Số ca sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng mạnh ở miền Bắc

12/07/2023 15:39

Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành phố với diễn biến bệnh bất thường khi chỉ mới bắt đầu vào mùa.

Bác sỹ khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 8 ca tử vong.

Đáng lưu ý thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành phố với diễn biến bệnh bất thường khi chỉ mới bắt đầu vào mùa đã có nhiều trường hợp nhập viện với dấu hiệu nặng.

Hà Nội có 13 ổ dịch đang hoạt động

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 26 (từ ngày 26-2.7), tại Thủ đô đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện và không có ca tử vong.

Ca sốt xuất huyết ghi nhận gia tăng 132 trường hợp so với tuần trước đó. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (48), Hoàng Mai (21), Bắc Từ Liêm (11), Phú Xuyên (11).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 823 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (238 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện; 246/579 xã, phường, thị trấn.

Trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 7 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (2), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 48 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 13 ổ dịch đang hoạt động, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá-Thạch Thất (126), Hữu Bằng-Thạch Thất (21), Nguyên Hanh-Văn Tự-Thường Tín (15), Xuân La-Phượng Dực-Phú Xuyên (7).

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, dự báo dịch sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng gia tăng, đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy các chỉ số côn trùng cao vượt mức nguy cơ... Dự báo, thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ; các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Để kiểm soát dịch, thành phố sẽ tăng cường các các hoạt động phòng chống dịch tại các ổ dịch, các khu vực có bệnh nhân.

Chân của một bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết khi phát ban

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 8.200 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn 53% so cùng kỳ năm 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, tại tỉnh Đắk Lắk đầu tháng Bảy vừa ghi nhận một bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại thị xã Buôn Hồ. Ca bệnh này là trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.

Thời tiết thất thường là "thủ phạm"?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) cho hay thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện muỗi phát triển. Hiện tượng El Nino đã thay đổi tình hình dịch bệnh quá nhiều trong những năm gần đây. Trước kia, theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm sốt xuất huyết sẽ có kỳ số ca mắc tăng cao, tuy nhiên, theo ghi nhận 2017, 2019, 2022 số ca mắc đều đạt mức cao. Năm 2022 là năm đỉnh điểm của sốt huyết và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử.

Thông thường, dịch sốt xuất huyết từ tháng 7 đến tháng 11 sẽ tăng lên và thường không hạ. Thời điểm này so với năm ngoái số ca mắc giảm 50% so với năm ngoái, tuy nhiên đã có 40.000 ca mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc. Mặc dù số ca bệnh giảm chung trên cả nước và ở miền Nam nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái. Năm nay Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ của năm ngoái đã tăng hơn 60%.

Theo Tiến sỹ Dũng, chỉ trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tức là tăng hơn 60% so với năm trước. Tại Hà Nội, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. Hà Nội đang là điểm nóng nhất về sốt xuất huyết ở miền Bắc.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Dũng tại khu nuôi muỗi để nghiên cứu tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương

Thời tiết tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng, chống sốt xuất huyết, Tiến sỹ Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại…

Theo bác sỹ Dũng, hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số ca sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng mạnh ở miền Bắc