Kể cũng lạ. Thằng con trai ông ngày trước nó ngoan ngoãn là thế. Những khi nó có lỗi, bố mẹ có mắng chửi, nó cũng chỉ cười hề hề, không dám cãi lại một câu. Đến ngày có vợ, nó cũng rất chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó, không hề chơi bời, rượu chè, cờ bạc, đàn đúm. Vậy mà không hiểu sao, mấy năm sau khi vợ nó lần lượt sinh ra hai đứa con gái, xinh xắn, thông minh, nó lại bắt đầu làm mình làm mẩy. Tuy không có chuyện vũ phu nhưng thỉnh thoảng ông lại bắt gặp nó nhìn vợ, nhìn con bằng ánh mắt hơi ủ rũ, chán chường. Tệ nhất là gần đây nó bỗng sinh chuyện bồ bịch. Ông nghe nói có một cô công nhân quá lứa nhỡ thì bám miết theo nó. Ban đầu còn kín đáo. Sau khi đã có một đứa con trai với ả nọ thì chuyện gần như trở thành bán công khai. Ông hiểu rất rõ, luật hôn nhân của nước ta chỉ cho phép một vợ một chồng. Đành vậy, nhưng mọi chuyện thực tế dưới trần gian này lại không đơn giản như luật lệ ghi trong giấy trắng mực đen. Về chuyện này, vợ nó không muốn viết đơn khởi kiện thì cũng không ai nỡ rũ rối ra làm gì. Đã mấy lần, con vợ nó dù phải ôm nhiều uất hận trong lòng nhưng đã tuyên bố dứt khoát với toàn thể gia đình là vì hai đứa con, sẽ không bao giờ làm khó cho bố chúng nó. Ông lấy làm cảm động. Dù thế nào thì cũng phải gọi đó là một cách cư xử đầy vị tha và cao thượng. Tuy là vậy, nhưng cái khó của ông lại ở những phía khác. Khi sự việc thằng con trai ông có con ngoài giá thú lộ ra, họ tộc của ông có những ý kiến trái chiều nhau. Một số người bảo rằng chắc vì cảnh vợ sinh con một bề nên nó cố kiếm thêm đứa con trai để nối dõi tông đường thì cũng nên thông cảm. Trong dòng tộc, ông là trưởng, sau ông, tất đến nó. Trưởng họ mà để tuyệt tự thì e không tiện. Nhưng xem ra ý kiến phê phán, chê bai vẫn nhiều hơn. Có người còn lớn tiếng đe đuổi cổ nó ra khỏi dòng tộc. Ông như đứng giữa đôi dòng nước, chẳng biết lội đằng nào cho phải, nên đành buông xuôi.
Rồi cuộc đời vẫn lững thững trôi. Thoắt cái, thằng con thêm của con trai ông đã gần mười tuổi. Suốt ngần ấy năm, tuy không công khai vạch tội nhưng gia đình ông vẫn cấm con bồ và đứa con chung của chúng nó bén mảng đến nhà, dù nó đã mấy lần khẩn khoản xin ông cho anh em chúng nó được nhận nhau. Nghe nó năn nỉ, cũng nhiều đêm ông mất ngủ, vắt tay lên trán nghĩ ngợi ngược xuôi. Ừ, thì chuyện là quá sai trái rồi, thằng con ông như vậy là mất cả tính người rồi. Nhưng chao ôi, cũng không thể nói khác, rằng thằng con trai của chúng nó thì cũng chính là cháu nội của ông bà, là em của hai đứa chị của nó. Có lẽ cũng chính từ những sự day trở như thế nên tuy miệng ra cái lệnh cấm nghiêm ngặt không cho thằng con nó bén mảng đến nhà này, nhưng mấy lần thấy rõ mười mươi vợ ông len lén cùng thằng con trai bí mật tổ chức “vượt rào” đi thăm đứa cháu đích tôn, ông cũng giả đui giả mù như không hay biết gì.
