Phong trào Đoàn, hội hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong quãng đời sinh viên của nhiều bạn trẻ.
Khi tham gia các hoạt động Đoàn, sinh viên có cơ hội được ứng dụng thực tế các kiến thức đã học, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp liên cá nhân, hoạt động nhóm, lãnh đạo, thuyết trình…; biết chia sẻ, yêu thương thông qua những hoạt động xã hội ý nghĩa… Nhờ đó, sinh viên tự tin, chủ động hơn, được trau dồi kiến thức để hỗ trợ công việc sau khi ra trường và có điều kiện hoàn thiện bản thân.
Cơ hội tu dưỡng, hoàn thiện bản thân
Lê Phương Thảo, sinh viên năm cuối Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long) được biết đến là "tay thợ chuyên nghiệp" khi 3 năm liền tham gia Chiến dịch "Mùa hè xanh" - xây nhà cho người nghèo.
Trong đội, Thảo là nữ duy nhất và là trưởng nhóm. Nhóm của Thảo thường xây dựng nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Lần đi xây nhà đáng nhớ nhất với Thảo là đợt chiến dịch tình nguyện "Mùa hè xanh" năm 2019, xây nhà cho hộ dân tộc Khmer ở ấp Trà Mòn, xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Nhà của hộ Khmer này nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, trời mưa bùn đất lầy lội, khó đi nên công đoạn vận chuyển vật liệu rất vất vả. Các thành viên phải dùng xe đẩy, xe gắn máy di chuyển các vật liệu từ mé sông đến nhà gần 350m. Bất chấp cái nắng gay gắt của mùa hè và những khó khăn, vất vả, Phương Thảo cùng đồng đội vẫn vui vẻ miệt mài thực hiện các công việc để hoàn thành căn nhà trong suốt hơn một tháng.
Phương Thảo tâm sự, sinh ra trong gia đình nhà nông có hoàn cảnh khó khăn nên em luôn cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội có ích cho cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Việc xây nhà giúp dân đối với Thảo là việc làm vô cùng ý nghĩa, do trước đây gia đình Thảo cũng khó khăn và được hỗ trợ xây nhà. Vì thế, khi học ngành xây dựng, cô cũng muốn tự tay làm giúp những người có hoàn cảnh khó khăn khác như họ giúp mình ngày trước. Đồng thời với Thảo, việc làm này cũng là một cách trải nghiệm thực tế để cô hiểu sâu hơn và áp dụng được những kiến thức đã học trong thực tiễn, từ đó có thêm nhiều kinh nghiệm.
Không chỉ tham gia chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh, Phương Thảo còn tham gia hầu hết các hoạt động, phong trào do Đoàn trường tổ chức, nhưng không lơ là việc học. Cô thường xuyên nỗ lực tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức cho bản thân, những học kỳ qua đều đạt kết quả học tập xuất sắc.
Với Thảo việc học tập và tham gia các phong trào Đoàn, hội đều quan trọng vì có sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Nhờ tham gia các hoạt động, phong trào, cô gái trẻ nhận thấy bản thân trở nên vững vàng, chững trạc hơn; luôn sẵn sàng để đương đầu, vượt qua những khó khăn; mở mang thêm kiến thức và những người bạn mới ở khắp 3 miền.
Phương Thảo sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các bạn sinh viên khác về ý nghĩa nhân văn, bài học, kinh nghiệm thông qua những công việc, hoạt động đã tham gia để lan tỏa tới các bạn, giúp họ thấy được là những lợi ích, ý nghĩa mà hoạt động Đoàn, hội có thể đem lại.
Còn với Vũ Hồng Nhung, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Kinh tế và quản trị kinh doanh (Thái Nguyên), hoạt động Đoàn, hội đã giúp Nhung từ cô sinh viên nhút nhát, rụt rè trở nên năng động, tự tin hơn và đặc biệt có kỹ năng hoạt động nhóm tốt. Nhung cho rằng, những kỹ năng mềm sẽ tạo cơ hội cho sinh viên trong quá trình tìm việc sau này, vì nhiều nhà tuyển dụng luôn để ý tới tiêu chí này ở các ứng viên. Việc tham gia các hoạt động Đoàn, hội chính là cơ hội tốt nhất để sinh viên rèn luyện, nâng cao các kỹ năng này.
Tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, trưởng thành
Nhằm tạo ra môi trường tốt để sinh viên Việt Nam phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, năm 2009, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chính thức triển khai cuộc vận động "Sinh viên 5 tốt" trên phạm vi cả nước. Với những giá trị thiết thực mà cuộc vận động đem lại cho sinh viên, Đại hội IX Hội Sinh viên Việt Nam (diễn ra cuối năm 2013) đã quyết định phát triển cuộc vận động thành phong trào "Sinh viên 5 tốt", triển khai trong toàn thể hội viên, sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. Đến nay, những tiêu chí của phong trào vẫn luôn là mục tiêu để mỗi sinh viên phấn đấu đạt được.
Để đạt được danh hiệu "Sinh viên 5 tốt", sinh viên phải hội đủ 5 tiêu chí tốt: Đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện và hội nhập. Các tiêu chí này rất thiết thực, giúp ích cho mỗi sinh viên trong quá trình tích lũy tri thức, kỹ năng để có điều kiện hoàn thiện bản thân.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy cho biết, những năm qua, phong trào "Sinh viên 5 tốt" luôn được các cấp hội xác định là một phong trào "xương sống". Phong trào hiện có những bước phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong hội viên, sinh viên trong và ngoài nước, thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; được cấp ủy, Ban Giám hiệu nhiều trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Sinh viên triển khai".
"Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương "Sinh viên 5 tốt", sinh viên sống đẹp, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần nâng cao giá trị của danh hiệu, hình thành lớp sinh viên Việt Nam thời đại mới giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh, tri thức, sức khỏe, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế", Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy cho biết.
Theo đánh giá của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, thời gian qua, các cấp hội đã có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giới thiệu phong trào "Sinh viên 5 tốt" đến sinh viên. Trong đó có thể kể tới việc giới thiệu phong trào thông qua các ngày lễ kỷ niệm, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, các hoạt động chào đón tân sinh viên, website, các bảng tin, thông báo của Hội Sinh viên, các cuộc thi; sử dụng phần mềm, ứng dụng (app) trong triển khai và xét chọn danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" …
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu này, nhiều đơn vị còn chú ý rà soát, tìm ra những sinh viên tiệm cận 5 tiêu chí danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" để hỗ trợ các em đáp ứng đủ các tiêu chí. Hiện nay, hầu hết các trường học đều xây dựng các mô hình câu lạc bộ, hội, nhóm học tập và sở thích phục vụ học tập, góp phần thúc đẩy phong trào học tập của sinh viên. Các đơn vị cũng thường xuyên xây dựng, tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tạo sân chơi cho sinh viên rèn luyện, nâng cao thể lực, sức khỏe, đảm bảo tiêu chí thể lực tốt; tạo môi trường lành mạnh trong hoạt động tình nguyện, xung kích, phát huy các kỹ năng cho sinh viên.
Theo Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai phong trào "Sinh viên 5 tốt" vẫn có một số hạn chế. Cấp Trung ương chưa giới thiệu danh sách "Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương tới các cơ quan, doanh nghiệp. Ở một số Hội Sinh viên cấp trường, công tác tuyên truyền vận động phong trào chưa được thực hiện thường xuyên, không có sinh viên đạt danh hiệu; chưa có nhiều hoạt động phối hợp giữa Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ "Sinh viên 5 tốt" các cấp trong học tập, thực tập, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.
Mô hình một sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" hỗ trợ từ một đến hai sinh viên trong quá trình phấn đấu đạt danh hiệu đã bước đầu được triển khai nhưng chưa có sức lan tỏa và hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, Trung ương Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển phong trào, đảm bảo lợi ích cho "Sinh viên 5 tốt" sau tuyên dương...
Theo TTXVN