chồng xem văn hóa thế nào, lối sống ra sao.
"Chẳng hạn lễ lại mặt diễn ra ba ngày sau khi cưới. Trong ba ngày đầu làm dâu, nếu thấy không hợp, cô dâu được trả lễ, coi như không cưới", bà Minh nói, để thấy hiểu nhà chồng quan trọng với nàng dâu thế nào.
Nếu đang rơi vào tình cảnh như Hòa hay Trang, bà Linh Nga khuyên nên bình tĩnh chia sẻ với chồng trên tinh thần góp ý, thay vì phán xét, bởi dù thương nhau cỡ nào, không người đàn ông nào thấy thoải mái khi vợ chê bai nhà mình.
"Rất khó để thay đổi được bố mẹ chồng nên hãy thông qua chồng để tạo sự thay đổi", bà nói.
Chuyên gia cũng cho rằng muốn thay đổi được văn hóa một gia đình, phụ nữ nên thay đổi bản thân mình trước. Cần khẳng định giá trị bản thân qua công việc, thu nhập, nâng cao hiểu biết, xử lý mọi việc thấu đáo để được nhà chồng công nhận.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh cho rằng một gia đình giống như một tổ chức thu nhỏ. Nàng dâu mới về nhà chồng cũng như một nhân sự mới vào công ty. Người mẹ chồng phải giống như nhà quản lý, vừa có nguyên tắc nhưng cần mềm mại.
"Hãy chỉ dạy cho nàng dâu hiểu văn hóa nhà chồng để cô ấy biết cách cư xử. Lớn tuổi hơn phải mẫu mực, hướng dẫn, hỗ trợ, thường xuyên trao đổi để hiểu con dâu, cho cô ấy thời gian hòa nhập", bà nói.
Hòa chọn tách ra ở riêng trên thành phố, thống nhất với chồng những điều khoản để đạt được sự bình đẳng trong gia đình nhỏ. "Rất may anh cũng hưởng ứng chứ không bảo thủ", cô nói. Hòa cũng ít về quê để tránh nhận thêm những cú sốc mới ở nhà chồng.
Cuộc sống hiện tại của Thu Trang rất ngột ngạt và bế tắc. Dù đã cố gắng thích nghi nhưng cô chỉ thấy mình kiệt sức, già nua và xấu xí hơn trong cuộc hôn nhân này.
"Tôi luôn có ý định ly hôn để giải thoát", Trang nói.
* Tên nhân vật trong bài đã đổi.
TB (Tổng hợp)