Ngày 29.8, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 12.796 ca mắc Covid-19, trong đó Bình Dương nhiều nhất với 5.414 ca, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh với 4.957 ca.
Các bác sĩ điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13
Trong ngày, có 8.813 bệnh nhân khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.749, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương hiện nay đang tăng cường xét nghiệm diện rộng. So với tuần trước đó, 13/23 địa phương có số mắc mới tăng, trong đó Bình Dương tăng 1,5 lần với 14.689 ca và gấp 2 lần số mắc tăng của 12 tỉnh, thành còn lại cộng lại.
Tại TP Hồ Chí Minh, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7, cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8.2021. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế tại TP Hồ Chí Minh); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện (BV) quận/huyện và BV dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3). Các giải pháp đã có hiệu quả giảm số ca tử vong; dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết qua phân tích 53.608 ca F0 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn chiếm gần 80%. Trong số các ca tử vong cho đến nay, hơn 80% ở TP Hồ Chí Minh, kế đến là tỉnh Bình Dương 7,5%, Long An 2,5%, Tiền Giang 1,9%, Đồng Nai 1,7%, Đồng Tháp 1,2%, các địa phương còn lại từ 0,6% trở xuống. Qua phân tích dữ liệu 5.575 ca tử vong, đủ thông tin cho thấy hơn 77% là ở tầng điều trị thứ 2, không phải là tầng có bệnh nhân nặng nhất.
Độ tuổi bệnh nhân tử vong gặp nhiều nhất là 50-64 tuổi, kế đến là 64-75 tuổi. Có 0,6% bệnh nhân tử vong độ tuổi từ 18-29, 2,2% từ 30-39 tuổi, 4,3% từ 40-49 tuổi...
Trước đây, TP Hồ Chí Minh áp dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng, hiện tại đã thay đổi sang mô hình 3 tầng như mô hình chung toàn quốc. Trong đó, chân đế là F0 điều trị tại nhà với hệ thống cơ sở y tế lưu động quản lý và cấp thuốc tận nhà. Kế đến là tầng điều trị thứ 2, thu dung bệnh nhân vừa. Tầng 3 là ca bệnh nặng và nguy kịch. Tầng điều trị thứ 3 hiện đã có thêm các trung tâm hồi sức lớn do BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Trung ương Huế phụ trách.
Những ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đã giảm. Ngày 21 và 22.8, số ca tử vong là 599; ngày 24.8 là 340; ngày 27.8 là 287; ngày 28.8 là 271 và ngày 29.8 là 256 ca. "Số ca tử vong sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới, đặc biệt là từ sau ngày 15.9 sẽ có những chuyển biến tốt", PGS Lương Ngọc Khuê dự báo.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca tử vong đã từng bước được kéo giảm nhưng mức độ giảm còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 250-300 ca mỗi ngày. Ở tầng điều trị thứ 2, số bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện về nhà nhiều nhất nhưng số ca tử vong ở tầng này cũng cao nhất.
Trước tình trạng này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu lực lượng y tế tại tầng điều trị thứ 2 phải thực hiện các giải pháp chuyên môn, kịp thời đánh giá sớm nhất tình trạng F0 chuyển nặng để chuyển tầng điều trị phù hợp. Việc đánh giá đúng tình trạng, phân loại trúng bệnh nhân và chuyển tầng điều trị chính xác sẽ giúp hạ thấp tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19.
Theo Người lao động