Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức.
15 giờ ngày 12-1-1946, Bác Hồ thăm khu Việt Nam học xá. Nói chuyện với sinh viên, Người khuyên anh em nên cần kiệm, ngăn nắp, giữ trật tự trong mọi hoàn cảnh nên bỏ thói ăn mặc xa xỉ, phụ nữ bớt phấn son.
Trong di sản bất hủ tư tưởng Hồ Chí Minh đã có 592 lần Người nhắc đến giáo dục, 159 lần nhắc đến đào tạo, 145 lần nhắc đến sinh viên, 225 lần nhắc đến học sinh… Người đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức - những thanh niên sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng.
Theo Bác, nhiệm vụ trước hết của sinh viên là học và hành. Tại Đại hội sinh viên lần thứ hai, ngày 7-5-1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Người lý giải: Học để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự; “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”.
Người cũng nhấn mạnh hai phẩm chất hàng đầu của học sinh, sinh viên phải rèn luyện trong nhà trường là đức và tài. Sau này, Bác còn dùng khái niệm hồng và chuyên. Đức và tài, hồng và chuyên phải đi đôi với nhau, song hành tồn tại cùng nhau trong một con người. Bác yêu cầu thanh niên, sinh viên phải có đức, có tài nhưng Bác đặt đức trước tài, hồng trước chuyên.
Tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác huấn thị các học viên 7 điều phải và 6 điều chống: 1- Phải yêu Tổ quốc yêu nhân dân; 2- Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn; 3- Phải yêu và trọng lao động; 4- Phải giữ gìn kỷ luật; 5- Phải bảo vệ của công; 6- Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân; 7- Phải chú ý đến tình hình thế giới. 6 điều chống là: 1- Chống tâm lý tự ti tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; 2- Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; 3- Chống thói xem khinh lao động; 4- Chống lười biếng, xa xỉ; 5- Chống sinh hoạt uỷ mị; 6- Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Làm theo lời dạy của Bác, học sinh, sinh viên Việt Nam đang phát huy tiềm năng của mình, sống có lý tưởng, tri thức và đạo đức; hăng say học tập, nghiên cứu khoa học; biết ước mơ và thực hiện ước mơ. Đồng thời, xung kích, tình nguyện xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xây dựng cộng đồng, phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bảo Châu (biên soạn)