Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành chấn chỉnh việc thực hiện đường dây nóng.
Các bệnh viện phải công khai số tổng đài trực đường dây nóng của Bộ Y tế (1900-9095) tại các vị trí dễ thấy, thay thế hoàn toàn bảng công khai cũ (gồm số đường dây nóng của bệnh viện, giám đốc bệnh viện, Sở Y tế, Bộ Y tế). Cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi thông tin phản ánh trên phần mềm phải thường xuyên truy cập hệ thống, ít nhất mỗi ngày 1 lần để tiếp nhận và xử lý kịp thời. Trường hợp thông tin phản ánh của người dân gồm nhiều nội dung, phức tạp cần có thời gian xác minh làm rõ, đơn vị phải cập nhật tiến độ xử lý lên phần mềm để các điện thoại viên có thông tin trả lời người dân, tránh tình trạng để quá hạn; xử lý nghiêm các vi phạm khi đã xác minh, không bao che, biện hộ. Đưa nội dung báo cáo kết quả tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân qua đường dây nóng vào giao ban hằng tuần/hằng tháng của đơn vị…
Sau hơn 2 năm triển khai, số điện thoại đường dây nóng đã trở thành kênh giám sát hiệu quả của ngành y tế. Nhiều phản ánh của người dân được giải quyết kịp thời, góp phần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy vậy, việc triển khai đường dây nóng tại một số đơn vị còn những hạn chế như trực đường dây nóng không nghe máy hoặc máy không liên lạc được, dẫn đến công tác tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân chưa kịp thời; việc ghi chép và báo cáo các hoạt động của đường dây nóng chưa đầy đủ…
HẢI HÀ