Tính đến 8 giờ sáng 27.4, trên thế giới có tổng cộng 2.994.436 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 206.973 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 878.707 người.
Nhân viên y tế động viên tinh thần bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 23.4.2020
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 27.4, trên thế giới có tổng cộng 2.994.436 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 206.973 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 878.707 người.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 987.160 trường hợp mắc bệnh.và 55.413 trường hợp tử vong. Xếp sau là Tây Ban Nha với 226.629 trường hợp mắc bệnh và 23.190 trường hợp tử vong.
Tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "lục địa già".
Tại Việt Nam, tính từ 18 giờ ngày 26.4 đến 6 giờ ngày 27.4, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng và bước vào ngày thứ 11 không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Italy ghi nhận thêm 260 ca tử vong vì COVID-19
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 26.4 cho biết nước này ghi nhận thêm 260 ca tử vong vì bệnh COVID-19, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 15/3, nâng tổng số trường hợp tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 26.644 người.
Trong vòng 24 giờ qua, Italy cũng ghi nhận thêm 2.324 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 197.675 người, trong đó số ca hồi phục là 64.928 (tăng 1.808 ca), số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm 93 ca xuống còn 2.009 trường hợp.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 26.4 đã công bố giai đoạn hai của tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu từ ngày 4.5, đồng thời khẳng định cách duy nhất để sống chung với SARS-CoV-2 là duy trì khoảng cách xã hội ít nhất 1m.
Pháp ghi nhận hơn 22.800 ca tử vong vì COVID-19
Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 giảm mạnh. Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong là 242 trường hợp, giảm hơn 1/3 so với ngày trước, nâng tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 tại Pháp lên 22.856 người.
Đến nay, tại Pháp đã có tổng cộng 44.903 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, 28.217 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (giảm 5 ca so với hôm trước), trong đó 4.682 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 43). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 18 ngày nay. Xếp sau Pháp là Đức với 157.770 ca mắc bệnh và 5.976 ca tử vong.
Anh ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong gần 4 tuần
Tiếp đến là Anh, mức tăng số ca tử vong vì COVID-19 thấp nhất trong gần 4 tuần trong bối cảnh chính phủ tiếp tục từ chối những lời kêu gọi nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo giới chức Anh, 413 người tử vong vì SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức thấp nhất tính theo ngày của tháng 4.
Tổng cộng có 152.840 người dương tính với SARS-CoV-2, tăng 4.463 ca so với một ngày trước đó, trong đó 20.732 người tử vong.
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Đông không ngừng tăng cao
Trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 60 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.710 người, trong tổng số 90.481 trường hợp mắc bệnh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/4 cho biết nước này có kế hoạch mở lại một số vùng không ghi nhận sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế với người dân.
Trong tuần qua, người dân Iran đã được phép tới cửa hàng, khu chợ và công viên, sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm xuống dưới 100 kể từ hôm 14.4. Iran hiện là một trong những quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.
Ngày 26.4, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của Bộ Y tế cho hay, nước này đã phát hiện thêm 215 ca nhiễm COVID-19. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đã lên tới 4.534 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Ai Cập, trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này lên đến 317 người. Ngoài ra, cũng có thêm 62 bệnh nhân bình phục hoàn toàn, nâng tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh lên 1.176 người.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20.4
Cùng ngày, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua đã phát hiện thêm 2.357 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và có thêm 99 người tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Hiện tổng số ca mắc bệnh COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ là 110.130 người, trong đó có 2.805 ca tử vong và 29.140 người khỏi bệnh.
Cũng trong ngày 26.4, Qatar đã phát hiện thêm 929 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên tới 10.287 người. Tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng có thêm 536 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở UAE lên 10.349 người. Trong khi đó, số người mắc COVID-19 ở Kuwait hiện là 3.075 sau khi phát hiện 183 ca nhiễm mới. Liban cùng ngày cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng người mắc căn bệnh này lên con số 707.
Tình hình dịch bệnh tại châu Phi
Tại châu Phi, tới nay Nam Phi ghi nhận tổng cộng 4.546 ca nhiễm SARS-CoV-2, 87 trường hợp tử vong và 1.473 ca được chữa khỏi. Quốc gia phát triển nhất châu Phi này cũng đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 161.004 người sau khi tiến hành đo thân nhiệt cho hơn 3 triệu người.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Ủy ban Khoa học về loài người của Nam Phi (HSRC) công bố ngày 26/4, trong thời gian chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19, khoảng 1/4 người dân nước này đã không còn tiền để mua lương thực, thực phẩm, trong khi từ 46%-63% người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả các khoản sinh hoạt phí gia đình.
Trước đó, ngày 23.4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Algeria đã khôi phục một số lĩnh vực thương mại. Chính phủ Algeria vừa ban hành một hướng dẫn đối với các bộ ngành có liên quan cũng như tỉnh trưởng các địa phương về việc khôi phục một số lĩnh vực hoạt động và mở lại các cửa hàng thương mại để giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Hướng dẫn mới của chính phủ Thủ tướng Abdelaziz Djerad công bố hôm 25.4 cho biết, tùy đặc điểm địa bàn của từng ngành nghề mà tỉnh trưởng các địa phương có thể tự quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực như taxi nội đô, tiệm làm tóc, tiệm bánh ngọt, và bánh truyền thống cũng như các cửa hàng bán quần áo, giày dép, thiết bị, vật phẩm và dụng cụ nhà bếp, vải, đồ trang sức và hàng kim khí, cũng như nhiều mặt hàng khác.
Theo thống kê của Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển đại dịch COVID-19 của Algeria, tính đến chiều 26/4 theo giờ địa phương, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận tổng cộng 3.382 ca mắc COVID-19 và 425 trường hợp tử vong. Hiện Algeria là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư tại châu Phi, sau Nam Phi, Ai Cập và Moroc. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở đây là hơn 10%, thậm chí có thời điểm trên 15%, khiến Algeria trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Phi cũng như rơi vào nhóm những nước có tỷ lệ tử vong trên số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
Dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh diễn biến phức tạp
Tại khu vực Mỹ Latinh, Chính phủ Argentina đã quyết định kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc, trong khi Honduras cũng gia hạn lệnh giới nghiêm. Ngày 26/4, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cho biết lệnh cách ly xã hội bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đang có hiệu lực tại nước này sẽ tiếp tục được kéo dài tới ngày 10/5, song một số hoạt động sẽ được nới lỏng tại những địa phương có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Trong khi đó, Bộ An ninh Honduras cùng ngày thông báo, do số ca mắc ở mức cao và nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính phủ nước này quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm tới ngày 3.5. Trong thời gian giới nghiêm, người dân Honduras chỉ được phép ra khỏi nhà để mua những mặt hàng thiết yếu vào ngày trong tuần và trong thời gian từ 9:00 đến 17:00, căn cứ vào số cuối của thẻ căn cước.
Theo thống kê chính thức, đến thời điểm hiện tại, Argentina đã ghi nhận 3.892 ca mắc COVID-19, trong đó có 192 trường hợp tử vong. Còn tại Honduras, sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 11.3, tới thời điểm hiện tại đã có 627 trường hợp mắc, trong đó có 59 ca tử vong.
Theo Vietnam+