Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện số giáo viên còn thiếu của cả nước là 127.583 người và con số này tăng lên không ngừng do số học sinh tăng qua mỗi năm.
“Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Con số này gia tăng không ngừng vì số lượng trẻ em đi học tăng lên rất lớn nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng lên.” Đây là thông tin được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sáng nay, 1/11, trong phần giải trình trước Quốc hội về các vấn đề của ngành.
Cả nước
Thiếu giáo viên là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại nghị trường. Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học là 2022-2023 cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên.
Làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua. Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi. Trong khi đó, việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.
Giải trình tại nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cập nhật số liệu thiếu giáo viên đến thời điểm hiện nay là 127.583 người. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
“Năm ngoái, cùng với Bộ Nội vụ, chúng tôi xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên. Nhưng theo thống kê của ngành nội vụ, hiện, các tỉnh vẫn còn lại hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Có nhiều lý do, có nơi dùng để dành để cắt giảm 10% biên chế, nhưng cũng có nơi không có nguồn tuyển,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Tư lệnh ngành giáo dục cho hay đến nay, ngoài giáo viên những môn học mới đang trong quá trình đào tạo thì giáo viên mầm non dù nguồn tuyển có nhưng không có người ứng tuyển do lương thấp, áp lực lớn.Đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp khác đồng bộ khác.
“Trong ba năm qua, các địa phương đã sắp xếp các điểm trường và đã giảm được hơn 3000 điểm trường - là con số đáng kể để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em tốt hơn nhưng cũng không thể tăng mãi việc sắp xếp điểm trường,” Bộ trưởng chia sẻ.
Cần bảo đảm đội ngũ giáo viên
Trước thực trạng của ngành giáo dục, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo đội ngũ nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kiến nghị tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm số lượng và chất lượng để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy tình trạng tinh giản biên chế cơ học cào bằng 10% với ngành đặc thù như ngành giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.
Đại biểu Phước cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Cũng theo đại biểu Phước, cần có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. Việc đào tạo giáo viên sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho hay theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, trong phần nhiệm vụ và giải pháp ứng dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có nêu “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng” nhưng thực tế qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ việc hoặc làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Nữ đại biểu tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị cần có chế độ, chính sách tăng thu nhập cho những đội ngũ nhân viên trường học.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Hà Ánh Phượng nói.
Theo Vietnam+