Những ngày qua, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh bất ngờ khi được cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố mang thông báo số định danh (SĐD) đến tận nhà để phát.
Thông báo số định danh của em H.N.M.L. (10 tuổi, trú phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) được cảnh sát khu vực phát đến nhà - Ảnh: THÁI AN
* Tại sao những ngày qua trẻ em được hướng dẫn mang theo thông báo SĐD khi đi tiêm vắc xin? Những người đi đổi chứng minh nhân dân (CMND) 9 số sang căn cước công dân (CCCD) gắn chip cũng được yêu cầu mang theo SĐD?
- Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP Hồ Chí Minh, từ 1-7 Luật Cư trú có hiệu lực thi hành và Bộ Công an đã công bố vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước khi vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu này, mỗi người dân đã được Bộ Công an cấp SĐD riêng để sử dụng suốt cuộc đời. Công an TP Hồ Chí Minh in và thông báo SĐD đến những người chưa có CCCD 12 số.
Sau khi được thông báo SĐD, người đi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip cần mang theo thông báo SĐD để thực hiện thủ tục được thuận tiện, nhanh chóng. Trẻ em đi tiêm vắc xin cũng cần mang theo thông báo SĐD vì Bộ Công an đang thực hiện tích hợp thông tin tiêm chủng vắc xin (thông qua mã QR code in trên thông báo SĐD) theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
* Thông báo SĐD người dân có thể dùng khi giải quyết thủ tục, giao dịch gì?
- Trong thời gian tới CCCD gắn chip sẽ được tích hợp rất nhiều các loại giấy tờ khác vào như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... vào chip điện tử để tiến tới chỉ dùng duy nhất CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch. Khi thực hiện các thủ tục, giao dịch, mã QR trên CCCD gắn chip hoặc thông qua SĐD được dùng để quét, kiểm tra các thông tin nhân thân, giấy tờ liên quan.
Từ 1.7, công an không còn cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trước. Công dân có thể dùng thông báo SĐD để thực hiện các giao dịch liên quan. Người chưa kịp làm CCCD có thể sử dụng thông báo SĐD có in kèm mã QR để kiểm tra thông tin cá nhân khi cần thiết.
Đối với trẻ em, ngoài việc sử dụng thông báo SĐD để đi tiêm vắc xin, cũng có thể sử dụng cho thủ tục liên quan nhập học, đi máy bay, du lịch...
* Thủ tục xin cấp giấy thông báo SĐD cá nhân như thế nào, ở đâu?
- Theo quy định, bất cứ khi nào cần thông báo SĐD, người dân có quyền yêu cầu công an cấp xã cung cấp. Tuy nhiên, thông báo SĐD (cũng như CCCD gắn chip) có thể sử dụng trong rất nhiều thủ tục, giao dịch của người dân nên người dân khi nhận được thông báo SĐD cần giữ kỹ để sử dụng khi cần thiết.
Trong trường hợp cần thông báo SĐD (chưa được công an cấp xã phát hoặc bị mất thông báo), người dân yêu cầu công an cấp xã nơi thường trú cấp. Thủ tục yêu cầu được quy định tại Thông tư 59 của Bộ Công an.
Cụ thể, người dân có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ CCCD để cơ quan công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác, công an cấp xã trả kết quả cho người yêu cầu.
Trẻ em đều đã có SĐD
Từ năm 2012, Bộ Công an đã có quy định mẫu CMND 12 số, đồng thời cũng là SĐD sau này. Năm 2014 đã vài tỉnh, thành triển khai thí điểm cấp CMND 12 số cho người dân. Từ ngày 1.1.2016, Luật CCCD hiện hành có hiệu lực đã quy định về việc chuyển đổi CMND thành CCCD, số CCCD cũng là SĐD.
Thời điểm này cả nước có 16 tỉnh, thành thí điểm cấp khoảng 16 triệu CCCD mã vạch.
Luật CCCD quy định trẻ em làm khai sinh từ 1.1.2016 trở đi sẽ được cấp SĐD trong giấy khai sinh. Từ 1.1.2021, Bộ Công an đã tiến hành cấp mới, cấp đổi thống nhất mẫu CCCD gắn chip điện tử trên toàn quốc.
Từ 1.7.2021, Bộ Công an cấp SĐD cho toàn dân, đã "phủ" SĐD cho các trường hợp đang sử dụng CMND 9 số và trẻ em chưa đến tuổi đi làm CCCD.
Theo Tuổi trẻ