Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
Cán bộ Phòng Kinh doanh (Điện lực TP Hải Dương) kiểm tra hệ thống công tơ đo đếm từ xa
Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chăm sóc khách hàng, cung cấp điện... đã mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành điện và khách hàng, góp phần hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc.
Mục tiêu "3 không"
Với mục tiêu không giấy tờ, không phòng giao dịch và không dùng tiền mặt, thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động. Trước đây, khách hàng muốn đăng ký sử dụng dịch vụ điện hoặc có kiến nghị, phản ánh về dịch vụ thì phải đến điểm giao dịch của ngành điện. Hiện nay, nếu có kiến nghị trong quá trình sử dụng điện, khách hàng có thể gọi điện đến đường dây nóng của đơn vị. Cuộc gọi của khách hàng được điện thoại viên tiếp nhận và chuyển về các bộ phận giải quyết. Phần mềm chuyên dụng sẽ lưu cuộc điện thoại và nội dung phản ánh của khách hàng đồng thời hiện lên giới hạn thời gian giải quyết. Nếu quá thời gian nhân viên chưa thực hiện sẽ bị nhắc nhở.
Đối với việc xin cấp điện, ngoài đến các điểm giao dịch, khách hàng có thể gọi điện tới dịch vụ chăm sóc khách hàng, vào Website của Điện lực Hải Dương hoặc của Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh (mục Dịch vụ điện trực tuyến). Khi khách hàng điền đầy đủ thông tin, hệ thống tự động chuyển lại cho điện lực nơi khách hàng cư trú và nhân viên ngành điện sẽ chủ động liên hệ với khách hàng để thực hiện các bước tiếp theo.
Trước đây, giữa ngành điện với khách hàng có một bản hợp đồng về mua bán điện bằng giấy nhưng hiện nay để thuận tiện cho việc tra cứu, lưu trữ thông tin, ngành điện đang chuyển dần sang sử dụng hợp đồng điện tử. Khách hàng sẽ được cấp 1 mã số để truy cập vào hợp đồng. Ngành điện đang thực hiện ký lại hợp đồng với khách hàng sử dụng mỗi tháng từ 3.000 kWh trở lên và thời gian tới sẽ ký lại hợp đồng với tất cả khách hàng dùng điện. Điện lực Hải Dương cũng đang tích cực thay công tơ thông thường bằng công tơ đọc chỉ số điện từ xa, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt đến khách hàng...
Lợi ích thiết thực
Đánh giá về hiệu quả của các dịch vụ ngành điện, ông Phạm Nguyễn Ban, Trưởng Phòng Kinh doanh (Điện lực Hải Dương) khẳng định: "Số hóa ngành điện là việc làm cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển chung và cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho cả ngành điện lẫn người tiêu dùng. Ngành điện đang từng bước thực hiện và sẽ tiến tới đồng bộ trong thời gian tới".
Những năm trước, để thanh toán tiền điện, hằng tháng chị Nguyễn Thị Hương ở phố Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) phải đến điểm thanh toán của ngành điện. Có những tháng đi công tác hay quên ngày nộp tiền điện, sau đó chị phải đến phòng giao dịch của Điện lực TP Hải Dương để nộp tiền. 2 năm trở lại đây, chị sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng. Chị Hương chia sẻ: "Đến ngày thanh toán tiền điện, điện lực sẽ gửi tin nhắn thông báo số điện tiêu thụ của gia đình và số tiền phải nộp. Sau đó một vài ngày, ngân hàng cũng có tin nhắn thông báo đã nộp tiền điện bằng việc trừ vào tài khoản. Từ khi sử dụng dịch vụ này, tôi không còn mất thời gian đi nộp tiền điện và cũng không lo quên ngày nộp như trước đây".
Là một trong những khu vực sớm được lắp đặt hệ thống đo đếm từ xa, đến nay, Điện lực TP Hải Dương đã lắp đặt được 6.310 công tơ đo xa 3 pha và 37.451 công tơ đo xa 1 pha. Việc lắp đặt công tơ điện tử đọc chỉ số điện từ xa vào đo đếm điện năng đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho ngành điện. Theo ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Điện lực TP Hải Dương: "Công tơ điện tử có độ chính xác cao, dễ phát hiện sự cố và đặc biệt là công nhân không phải đi đọc, ghi chỉ số công tơ nên không chỉ giảm nhân lực mà còn tăng tính chính xác".
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành điện mang lại những hiệu quả thiết thực nhưng trong quá trình thực hiện Điện lực Hải Dương cũng gặp một số khó khăn. Một bộ phận khách hàng vẫn ngại thanh toán tiền điện qua tài khoản, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Việc thay công tơ thường bằng công tơ đo xa đòi hỏi nguồn kinh phí lớn...
Để số hóa ngành điện, thời gian tới, Điện lực Hải Dương tiếp tục xây dựng kế hoạch, thực hiện từng bước, phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để người dân đồng hành cùng thực hiện mục tiêu đề ra.
THANH HÀ