Nhưng rồi cuộc đời không thể trôi đi một cách bình thản mãi được. Một biến động đầy nguy nan đã xảy ra với cái gia đình thứ hai của con trai ông. Thằng con trai của nó mắc bệnh tim, phải phẫu thuật. Việc chữa trị, theo tính toán của bác sĩ phải tốn kém tới hai trăm triệu đồng, số tiền mà chắc chắn bố nó không thể có nổi ngay một lúc. Thằng con trai ông, cực chẳng đã, xiêu vẹo bước về nhà, như phủ phục trước mặt ông, van xin ông cứu con trai nó bằng hình thức cho nó mượn tạm tấm sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất ngôi nhà của ông để thế chấp vay tín dụng. Vậy là ông lâm vào tình thế vô cùng khó xử. Tất nhiên chuyện lo mất nhà đã đành, nhưng đó không phải là điều làm ông băn khoăn lo nghĩ. Ông băn khoăn về việc khác. Nếu là đứa con, đứa cháu hợp pháp trong nhà thì đâu phải chuyện đáng bàn, đằng này… Nếu đưa sổ đỏ ngôi nhà cho nó, chắc chắn ông sẽ gặp sự phản ứng quyết liệt của gia đình và dòng họ, nhất là sẽ phải nói sao với vợ nó cho hợp lẽ. Thêm nữa, cái nhà ông đang ở lại xây trên mảnh đất hương hỏa, là đất thờ cúng của các cụ để lại, nên có thể nói cũng là đất chung của toàn gia tộc. Nghĩ đi, nghĩ lại, không còn cách nào khác, ông cho mời toàn bộ họ hàng đến để xin ý kiến. Làm theo ý kiến của số đông trong họ, chắc ông sẽ ít phải chịu áp lực hơn.
Cuộc họp gia tộc rầm rộ cùng biết bao tình, lý. Người ủng hộ, người phản đối, không phe nào chịu nhượng bộ. Nhưng đến khi “biểu quyết” thì có tới hai phần ba số người nghiêng về ý kiến không đồng ý cho con trai ông mượn tấm sổ đỏ. Có ý kiến còn nêu ra, nếu mất nhà mất cửa thì không chỉ là mất tài sản của cá nhân ông mà còn mất chỗ thờ cúng của toàn dòng họ. Thế là, dù muốn hay không, ông cũng phải tôn trọng gia tộc.
Lại nói về đứa cháu gái lớn của ông. Ngày bố mẹ bỏ nhau, nó mới hơn mười tuổi, nay đã trở thành cô công nhân của một công ty may mặc, tuy tiền lương chẳng đáng là bao nhưng cũng đủ sinh sống. Cái ngày họ tộc lấy biểu quyết, ông liếc nhìn thấy nó đưa tay ủng hộ phe không cho mượn sổ đỏ. Ông không buồn cũng chẳng vui, coi đó là lẽ thường tình. Cháu gái ông hoàn toàn có quyền xót xa cho mẹ và oán trách người bố tội lỗi của nó.
Ông những tưởng nghĩ về nó như thế là ổn. Nhưng không ngờ, sau đó ít hôm, đứa cháu ông từ công ty về nhà, nói với ông một cách gay gắt:
- Ông ạ, bây giờ ông bà đã già rồi, mọi chuyện không được tinh anh như trước, mà bố cháu khi bí, có thể làm liều lắm chứ. Vậy ông đưa bìa đỏ cho cháu giữ hộ. Cháu mà giữ thì bố cháu có ba đầu sáu tay cũng không lấy trộm được. Ông bà cứ yên tâm ngủ kỹ!
Thấy thái độ có vẻ căm ghét bố hơi thái quá của nó, ông thoáng buồn. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy nó nói có ý đúng nên ông lấy tấm sổ đỏ đưa cho nó giữ hộ.
Bây giờ, đêm đêm ông bà đều mắc bệnh mất ngủ nặng. Không đêm nào ông không thắc thỏm lo âu và ân hận thường trực là đứa cháu trai mắc bệnh tim bẩm sinh có được phẫu thuật, hay do không có tiền mà đành buông tay. Không biết sức khỏe của nó hiện giờ ra sao, được bao nhiêu phần khỏe lại hay một ngày nào đó tử thần sẽ mang nó đi. Cứ nghĩ thế, ông lại thấy lòng tê dại. Đã mấy lần ông định gọi đứa cháu gái về để lấy lại tấm sổ đỏ đưa cho thằng con trai khốn nạn ấy của ông, nhưng nghĩ đến nghị quyết của dòng họ ông lại chần chừ không dám.
*
Truyện ngắn của HỒ THỦY GIANG